Loay hoay tìm nơi dưỡng lão

01/07/2015 - 15:55

PNO - PN - Ngoài các cơ sở có chức năng chăm sóc người cao tuổi (NCT) thuộc diện bảo trợ xã hội, sự hình thành của các trung tâm dưỡng lão (TTDL) dịch vụ (ngoài công lập, có thu phí) là một xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ cao cấp của NCT. Nhưng, khi sự “đơm hoa” của dịch vụ chăm sóc NCT vẫn còn là dấu chấm hỏi; thì giữa NCT có nhu cầu, và người làm dịch vụ vẫn không đơn thuần là câu chuyện mua bán, cung cầu...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Lên mạng gõ “dưỡng lão ở TP.HCM”, thấy Dưỡng lão Suối Mơ ở ngay Q.9, vợ chồng tôi đánh xe đi tìm, nhưng đến đúng địa chỉ ấy thì chỉ thấy Khu du lịch Suối Mơ, bảo vệ cho biết, TTDL đã đóng cửa từ hai-ba năm nay” - đó là một phần trong câu chuyện gian nan tìm TTDL của vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Tân (P.9, Q.Tân Bình, TP.HCM) - một trong nhiều bạn đọc tìm đến chúng tôi để xin địa chỉ của các TTDL dịch vụ.

Loay hoay tim noi duong lao

Niềm vui tuổi già ở trung tâm dưỡng lão

Nhu cầu “buộc phải thừa nhận”

Là con một, cha mất sớm, trước khi lấy chồng, chị Mỹ Chi - vợ anh Tân, sống cùng mẹ và bà nội. Năm 2013, chị vừa lập gia đình với anh Tân được nửa năm thì mẹ mất, vợ chồng chị đón bà nội về ở cùng. Cuộc sống của vợ chồng trẻ bắt đầu đảo lộn, khi cụ bà 89 tuổi gần như không còn khả năng tự chăm sóc, lại nhớ nhớ quên quên. Tuần đầu, chị Chi như con quay khi từ 4g sáng đã phải dậy để dọn dẹp, nấu nướng, cho bà ăn sáng; trưa tranh thủ chạy từ công ty về cho bà ăn trưa, tan giờ làm lại vội vàng về, tắm rửa và cho bà ăn tối.

Công việc tự do, không phải ở văn phòng, mỗi ngày, anh Tân cũng tạt về trông chừng bà vài lần. Nhưng vì không có giờ nghỉ ngơi cố định, anh không thể phụ vợ chuyện ăn uống của bà. Việc chăm bà ngốn thời gian, rồi thêm việc nhà, việc tồn đọng ở công ty; chị Chi kiệt sức vì chỉ ngủ được bốn giờ mỗi ngày. Ý định đưa bà vào TTDL, mấy lần đưa ra bàn bạc nhưng chị gạt đi, vì “bà còn cháu nội, việc gì phải vào trung tâm?”.

Chị chọn cách thuê người giúp việc. Thế nhưng, không người giúp việc nào đáp ứng được nhu cầu chăm sóc 24/24 của cụ bà. Sáu giờ tối, người giúp việc nghỉ, chị Chi phải quán xuyến hết mọi chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh của bà lúc đêm hôm. Cầm cự được một năm, đến khi nhà chồng sốt ruột chuyện con cái, chị Chi lại thêm lo. Anh Tân chia sẻ: “Thật lòng, giai đoạn ấy, tôi chán nản không muốn sinh con. Dù có làm ra bao nhiêu tiền, tôi cũng không mua được vài giờ đồng hồ mỗi ngày để phụ vợ, mà công việc thì không thể bỏ”. Khi kế hoạch sinh con không thể trì hoãn, chị Chi mới chấp nhận tính chuyện tìm TTDL cho bà.

Trong cuộc sống hiện đại, những gia đình neo người như nhà chị Mỹ Chi không hiếm. Nếu con cháu đều có việc làm bên ngoài, NCT lại sa sút về sức khỏe, trí tuệ, cần được trông nom 24/24, thì việc chăm sóc buộc phải “khoán” cho người ngoài. Với những gia đình có điều kiện, lại có nhu cầu chăm sóc toàn diện cho NCT, thì vào dưỡng lão là một lựa chọn tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay, khi nhận thức về tự do cá nhân ngày càng cao, vào TTDL không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là lựa chọn của chính NCT.

Bà Lê Thu Hường (73 tuổi, Q.4, TP.HCM) cho biết bà đứng ngồi không yên vì không tìm được trung tâm nào phù hợp để dưỡng lão. Chồng bà mất sớm, để lại bốn người con cùng một căn nhà. Mới đây, do nhẹ dạ ký sang căn nhà cho cô con gái út, bà vô tình gây bất bình khiến những người con còn lại không nhìn mặt mẹ. Chung sống một thời gian, giữa bà và cô con gái út cũng thường xuyên mâu thuẫn, khiến cuộc sống ngột ngạt, buồn tẻ. Bà chán nản nghĩ tới việc tìm một TTDL.

Loay hoay tim noi duong lao

Không gian thoáng đãng, thanh bình là một trong những lý do khiến NCT thích sống trong các trung tâm dưỡng lão (ảnh chụp từ Làng an dưỡng thôn Kinh Đông)

Sợ hãi một tuổi già cô đơn, phiền hà người thân, mới 55 tuổi, bà Nguyễn Thị Ân (P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã loay hoay tìm nơi dưỡng lão. Thu nhập khá cao bằng nghề hướng dẫn viên du lịch, nhưng vì không lập gia đình, bà Ân sống cùng em trai. Nhưng, nỗi bất an bắt đầu từ ngày cậu em lấy vợ, cuộc sống riêng tư của gia đình em trai khiến bà Ân ái ngại. Dành dụm mua được hai căn nhà, tính chuyện ra riêng, nhưng sợ sống một mình, bà Ân vẫn tìm cách bám trụ căn nhà chung “để nhỡ đêm hôm gió máy thì có người giúp”. Nhưng, “càng ngày tôi càng nhận ra mình cũng cần cuộc sống riêng”, bà tâm sự.

Vốn là một kỹ sư làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, 72 tuổi, bà Nguyệt vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Năm 2014, khi hai người con đã lập gia đình, chồng mất, bà quyết định vào dưỡng lão ở làng an dưỡng thôn Kinh Đông (H.Củ Chi). Bà tâm sự: “Hồi đó, thấy con cái bận bịu, bản thân lại muốn được nghỉ ngơi, an dưỡng, tôi quyết định vào đây sống. Bọn trẻ khá hiện đại nên cũng ủng hộ, xem như tôi đang đi du lịch, nghỉ dưỡng dài ngày”. Mỗi lần đám tiệc hay khi nhớ nhà, bà Nguyệt lại đi xe buýt về, ở với con ít hôm, rồi trở lại làng an dưỡng. Con cái mỗi khi nhớ mẹ thì rủ nhau đến thăm, cùng mẹ nghỉ dưỡng vài ngày, rồi quay về thành phố.

Bước ra khỏi nỗi ám ảnh về ranh giới giữa hiếu - bất hiếu cùng những ràng buộc bởi những quan niệm khác nhau về giá trị gia đình, như những nước phát triển, người Việt dần thừa nhận rằng “vào dưỡng lão” là giải pháp tối ưu đối với nhu cầu được chăm sóc, bầu bạn của NCT.

Cung èo uột, nhỏ giọt

Thế nhưng, khác logic cung cầu thông thường, không khí ngành dưỡng lão ngoài công lập - có thu phí (TTDL dịch vụ) vẫn ảm đạm, các trung tâm ra đời nhỏ giọt, phát triển dè dặt, hoặc, thậm chí... thay nhau đóng cửa.

Năm 2013, dự án Dưỡng lão Eden được quảng cáo sẽ là một nơi có cảnh quan đẹp, dịch vụ chăm sóc hoàn hảo cho NCT, bắt đầu đăng tin tuyển dụng nhân sự, mở kênh tư vấn khách hàng, rồi... chấm hết. Tìm cách liên lạc, chúng tôi được một người tên Tú, từng phụ trách đường dây nóng của dự án cho hay: “Dự án này không hoạt động”.

Theo Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM), ngoài sáu trung tâm bảo trợ xã hội có chức năng chăm sóc NCT thuộc diện bảo trợ xã hội, trên thành phố hiện có 11 cơ sở ngoài công lập, trong đó, có hai trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng NCT có thu phí (TTDL dịch vụ - PV) ở huyện Củ Chi, là Làng Ba Thương và TTDL Bình Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Lê Chu Giang - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, cơ sở dịch vụ NCT hình thành từ khá lâu (năm 2007), nhưng đến nay vẫn phát triển dè dặt. Một vài TTDL dịch vụ khác đã ngừng hoạt động.

Tìm về ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi - địa chỉ của Làng an dưỡng Ba Thương, cách trung tâm Sài Gòn khoảng 50km, điểm đến của chúng tôi lại là... Làng nghỉ dưỡng thôn Kinh Đông. Tiếp chúng tôi, ông Võ Văn Tùng - Giám đốc điều hành Làng nghỉ dưỡng cho hay, năm 2013, khi chủ cũ qua đời, một Việt kiều Pháp mua lại làng an dưỡng Ba Thương, đổi tên thành Làng nghỉ dưỡng thôn Kinh Đông.

Với không gian đẹp, thoáng mát, sang trọng, làng chỉ tiếp nhận chăm sóc những NCT khỏe mạnh, còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Không gian sinh hoạt của NCT được thiết kế theo dạng resort được trang bị hiện đại, đẹp mắt, mỗi người một phòng, ở theo từng cụm bốn phòng. Từ khi đổi chủ, làng mở rộng tiếp nhận khách hàng là người nước ngoài. Tuy nhiên, với mức phí 15 triệu đồng/tháng, lại tập trung đầu tư không gian sống chứ không chú trọng việc chăm sóc sức khỏe, Làng an dưỡng thôn Kinh Đông chưa thực sự hút khách. Lượng NCT được chăm sóc ở làng hiện nay chỉ dưới 10 người; hoạt động chính vẫn nghiêng về dịch vụ du lịch.

Cơ sở nuôi dưỡng có thu phí “náo nhiệt” nhất có lẽ phải kể đến TTDL Bình Mỹ. Nằm cách thành phố hơn 30km, thuộc xã Bình Mỹ, H.Củ Chi, Trung tâm Bình Mỹ đang chăm sóc hơn 70 cụ, với mức phí từ 8-10 triệu đồng/tháng. Tập trung vào khía cạnh chăm sóc, nuôi dưỡng; DL Bình Mỹ tiếp nhận mọi đối tượng NCT, bất kể tình trạng sức khỏe.

Tất cả nhân viên chăm sóc ở đây đều tốt nghiệp ngành điều dưỡng. Được xem là cơ sở nuôi dưỡng có thu phí hoạt động khá hiệu quả, tuy nhiên, ông Bùi Anh Trung, Giám đốc Trung tâm tâm sự: “Người làm dưỡng lão ở Việt Nam vẫn đang dò dẫm từng bước một, và giữa một rừng rủi ro, sai lầm hay thất bại cũng là chuyện bình thường”.

Một lĩnh vực tưởng chừng rất sôi động, và thực tế là đã từng... “manh nha sôi động” trong những năm 2011-2012, đến nay lại khá khiêm tốn. Sẽ không quá khó để có giải đáp cho bước đi dè dặt, cầm chừng này.

MINH TRÂM

(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI