Lì xì - chuyện dở khóc dở cười năm nào cũng gặp

06/02/2022 - 16:25

PNO - Biết đến khi nào lì xì mới trở về đúng nghĩa của nó để trẻ con được vui mà người lớn chẳng phải nặng lòng.

Mỗi dịp tết, những câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến lì xì được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.

Mới đây, trong một hội nhóm, có thành viên đã chia sẻ tâm sự liên quan đến chuyện lì xì. Theo đó, mỗi năm, gia đình chị tiêu tốn nhiều tiền lì xì cho con cháu trong nhà. Đáng nói, chị chỉ có một đứa con, còn anh chị em ruột thì nhà nào cũng từ 2 đến 3 cháu.

Chị lì xì các cháu 100 ngàn đồng, nhưng các bác mừng lại cho con chỉ từ 20 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng. Đã 8 năm qua, chuyện lì xì vẫn như thế nên chị băn khoăn không biết có nên xem lại để lì xì cho các cháu ít hơn không. Vì gia đình chị không giàu có, thiếu trước hụt sau, trong khi nhà các anh chị em đều khá giả.

Câu chuyện lì xì không mới nhưng năm nào cũng có những băn khoăn
Câu chuyện lì xì không mới nhưng năm nào cũng có những băn khoăn

Câu chuyện trên đã tạo nên sự tranh cãi. Một số người nêu quan điểm, lì xì là lấy may đầu năm, không nên tính toán, nhất là con cháu trong nhà. Nếu lì xì không có cái tâm mà so đo thì đừng làm còn hơn.

Có người cho rằng, nên lì xì theo khả năng tài chính của bản thân, đừng vì sĩ diện rồi than thở. Nhiều ý kiến đồng tình, tốt nhất là “người ta sao mình vậy” nghĩa là họ mừng con mình bao nhiêu, thì mình mừng lại bấy nhiêu để khỏi phải suy nghĩ.

Bên cạnh đó, không ít bình luận bày tỏ sự ngán ngẩm đối việc biến tướng của phong tục lì xì.

Vốn dĩ lì xì là mừng tuổi cho trẻ con và người già với mong muốn các cụ khỏe mạnh sống lâu, trẻ con chăm ngoan học giỏi và không quan trọng số tiền nhưng hiện nay hầu như mọi người xem lì xì như một cuộc trao đổi, thậm chí khoe mẽ, sĩ diện, làm hư trẻ con.

Các ý kiến tranh cãi xung quanh câu chuyện chia sẻ
Các ý kiến tranh cãi xung quanh câu chuyện chia sẻ

Có người đề xuất nên bỏ tục lì xì đi, hoặc chỉ nên mừng tuổi cha mẹ ông bà lớn tuổi còn trẻ con nên lì xì bằng sách hoặc vật phẩm thay vì tiền.

Quả thực, những tranh cãi xung quanh chuyện lì xì không phải là mới, năm nào cũng chừng ấy băn khoăn nhưng cứ thế lặp đi lặp lại. Nhiều lúc vì chuyện lì xì trẻ con mà người lớn lại nặng lòng. Câu chuyện vừa xảy trong dịp tết ở gia đình tôi cũng là một minh chứng cho điều đó.

Khác với mọi năm, tết năm nay nhà nội có việc đột xuất nên đến mùng Năm, gia đình tôi mới về chúc tết bên ngoại. Ông bà ngoại đợi chúng tôi về để làm mâm cúng hóa vàng, anh em tập trung đông đủ cho bữa cơm đoàn viên.

Tết năm nào, tôi cũng chủ động chuẩn bị phong bao lì xì khi cả nhà đi chúc tết. Các cháu cả hai bên nội ngoại đều nhận phong bao lì xì năm mươi ngàn đồng còn người lớn tuổi hai trăm ngàn đồng.

Bao năm qua vẫn vậy, tôi sẽ lì xì ở nhà nội còn chồng tôi thực hiện ở nhà ngoại. Năm nay, khi chồng tôi vừa phát phong bao lì xì cho con cháu trong nhà và ông bà sau bữa cơm thì em rể rút ra một tập tiền mới có mệnh giá lớn. Em lì xì trẻ con hai trăm ngàn đồng và người lớn năm trăm ngàn đồng.

Các cháu vui sướng khi nhận được tờ tiền mới, có đứa bốc ngay cái bao lì xì của chồng tôi rồi buột miệng bảo: “Bác Hai lì xì có năm mươi ngàn đồng à, dượng Út xịn xò quá!”.

Câu nói của cháu làm không khí chùng xuống. Mặc dù em dâu tôi nhắc nhở con ngay, mọi người nói lảng qua chuyện khác nhưng chồng tôi lập tức tự ái.

Lì xì xuất phát từ tâm, không nên so đo tính toán?
Lì xì xuất phát từ tâm, không nên so đo tính toán?

Trên đường về nhà, chồng tôi càm ràm: “Hôm nay anh mất mặt quá”. Tôi biết anh đang bức xúc nên nói: “Người trong nhà cả, anh nghĩ nhiều mà làm gì”.

Chồng vẫn bực bội: “Chính vì là người nhà mới mệt”. Thật sự, trong lòng tôi có chút lấn cấn vì chuyện xảy ra nhưng cứ nghĩ chỉ là chuyện trẻ con, ai ngờ chồng lại băn khoăn nhiều đến thế.

Nghe đâu, em rể tôi đợt vừa rồi trúng bất động sản nên năm nay lì xì nhiều cho các cháu, còn mọi năm cũng ngang mức chúng tôi. Tôi nghĩ, em rể không cố ý làm vậy nhưng chồng lại suy diễn. Chỉ việc nhỏ thôi mà tôi thấy không khí tết mất vui đi một chút. Biết đến khi nào lì xì mới trở về đúng nghĩa của nó để trẻ con được vui mà người lớn chẳng phải nặng lòng.

Bảo Yên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI