“Không cho ngoại làm là ngoại bệnh cho coi!”

02/03/2022 - 05:17

PNO - Với ông bà, hạnh phúc là về già vẫn còn sức lao động. Quan trọng nhất, ông bà không thấy mình vô ích.

 

Cứ 3 giờ sáng, dân làng lại thấy ông chở bà trên chiếc xe Chaly 50 đời… “một ngàn chín trăm hồi đó” cùng hàng chục ký rau củ quả để ra chợ bán. Trưa, ông bà về ngả lưng chừng một giờ rồi lại dắt nhau ra vườn; ông cuốc đất còn bà hái rau cho đến tối.

Ông bà tôi chở nhau trên chiếc xe chaly đã thành hình ảnh quen thuộc với dân làng
Ông bà tôi chở nhau trên chiếc xe Chaly đã thành hình ảnh quen thuộc với dân làng

 

Ông bà tôi vẫn tự nấu nướng, chăm sóc nhau
Ông bà tôi vẫn tự nấu nướng, chăm sóc nhau

Mỗi khi con cháu về thăm thường được ông bà dẫn ra vườn để hái ít trái cây làm quà biếu. Thế nhưng, tết năm nay, ông bà đưa tôi đến một nơi khác lạ. Đó là nghĩa trang gần nhà, nơi có phần mộ của cả hai. Ông khoe một năm qua, ông tự tay chở đá, trộn xi măng để làm nơi an nghỉ. Đây cũng là ước nguyện cuối cùng khi ông thấy sức khỏe của cả ông và bà đang yếu dần.

Chưa hết, ông còn nhờ tôi chở ra vườn rau để xem cây me già. Cây me ấy đã hơn 50 tuổi, gần bằng một đời người. Cơn bão cuối năm 2020 đổ bộ miền Trung khiến cây bật gốc, yếu dần và có dấu hiệu suy kiệt. Ông tính năm tới sẽ chặt cây lấy gỗ, tự đóng quan tài, lo dần hậu sự.

“Cây sẽ chết trong nay mai. Nếu cây có tâm hồn, nó sẽ vui khi còn được tận dụng làm việc này, việc nọ. Con người ai mà chẳng một lần bệnh rồi chết. Ông sẽ tự tay xẻ gỗ, đóng ván, chuẩn bị tâm thế đón điều đó”, ông phân trần. 

Tôi tỏ vẻ không hài lòng khi ông tính chuyện quá xa và… không vui; thay vì chặt cây làm quan tài thì thời gian đó, ông nên dành cho việc nghỉ ngơi, hưởng thụ. Quan tài giá chỉ vài triệu đồng - trong tầm tay của con cháu. Tuy nhiên, ý kiến của tôi nhận lại cái lắc đầu từ ông. Theo ông, thời trước, những nhà có người lớn tuổi, gia chủ hay treo cái quan tài to đùng lủng lẳng ở phòng ngủ. Người già hay nghĩ cho con cháu. Họ muốn chuẩn bị từ áo quan, mồ mả để người sống bớt lo cho người mất.

Ông bà ngoại tôi năm nay 88 tuổi, vẫn khỏe mạnh và luôn tự lo cho bản thân. Mỗi ngày bán rau, may mắn trừ hết chi phí, ông bà thu về hơn trăm ngàn đồng, có khi vừa đủ tiền mua thức ăn để lo ba bữa cơm. Một năm, cả hai chỉ nghỉ ngơi đúng ngày mùng Một tết, khi chợ quê nghỉ.

Khi cậu út lập gia đình, ông bà nhường lại căn nhà cổ gắn bó cả đời mình, dọn vào ở trong căn chòi nhỏ cạnh vườn rau, tự tay làm mọi thứ. Bên trong chòi chỉ vừa đủ kê hai chiếc giường, ít đồ dùng sinh hoạt. Có nhiều con, cháu nhưng cả hai không muốn làm phiền.

Ngày đầu năm, gần 20 đứa cháu phương xa về thăm và chúc tết ông bà, ai cũng khuyên ông bà nên nghỉ ngơi, an dưỡng. Lần này, bà lấy đòn gánh ra, nói vật này đã gắn với đôi vai bà từ lúc 13 tuổi đến nay. Niềm vui của ông bà là thấy mình vẫn có giá trị với cuộc đời. Đó là mỗi ngày bước ra vườn rau thấy hạt mầm lên chồi xanh, là được vung từng gáo nước đổ xuống gốc rau, đếm ngày có thể thu hoạch bán lấy tiền. 

 

Nếu không được làm lụng, ông bà tôi sẽ than mệt, mỏi người

 

Bà kể, đợt giãn cách xã hội do dịch, chợ ngưng, ông bà ngừng gánh rau đi bán. Nằm dài trên giường, ông bà thấy cơ thể xuống dốc trầm trọng. Thế là ông bà lại vác cuốc ra đầu hẻm xới cỏ trồng hàng bông mười giờ cho khuây khỏa và cũng nhờ đó mà con đường vào nhà trở nên đẹp mắt, lúc nào cũng có hoa. Với ông bà, hạnh phúc là về già vẫn còn sức lao động, được chứng kiến thành quả từ những gì mình làm ra. 

Quan trọng nhất, ông bà không thấy mình vô ích. Nên mặc con cháu nói gì, bà “chối” ngay: “Không cho ngoại làm là ngoại bệnh cho coi!”. 

Không cho ngoại làm là ngoại bệnh ngay
"Không cho ngoại làm là ngoại bệnh cho coi"

Bài và ảnh: Yên Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI