Lạm phát khiến người dân châu Á khốn khó hơn

24/08/2022 - 06:11

PNO - Bước sang năm 2022, toàn cầu hy vọng khi COVID-19 không còn là nỗi ám ảnh, nền kinh tế sẽ sớm phục hồi. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát gia tăng đã khiến con đường phục hồi sau đại dịch trở nên khó khăn, đặc biệt là với các nước châu Á.

Các nhà phân tích cho biết dù mức tăng giá ở châu Á tương đối vừa phải so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng tình trạng lạm phát kéo dài sẽ cản trở tăng trưởng và gây thêm các vấn đề như mất an ninh lương thực. Thực tế, dù ở nhiều nước ở Đông Nam Á, mức lạm phát chưa khủng khiếp như các nước phương Tây nhưng mức tăng giá đã vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương.

Làn sóng gia tăng chi phí sinh hoạt hiện nay là hậu quả từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bị ảnh hưởng bởi đại dịch cùng với xung đột Nga - Ukraine. Theo đó, tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ giảm tốc xuống 4,2% trong năm nay, ít hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Tư của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).  

Đối với gia đình bốn người của Trie Gusnia Lanasha ở Indonesia, các bữa ăn tại nhà trở nên nhạt nhẽo, thiếu hương vị sau khi giá thực phẩm tăng cao. Để tiết kiệm, người phụ nữ 25 tuổi này đã cắt giảm các gia vị như hành tím và ớt. Cô bắt đầu tự trồng ớt khi những mặt hàng này tăng giá khoảng từ 100-200%. “Chúng tôi ít ăn các món cay hơn, nhưng không sao bởi dù sao chúng tôi vẫn còn cơm ăn đủ no”, bà mẹ hai con ở Tây Java nói.

Tại ASEAN, tỷ lệ lạm phát trung bình đã tăng lên 4,7% trong tháng 6/2022 so với mức 3,1% trong tháng 12/2021 - ẢNH: BLOOMBERG
Tại ASEAN, tỷ lệ lạm phát trung bình đã tăng lên 4,7% trong tháng 6/2022 so với mức 3,1% trong tháng 12/2021 - ẢNH: BLOOMBERG

Tại Singapore, bà Anna Ng đã ra mở một quầy bán gạo chưa đầy hai tháng kể từ khi bà trải qua cuộc phẫu thuật điều trị ung thư. “Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bác sĩ nói rằng sức khỏe của tôi quan trọng hơn. Nhưng dù sao tôi vẫn phải sống khi chi phí đang tăng  cao, tôi vẫn bước ra buôn bán kiếm tiền trang trải chi phí”, bà Anna Ng nói. Bà cũng cho biết lợi nhuận của bà đã giảm đáng kể do giá thực phẩm tăng vọt, bên cạnh đó là các khoản phí điện nước, các dịch vụ cũng 
tăng theo. 

Theo dự đoán của các chuyên gia, tình hình lạm pháp sẽ còn kéo dài. Các nước Đông Nam Á cũng đang vất vả đối phó với tình trạng lạm phát này. Mỗi nước sẽ có những biện pháp đặc thù của mình nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng của lạm phát đến đời sống của người dân và nền kinh tế. Trước mắt, Indonesia và Philippines trợ giá nhiên liệu, trong khi Malaysia và Singapore hỗ trợ tiền cho người nghèo, còn Thái Lan thì cân nhắc tăng lãi suất. 

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng chính phủ các nước cần đưa ra chính sách bền vững hơn để tránh cho công chúng khỏi các cú sốc giá cả, bởi điều này tác động đến từng đồng lương, từng bữa cơm gia đình. Hafidzi Razali - nhà phân tích rủi ro chính trị cấp cao của BowerGroupAsia (Malaysia) - nói: “Lạm phát kéo dài có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng mỗi nước - yếu tố được xem là quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế. Với việc tiêu dùng trong nước suy giảm, các doanh nghiệp nhỏ sẽ là những chủ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt khi chi phí của họ cũng tăng lên. Nếu thực trạng này không được kiềm chế, một bộ phận người lao động sẽ bị mất việc làm khi nhiều doanh nghiệp phá sản”. 

Lệ Chi (theo Bloomberg, Strait Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI