Làm gì khi đứa trẻ của bạn muốn nhuộm tóc, đeo khuyên tai?

19/09/2023 - 05:57

PNO - Tôn trọng người khác và quy tắc chung là điều cần làm, nhưng đừng vì thế mà bóp nghẹt cá tính của con.

“Cha của thằng bé thấy con đem về cái quần jeans rách. Không nói không rằng, ông chụp cái quần rồi vứt luôn ra ngoài sân. Thằng bé sau đó ở lì trong phòng ngủ. Nó không tha thiết sống nữa. Chỉ mặc một cái quần theo ý thích mà cũng không được thì có thể tự do làm điều gì nữa? Cuộc sống có ý nghĩa gì nữa?” - tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương - Viện trưởng Viện Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) - kể với tôi.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Những đứa trẻ bắt đầu lớn đều có khao khát đi tìm bản sắc, cá tính riêng của mình. Trẻ cũng khao khát được khẳng định, được công nhận sự khác biệt đó. Khẳng định bản sắc, cá tính là điều cần thiết. Nó giúp con người tự nhận diện mình là ai, mình có giá trị gì và có điểm khác biệt như thế nào với người khác. Khẳng định cá tính và được công nhận sẽ giúp những người trẻ tự tin hơn vào chính mình.

Những người trưởng thành có nhiều cách để tạo dấu ấn riêng. Đó có thể là kinh nghiệm làm việc, bằng hành trình lớn lên, những thành tựu đạt được. Người trẻ tuổi thường chưa biết cách để thể hiện bản thân một cách tốt nhất, vì thế họ chọn thể hiện bản sắc, cá tính riêng qua ngoại hình - thứ dễ thấy nhất.

Họ thay đổi kiểu tóc, cắt ngắn đi, nhuộm màu, hay là mặc trang phục theo một lối riêng nào đó hoặc xỏ khuyên vành tai… Điều đó thực ra là bình thường, nhưng đáng tiếc là ít khi được chấp nhận. Đa số phụ huynh chúng ta sợ con khác đám đông, đánh giá con bằng định kiến rằng sự khác biệt đó là hư hỏng. Khi con dám bộc lộ cá tính của mình, phản ứng của cha mẹ đôi khi khiến cho trẻ tổn thương, khiến chúng hoài nghi bản thân và sợ hãi.

Năm 18 tuổi, vừa học xong cấp III, tôi vào thành phố chơi với chị. Tôi nói với chị là tôi muốn cắt bớt mái tóc dài của mình - mái tóc dài ngang thắt lưng, gắn với tôi suốt 3 năm cấp III. Khi 2 chị em vừa bước ra cửa thì nhận được cuộc điện thoại của mẹ, biết chuyện, mẹ tôi phản ứng ngay: “Con cắt tóc thì đừng về nhà nữa!”. Tôi vùng vằng bỏ vào nhà. Chị tôi phải nói chuyện với mẹ khá lâu, cuối cùng, mẹ đồng ý để tôi cắt tóc.

Tóc cắt rồi, nhưng nỗi buồn vì phản ứng của mẹ vẫn ở trong lòng tôi rất lâu. “Mẹ không tin tưởng mình. Mẹ không tin vào sự lựa chọn của mình”. Suy nghĩ đó khiến tôi không muốn trò chuyện với mẹ nữa. Với một người trẻ tuổi, được chấp nhận cá tính là điều rất quan trọng. Nhưng với cha mẹ, chuyện đó chẳng hề dễ dàng. 

Chị Trần Thu Hà - tác giả cuốn Con nghĩ đi, mẹ không biết - từng làm việc 10 năm ở tòa soạn Báo Hoa Học Trò, là người thấu hiểu tâm tư của tuổi teen, nhưng khi đối diện với những thay đổi của con gái vào tuổi dậy thì, chị cũng không tránh khỏi lo lắng.

Chị viết: “Sim 15 tuổi, đã tự nhuộm tóc màu hồng, màu trắng và giờ là màu xanh. Nàng ấy xem trên YouTube, tự mua đồ về nhà nhuộm. Nhuộm xong dính màu lem nhem xanh đỏ lên 2 cái tủ trắng, 1 cái giường trắng, bộ bàn ghế trắng và bức tường trắng ở trong nhà; lem hết 1 cái áo mưa, 1 áo thun và khăn tắm. Nàng ấy xỏ 5 cái khuyên tai. Nàng ta còn chuyên đầu trần, quần cộc, áo cộc, dang nắng đen nhẻm và rất tự hào về làn da ngăm của mình”.

Chị Hà không thích tất cả những điều đó, nhưng chị chấp nhận “những thử nghiệm hâm hâm của con, trong hành trình đi tìm bản sắc của tuổi teen”. Nhưng bên cạnh cảm xúc “ngứa mắt, xót ruột”, chị Hà vẫn tự hào về con bởi “bên trong cái đầu xanh đỏ đó, vẫn là một đứa con rất ngoan, ham học, trung thực, tử tế và giàu lòng trắc ẩn”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Nhưng không phải bà mẹ nào cũng có thể vén cái gai trong mắt để bao dung với hành trình trưởng thành của những đứa trẻ. Cậu bé trong câu chuyện mà tiến sĩ Mỹ Hương kể đã có sẵn những tổn thương tâm lý. Việc cha ném phăng chiếc quần ra sân chỉ là giọt nước tràn ly khiến cậu quyết định đóng cửa, miễn giao tiếp với thế giới. Nhiều người làm cha mẹ vẫn sống cạnh con nhưng không hề biết con mình bị tổn thương và cũng vô tư làm tổn thương con bằng những hành động như thế.

Kể câu chuyện về chiếc quần jeans của cậu bé xong, chị Hương nói với tôi, khi lên lớp dạy sinh viên, chị vẫn ăn mặc chuẩn mực, nhưng thỉnh thoảng đi chơi với học trò, chị vẫn mặc quần jeans rách. Chị mặc như vậy nhằm thể hiện rằng: “Ở môi trường này, cá tính của bạn được tôn trọng. Trang phục thể hiện sự tôn trọng với người khác, nhưng cũng đừng vì thế mà tước đi sự tôn trọng cá tính của chính bản thân mình”.

Tôi ước những người làm cha mẹ cũng nhận ra điều đó. Tôn trọng người khác và quy tắc chung là điều cần làm, nhưng đừng vì thế mà bóp nghẹt cá tính của con. 

Lê Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI