Khi nữ quyền được phát huy, mọi người sẽ hạnh phúc hơn

08/03/2024 - 06:11

PNO - Dù pháp luật đã đầy đủ, rõ ràng, để bảo đảm bình đẳng giới, thực sự vẫn có khoảng cách khá lớn từ quy định pháp luật cho đến thực tế, đặc biệt là trong xét xử.

Một người đàn ông ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình thì khi ly hôn, pháp luật nữ quyền vẫn ủng hộ anh ta được nhận giá trị tài sản ngang bằng vợ - người trực tiếp đi làm, tạo thu nhập. Dù với nữ hay nam, lao động trong gia đình không hề bị đánh giá thấp vì có vai trò tái tạo sức lao động xã hội.

Tiến sĩ Trịnh Thục Hiền cùng đứa con tinh thần của nhóm tác giả
Tiến sĩ Trịnh Thục Hiền cùng đứa con tinh thần của nhóm tác giả

Hướng đến bản án nữ quyền Việt Nam, ra mắt đầu năm 2024, được xem là cuốn sách giới thiệu về lý thuyết pháp luật nữ quyền và cách áp dụng vào trong xét xử đầu tiên tại Việt Nam.

Ấn phẩm của các tác giả Trịnh Thục Hiền, Nguyễn Thị Kim Chung, Đoàn Thị Phương Diệp, Nguyễn Đình Đức, Phan Thị Lan Hương, Đặng Hoàng Minh, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Ngô Minh Phương, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM xuất bản, từ nguồn ngân sách của Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) tài trợ.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện cùng tiến sĩ Trịnh Thục Hiền (giảng viên, Phó trưởng khoa Luật kinh tế, Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), chủ biên cuốn sách) về nghiên cứu tiên phong này.

Phóng viên: Lý thuyết nữ quyền nói chung, lý thuyết pháp luật nữ quyền nói riêng có phải chỉ cần thiết cho những nền văn hóa Á Đông vốn nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” không, thưa tiến sĩ? 

Tiến sĩ Trịnh Thục Hiền: Thật ra thì nữ quyền phát sinh từ phương Tây và cần thiết ở bất cứ thời nào, nơi nào vẫn còn kỳ thị giới tính, áp bức, lệ thuộc về giới. Bắt tay vào nghiên cứu lý thuyết pháp luật nữ quyền, chúng tôi phát hiện, dù pháp luật đã đầy đủ, rõ ràng, để bảo đảm bình đẳng giới, thực sự vẫn có khoảng cách khá lớn từ quy định pháp luật cho đến thực tế, đặc biệt là trong xét xử. Các tác giả của cuốn sách đã phân tích một số bản án và chỉ ra việc hội đồng xét xử đã chưa thể hiện được sự cân nhắc về giới hay ghi nhận vấn đề từ quan điểm của phụ nữ.

Nếu chúng ta đưa ra giả định là áp dụng lý thuyết nữ quyền vào, sẽ cho ra những kết quả thấu lý đạt tình hơn, quyền lợi của phụ nữ cũng được bảo vệ nhiều hơn. 

* Trong tranh chấp dân sự, nếu biết thẩm phán được phân công là nam giới thì các nữ đương sự thường có tâm lý lo âu so với việc được thẩm phán “cùng phận đàn bà” xét xử. Theo tiến sĩ, nỗi lo này có căn cứ không?

- Việc áp dụng pháp luật phải dựa vào pháp luật chứ không thể chủ quan, tùy tiện, nhưng việc xem xét các tình tiết lại phụ thuộc nhiều vào đánh giá của thẩm phán. Nếu người thẩm phán có định kiến bên trong, từ khuôn mẫu giới hoặc không có nhạy cảm giới, dù người ấy là nữ cũng khó có được những phán quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đương sự nữ một cách tối ưu.

Đơn cử vụ đơn phương ly hôn do người vợ là nguyên đơn, được phân tích trong sách. Lời khai của người chồng nói vợ ngoại tình với người yêu cũ, chồng vẫn còn tình cảm và muốn duy trì hôn nhân... đã được nữ thẩm phán chấp nhận và đưa đến phán quyết bác đơn yêu cầu ly hôn của người vợ. Trong khi đó, lời khai của người vợ rằng chồng có những hành vi giày vò, đe dọa bạo lực, dồn ép thì thẩm phán lại lướt qua.

* Lý thuyết pháp luật nữ quyền vốn khá mới mẻ ở Việt Nam, nay đã được hiểu đúng, hiểu đủ chưa, thưa bà?

- Có những hiểu lầm, hiểu lệch, trở thành lực cản đối với tiến trình xây dựng, phát triển và lan tỏa lý thuyết này ở Việt Nam là quan niệm “cào bằng” thay vì “công bằng”. Theo đó, đàn ông có quyền gì, đàn bà có quyền nấy; đàn ông có bao nhiêu quyền thì đàn bà cũng phải có bấy nhiêu quyền.

Rào cản lớn nằm ở số nam giới thành thị. Sống trong điều kiện phát triển, họ thấy phụ nữ đã có quá nhiều quyền rồi. Họ nhìn thấy những trường hợp cụ thể là các chị em đã có vị trí xã hội, quản trị gia đình tương đương vai trò đàn ông. Phụ nữ đâu có mất quyền gì mà cứ phải đòi?!

Thực ra, khuôn mẫu giới, định kiến giới tinh vi và không dễ nhận ra. Đó là khi người phụ nữ buộc phải quan hệ tình dục với người yêu hoặc chồng của mình. Trong một quan hệ thân mật, người ta dễ cho rằng đương nhiên giữa họ có sự đồng thuận, trong khi người phụ nữ vẫn có thể không muốn đáp ứng nhu cầu của người đàn ông.

Đồng thuận/không đồng thuận lại là yếu tố cấu thành tội hiếp dâm - một tội hình sự. Người phụ nữ gặp bất lợi khi chứng minh mình bị ép buộc quan hệ tình dục ngoài ý muốn. Hoặc khi người phụ nữ vắng nhà vào ban đêm, cứ phải giải trình lý do hợp lý trong khi người chồng thì không cần phải thế. Hoặc để đi công tác, người vợ phải “nhờ” chồng làm việc nội trợ, dỗ con ngủ...

Rào cản lớn nữa là việc cho rằng lý thuyết nữ quyền rất phiến diện, thiên vị cho giới nữ, đi ngược lại quyền lợi của đàn ông, khiến đàn ông thiệt thòi hơn, khó khăn hơn. Nếu nhìn nhận trong một mối quan hệ cụ thể - khi người đàn ông mất dần sự chi phối của mình và phụ nữ có tiếng nói nhiều hơn thì đúng là có thiệt thòi đi.

Tuy nhiên, duy trì địa vị thống trị và không cần thấu hiểu, ghi nhận tiếng nói, quan điểm, sự đóng góp của phụ nữ thì có thực sự là cách để người đàn ông tiếp cận hạnh phúc? Trong xã hội, khi nữ quyền được phát huy tích cực, hiệu quả, người mẹ, vợ, con gái, cháu gái, nữ đồng nghiệp, cô bạn ngày xưa... của họ sẽ trở nên hạnh phúc hơn, cởi mở hơn, họ chắc chắn sẽ vui sướng hơn, được yêu thương nhiều hơn.

Luật pháp đã rõ rànng và đầy đủ, nhưng các bản án rất khó thực thi (ảnh minh ha)ọ
Luật pháp về bình đẳng giới khá rõ ràng và đầy đủ, nhưng các bản án rất khó thực thi (ảnh minh hoạ)

* Đàn ông cũng được hưởng lợi từ… nữ quyền?

- Nếu xem xét về vấn đề giới tính, không phải chỉ phụ nữ được bảo vệ mà pháp luật nữ quyền bảo vệ tất cả mọi người. Dù lý thuyết pháp luật nữ quyền tập trung vào sự thống trị về giới tính, nó không đòi hỏi phải ưu tiên phụ nữ hơn nam giới một cách bất hợp lý. Lý thuyết pháp luật nữ quyền giải quyết vấn đề giới để đảm bảo rằng không có cá nhân nào bị phân biệt đối xử hoặc áp bức do giới và giới tính của họ. 

* Khi tiến trình đấu tranh cho bình đẳng giới đạt nhiều bước khả quan thì có cần phát triển lý thuyết nữ quyền nữa không, thưa bà?

- Pháp luật đưa ra các quy định, lý thuyết pháp luật nữ quyền còn hướng đến việc áp dụng những quy định đó sao cho thỏa đáng, hiệu quả, hướng đến công lý toàn diện. Vì vậy, khi ta đấu tranh cho bình đẳng tốt rồi, xây dựng hệ thống chính sách pháp luật tốt rồi thì việc áp dụng nữ quyền trên thực tế vẫn cần. Chỉ nhìn vào pháp luật thôi chưa đủ mà phải xem pháp luật được thực hiện như thế nào.

Cuốn sách nhỏ, quy mô nghiên cứu còn khiêm tốn (sách không bán). Hy vọng với sự gợi mở, đặt vấn đề này, những trang sách được lan tỏa, tác động đến những người công tác trong lĩnh vực pháp luật, những nhà làm luật tương lai có sự quan tâm đến vấn đề giới và cân nhắc các yếu tố giới, tiến tới hoàn thiện hành lang pháp lý. Nếu mỗi người dân đều có sự nhạy cảm giới thì sẽ tự bảo vệ mình tốt hơn và kiến tạo cuộc sống tốt đẹp, đáng sống.

* Xin cảm ơn tiến sĩ. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI