Làm thế nào để không "phá sản" chi tiêu mùa tết?

25/01/2021 - 09:27

PNO - Nguyên tắc chủ chốt của việc chi tiêu tết cũng như chi tiêu các thời điểm khác trong năm là bạn phải chủ động.

Trong ký ức của nhiều người Việt, tết không chỉ vui vẻ sum vầy, mà tết còn là những cơn vật vã túng thiếu. Vì theo quan niệm truyền thống, tết phải luôn đầy ắp thịt cá, nhà cửa phải sửa sang sáng trưng, bàn ghế phải mua mới, hoa phải từ trong ra sân. Và áo quần, dù thế nào cũng phải có đồ mới cho con, cho cháu.

Quan niệm đó khiến với nhiều người, tết chỉ là những ký ức buồn, là lúc phơi bày sự thất bại của việc kiếm tiền trong năm.

Chị Lê Quế Phương - trưởng Hiệp hội kỹ sư dầu khí Việt Nam kể: “Dù nhà tôi không quá khó khăn, nhưng tôi vẫn nhớ những cái tết mẹ tất bật lo tiền nong. Nào là gửi cho ông bà ngoại, gửi về quê, chuẩn bị tiền cho bố lì xì, loay hoay mua sắm. Tết đến, cứ thấy mọi việc rối lên, hơn là thong dong nghỉ ngơi”.

Vậy, tết chi tiêu thế nào là hợp lý?

Chị Lê Quế Phương
Chị Lê Quế Phương

Lê Quế Phương chia sẻ: "Mỗi năm tết đến, dù năm đó kiếm được nhiều hay ít tiền, tôi vẫn chi tiêu vừa phải, không vung tay và không chạy theo xu hướng". Phương nói rằng chị luôn gạch đầu dòng những gì có thể mua sắm để nhìn vào đó mà cân nhắc.

Quan trọng nhất, phải lập một ngân quỹ cố định dành riêng cho tết. Ngân quỹ này là không được quá khả năng của gia đình, không được vay mượn để chi tiêu cho tết.

Với những khoản có thể sắm trước như là quần áo hay đồ gia dụng trong nhà, không nên sắm cận tết. Ví dụ như muốn sắm tivi mới hay là có máy lạnh mới, có thể mua trước khá xa để có thời gian chọn lựa món tốt, giá tốt. Đừng dồn quá nhiều khoản phải chi tiêu vào những ngày giáp tết, gây nặng gánh cho ngân quỹ tết.

Những "hạng mục" như quần áo mới hay đồ ăn thức uống, nên mua vừa đủ, đừng để không khí mua sắm tết làm cho mình vung tay quá trán, chi tiêu theo "trend" dẫn đến là sau tết... méo mặt.

Tết năm nay cũng vậy, gia đình chị Quế Phương chi tiêu dễ chịu như chị chia sẻ: “Chúng tôi chia ra thành các khoản: Thứ nhất là khoản cố định cho hai bên nội ngoại. Thứ hai là các khoản tri ân thăm hỏi thầy cô giáo của các con. Sau đó là khoản thăm hỏi họ hàng nội ngoại, khoản lì xì cho các cháu nhỏ. Khoản thứ tư khá lớn, đó là sinh hoạt phí trong thời gian tết gồm có chi phí ăn uống, đi chơi, du lịch (nếu có). Khoản thứ năm dành cho từ thiện thiện nguyện để cả nhà cùng tham gia những hoạt động thiện nguyện thích hợp. Vì chúng tôi quan niệm càng cho đi càng hạnh phúc càng hạnh phúc thì càng giàu có, nên trong dịp đầu xuân không thể thiếu hoạt động thiện nguyện để mở đầu một năm mới hạnh phúc".

Khoản tiếp theo là chi tiêu cá nhân, chị Quế Phương nói: "Bấy lâu, tôi dùng khoản này từ tiền tôi kiếm được và đây là thu nhập độc lập với tài chính gia đình nên có quyền tự quyết.Tôi sẽ chi cho việc chăm sóc da và mua sắm những thứ phù phiếm nhưng đem lại niềm vui cho bản thân".

Chĩ Quế Phương trong một chương trình thiện nguyện (Ảnh từ FBNV)
Chị Quế Phương trong một chương trình thiện nguyện (Ảnh từ FBNV)

Chị Quế Phương khẳng định, nguyên tắc chủ chốt của việc chi tiêu tết cũng như chi tiêu các thời điểm khác trong năm là bạn phải giữ thế chủ động. Số tiền kiếm được phải nhiều hơn số tiền mà bạn chi tiêu. Tốc độ kiếm tiền phải nhanh hơn tốc độ bạn tiêu tiền, đó bí quyết quản lý tài chính gia đình để không lâm vào cảnh dở khóc dở cười sau tết.

Lan Khôi (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI