Kiếm chữ cho con truyền chữ cho đời

10/06/2016 - 13:12

PNO - “Vợ chồng ông Tư giờ sung sướng rồi, nhà cửa được các con nâng cấp, đau ốm có con cái xúm vào lo. Nhà có 11 đứa con, 10 đứa làm thầy”.

Ngôi nhà mái ngói, rộng rãi, khang trang ở ấp 3, xã Long Thới, H.Nhà Bè (TP.HCM) của ông Phạm Văn Đực được người dân trong vùng ngưỡng mộ: “Vợ chồng ông Tư bây giờ sung sướng rồi, nhà cửa được các con nâng cấp, đau ốm có con cái xúm vào lo. Nhà có 11 đứa con, 10 đứa làm thầy”.

Hiếu thảo, yêu thương nhau...

Năm ngoái, ông Tư còn khỏe mạnh, đi lại nhiều. Hai tháng nay, mắt ông kém, con trai đưa đi mổ mắt. Ông hay chóng mặt, con trai lại đưa đi khám. Ông bị nhồi máu cơ tim, nằm viện một tuần, mới về nhà.

Nhà ông, thứ Bảy, Chủ nhật, đông như nhà trẻ khi bầy cháu theo ba má về thăm ông bà. Ông bệnh, nhà lại càng đông người hơn. Thằng cháu ngoại năm tuổi, con của chị thứ chín, chạy thẳng vào nhà khoanh tay: “Dạ, ông ngoại khỏe chưa”. Thằng cháu ngoại ba tuổi, con của chị thứ sáu, “độc quyền” giành “hun” ông ngoại cho đến khi ông… mệt! Mấy cháu nội ở gần, mang đồ ăn sang: “Nội ơi, ba má con nấu món này, nội ăn cho nóng”.

Thi, cô cháu ngoại, con của chị tư, đang học đại học Y, nghe tin ông bệnh, bỏ dở bữa ăn, chạy vào bệnh viện thăm, đảm nhận việc phân chia thuốc của ông vào từng hộp nhỏ: “Hộp này, ngoại uống buổi sáng, hộp này buổi chiều…”. Thi luôn nhớ, ngoại là “ông xe ôm” đưa đón cháu đi học suốt những năm cấp I. Đứa cháu nào lớn lên cũng có kỷ niệm với ông bà, cũng nhớ ông bà cho ăn, dẫn đi chơi, đưa đi học… Với ông, mấy đứa cháu là một liều thuốc quý.

Ông Tư vui, niềm vui của người già chẳng gì hơn khi “con cháu chạy tới, chạy lui hỏi han, chăm sóc mẹ cha, ông bà”. Ông hạnh phúc vì mọi mong ước của ông đã thành sự thật. 11 người con, 3 trai, 8 gái củ a ông bà , thì 10 ngườ i trở thành thầy cô giáo khiến gia đình ông nổi tiếng giữa vùng đất một thời “gia đình khó khăn nên trẻ con nghỉ học sớm”. Ông vui khi các con đều thành đạt, gia đình hạnh phúc, để nhà ông có thêm 20 cháu nội ngoại. Ông yên tâm vì “chị em tụi nó biết thương cha mẹ, và biết thương nhau”.

Kiem chu cho con truyen chu cho doi
Đại gia đình ông Tư trong một lần đi chơi

Lần lượt các con có vợ có chồng, ra riêng, người còn lại ở chung với ông bà là chị Phạm Thị Bạch Yến, giáo viên trường tiểu học Trang Tấn Khương (H.Nhà Bè, TP.HCM). Chị tâm sự: “Tôi thấy mình may mắn hơn các chị em, vì được cận kề cha mẹ. Tôi nghe được tiếng cha ho lúc sáng sớm, biết mẹ trở mình khó ngủ vì chân tay đau nhức, nên tôi trở thành trung tâm “truyền thông” cho các thành viên trong gia đình về tình hình sức khỏe, tâm lý của cha mẹ. Các chị em tin tưởng, an tâm “giao” cha mẹ cho tôi chăm sóc, nhưng không hề “khoán trắng” nghĩa vụ báo hiếu mẹ cha.

Thức ăn hàng ngày, tôi không phải nấu nhiều, vì các anh chị em thay nhau mang món ngon đến. Những ngày cận tết, nhà tôi là nơi nhận đủ loại thực phẩm, trái cây, hoa… Tôi không lập gia đình, lại là người ăn chay trường nên chị em hay tìm mua loại thực phẩm chay ngon, an toàn cho tôi. Bạn bè chẳng ai lo lắng cho tôi “già sống với ai”, bởi họ biết tôi có đại gia đình cha mẹ, chị em, con cháu luôn sống vì nhau. Ngoài việc cùng chung tay phụng dưỡng mẹ cha, chị em tôi đều cùng quan tâm đến tương lai của bầy cháu. 20 đứa cháu như con một nhà, đứa sắp vào lớp 1, hay đứa thi đại học đều được các cô, dì, cậu bàn bạc, hướng dẫn, tư vấn từ chuyện học hành, thi cử đến chuyện tâm sinh lý tuổi dậy thì, tuổi trưởng thành. Vì thế, dù không ở chung nhà, mỗi thành viên đều cảm thấy mình đang sống trong một đại gia đình”.

Chị Phạm Thúy Liễu, chị thứ sáu, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Lương (H.Nhà Bè), cho biết: “Chị em tôi luôn tâm niệm một điều, không làm gì cho ba má buồn. Tâm trí tôi vẫ n lưu hình ảnh ba chạy chiếc xe lam, ghé ngang nhà, đưa cho má bó rau muống, bịch mắm ruốc làm bữa cơm của cả gia đình; hình ảnh mẹ sáng sớm ra ruộng, tiết kiệm, nhịn ăn, nhịn mặc, tay bồng, tay dắt con… Cha mẹ già rồi, chỉ mong thấy cảnh “chị ngã em nâng”. Chị em là đồng nghiệp nhà giáo dễ thấu hiểu công việc của nhau, biết cảm thông những giai đoạn nào chị, em bận rộn nhất để giúp đỡ, đỡ đần cho nhau chuyện nhà cửa, con cái”. Vợ chồng cô con gái út có ô tô, nên hay đưa cha mẹ đi chơi xa. Nay, cha mẹ yếu, chị em bàn bạc thay nhau làm “tiệc tại gia” cho cha mẹ vui.

…Và hiếu học

Ông Tư vốn kiệm lời, với con cái ông cũng không nói nhiều. Nhưng các con ông, ai nấy đều ghi nhớ lời cha dạy hồi nhỏ: “Phải lo học, mới hết khổ”. Vợ chồng ông ít chữ, ít tiền, nhưng nhiều tình thương, giàu hy sinh cho con. Làm ruộng, chạy xe lam, cuộc đời cơ cực, gian khổ nhưng ông không hề than van. Ông nói: “Đời tôi chưa lúc nào cảm thấy không vui. Vì các con luôn làm cho vợ chồng tôi hạnh phúc, tự hào”.

Vợ chồng ông không có điều kiện học nhiều, nên các con càng quyết tâm học cho cha mẹ vui. Quá khứ “vượt lên chính mình” của các con ông là câu chuyện luôn được kể lại cho bầy cháu nghe: “Mấy chị em phân công nhau, ai học buổi sáng thì bắt còng buổi chiều, ai học buổi chiều thì bắt buổi sáng. Còn buổi tối, chong đèn dầu lên, chị em cùng học bài, rồi cùng đi soi còng, có khi ngủ đến 3g sáng, chờ nước rút rồi kêu nhau dậy đi soi”. Nhắc đến chuyện cũ, chị thứ tư Phạm Bình Phước, giáo viên trường Tân Thuận (Q.4), còn nhớ: “Cả bọn soi còng mờ mắt, mà cũng chỉ mua nổi cho mỗi đứa một bộ đồ đi học”.

Kiem chu cho con truyen chu cho doi
Chị Phạm Thị Bạch Yến (giữa) ở cùng với cha mẹ

Thầy Phạm Tấn Hùng - anh thứ bảy, thầy Phạm Tấn Thành - anh thứ tám, cùng dạy trường tiểu học Nguyễn Văn Tạo (H.Nhà Bè), từ nhỏ đã biết giăng câu, thả lưới bắt tôm cá, đem bán lo tiền sách vở, hôm nào được nhiều cá tôm, bán được một mớ, còn ít mang về cho má để cả nhà có bữa cơm ngon.

Mấy chị em còn nghĩ ra cách chằm lá dừa nước thành từng miếng to, đem bán. Chị Bạch Yến nhớ lại: “Khi tôi học cấp III, mỗi sáng đi học, mang theo giỏ trứng vịt (ông nội nuôi vịt), hoặc giỏ rau lang, bông so đũa (má trồng) vào chợ, gửi người quen bán giùm”. Chị kể tiế p: “Hồi đó, đi lại ở địa bàn Nhà Bè là một cực hình của đám con nít, đường đất đỏ, nắng thì bụi mù trời, mưa thì sình lầy, ngập nước, đi “chụp ếch” suốt nên chúng tôi đến trường quần áo dơ bẩn, mặt mày sưng húp. Nhưng qua đò còn “ớn lạnh” hơn, đò nhỏ, người đông, nước chảy xiết. Con đi học, chưa về đến nhà là cha mẹ đứng ngồi không yên”.

Câu chuyện một thời gian khổ ấy luôn được kể cho đám cháu nghe, như một lời động viên chúng phải học. Con trai chị Phạm Thúy Liễu, mới học lớp 2 đã được mẹ dạy: “Lúc mẹ còn nhỏ, gia đình khổ cực, thiếu thốn, vậy mà mẹ vẫn đi học được. Ông ngoại đã tập cho mẹ tính nhẫn nại, kiên trì. Bây giờ, con có đầy đủ điều kiện hơn, con phải học tốt”.

Trong câu chuyện của mấy chị em đậm nét hình ảnh chị hai, dù chị đã mất cách đây tá m năm. Chị có chồng, chưa kịp có con, là giáo viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Nhà Bè). Ngày chị thi đậu vào trường ĐH Sư phạm, cha mẹ mừng không ngủ được. Đi học, đi thực tập, rồi đi dạy… chị luôn có những chuyện hấp dẫn để kể cho các em. Để rồi, chín đứa em đều theo nghề chị: “Cái nghề lương ít mà vui, mang chữ đến cho bọn trẻ nghèo giống như chị em mình ngày xưa”. Các con lần lượt vào đại học, lưng ông Tư càng còng hơn, tóc bà Tư càng bạc thêm. Vợ chồng bàn nhau, đành bán bớt đất ông bà để lại để đổi chữ cho con, một quyết định mà ông Tư chẳng bao giờ hối tiếc.

Một con dâu, một con rể và một đứa cháu ngoại của ông Tư cũng là nhà giáo. Ông bà lại càng vui: “Nhìn các con bước lên bục giảng, dịu dàng, khiêm tốn, hết lòng với trẻ, chúng tôi thật an tâm. Vợ chồng tôi tuổi cao sức yếu nhưng rất mãn nguyện, hài lòng”.

Ngày trước, ông bà Tư tìm mọi cách để kiếm chữ cho con. Ngày sau, con cháu ông bà nối tiếp để truyền chữ cho đời... Đại gia đình ấy sống một cuộc đời thanh cao, giản dị...

Trường Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI