Khi trẻ bị xâm hại chọn im lặng

14/04/2019 - 07:39

PNO - Thông tin liên quan tới trẻ em bị quấy rối, xâm hại tình dục ngày một nhiều, gây bức xúc trong dư luận.

Thạc sĩ tâm lý Hoàng Dương - Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - từng tiếp nhận nhiều bệnh nhi là nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục. Đa phần các bé chọn cách im lặng trước phụ huynh và chuyên gia tâm lý. Bên cạnh đó, sự thiếu tế nhị và kỹ năng trò chuyện của cha mẹ cũng khiến sự việc thêm tồi tệ.

Khi tre bi xam hai chon im lang

Tại sao con im lặng?

Theo thạc sĩ Hoàng Dương, trẻ chọn im lặng được chia ra làm hai nhóm: Im lặng do còn quá nhỏ nên không nhận thức được và im lặng vì cha mẹ không thiết lập được mối quan hệ với con khiến trẻ không tin tưởng để chia sẻ (gặp nhiều ở độ tuổi vị thành niên).

Một trường hợp điển hình ở nhóm thứ nhất. Đó là bé gái mới chỉ hơn hai tuổi. Bé được cha đưa đến khám trong tâm trạng căng thẳng. Khi tiếp xúc với bé, thạc sĩ Dương dùng đủ cách thông qua các trò chơi, hình vẽ, kể chuyện, nhưng xu thế phòng vệ của bé rất cao, rất nhút nhát và không nói gì. Cha của bé nghi ngờ con gái bị xâm hại bởi người thân. Do thấy bé đang chơi dưới phòng người đó thì khóc thét. Ngay tối đó, cha bé phát hiện đáy quần con có dính máu. Người cha đau khổ chia sẻ: “Tôi đã hỏi con rất nhiều rằng người đó làm gì con, có phải làm thế này thế kia không, nhưng cháu không nói. Không khai thác được thông tin từ con nên tôi đưa đi khám tâm lý để xác minh nghi ngờ của mình”. Chính sự lặp đi lặp lại những câu hỏi trực diện của người cha một cách thô bạo đã khiến bé gái thêm tổn thương, tâm trí ngây thơ của bé như bị cắt cứa khắc sâu thêm nhiều lần, khiến bé hoảng sợ và co cụm lại.

Trường hợp thứ hai là bé gái 5 tuổi. Người mẹ cũng không trò chuyện được với con, bà chỉ phỏng đoán: “Tôi thấy bé hay sờ bộ phận sinh dục, tôi lo chắc bé bị ai đó lạm dụng nên mới có biểu hiện lạ như thế”. Quá trình tiếp cận bé gái này vô cùng gian nan, thạc sĩ Dương tốn gần 3 tháng để tạo được sự tin tưởng cho bệnh nhi, để bệnh nhi chịu tương tác với mình. Qua các bức tranh bé vẽ, thạc sĩ Dương xác định đúng là đứa trẻ này có sự quan tâm tới bộ phận sinh dục nhưng chưa thể kết luận bé có bị quấy rối hay không.

Khi tre bi xam hai chon im lang
 

Nhận biết sớm sự bất thường

Phụ huynh cần dạy con cách phòng tránh bị xâm hại tình dục, cụ thể từ việc giáo dục giới tính cho con. Từ khi trẻ lên 3 tuổi, cha mẹ đã có thể dạy cho con về các bộ phận trên cơ thể (dùng từ thật chính xác), dạy con vùng nào người khác không được đụng đến, trong trường hợp nào người khác có thể hôn con, hôn vào chỗ nào, khi họ vẫn cố tình, con phải đẩy ra. Khi vào nhà vệ sinh con phải đóng cửa vì sao… Đối với trẻ vị thành niên thì cha mẹ cần nói thẳng như thế nào có thể mang thai, tình huống xử lý khẩn cấp khi bị xâm hại, cách tránh thai…

Khi nghi ngờ con bị quấy rối tình dục, trước tiên cha mẹ cần bình tĩnh, tránh những câu hỏi trực diện. Nếu cha mẹ làm bạn với con, đứa trẻ sẽ tự nhiên chia sẻ câu chuyện của mình. Chuyện đưa nhau ra tòa, kiện cáo là việc của người lớn, nhưng về mặt lợi ích của đứa trẻ, cần tránh tình trạng hết lần này tới lần khác lôi con ra làm bằng chứng, khắc sâu thêm tổn thương trong tâm hồn các bé.

Những biểu hiện trẻ có nguy cơ đã bị quấy rối tình dục

- Sự thoái lui về cảm xúc: trẻ trở nên nhút nhát, lệ thuộc hơn vào người chăm sóc, nhõng nhẽo hơn, hoặc cáu gắt hơn.

- Buồn, thẫn thờ. Thảng thốt khi bị gọi tên.

- Với những trẻ nhỏ 2-4 tuổi, có một dấu hiệu ít được để ý: trẻ lặp lại tình huống đã gặp khi chơi với gấu bông, búp bê.

- Trẻ ở tuổi vị thành niên thường cố gắng che giấu, thiếu tập trung, học hành giảm sút, tự ti. Những bé này không mơ ước về tương lai hay có hoài bão gì, khi được hỏi bé thường trả lời không biết mình thích gì, sau này làm gì và trở thành ai.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI