Huấn luyện viên từng làm thầy các cầu thủ Việt Nam đã khiến Argentina choáng váng

23/11/2022 - 13:56

PNO - Lời ca ngợi đầu tiên sau trận thắng 2-1 của các cầu thủ Saudi Arabia (KSA) có lẽ phải dành cho huấn luyện viên Herve Renard.

 

Hiệp 1, Argentina 7 lần bị lỗi việt vị
Trong hiệp 1, Argentina 7 lần bị lỗi việt vị - Ảnh: AFP

Vị huấn luyện viên cho đến khi có kết quả trận đấu với Argentina, khán giả Việt Nam mới nhớ ông đã từng huấn luyện cho Nam Định, và sớm ra đi sau 3 tháng. Với những cầu thủ chỉ thi đấu trong nước (KSA không cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu) ông đã rèn quân mình củng cố vững chắc hệ thống phòng thủ, thành quả gần đây có 12 trận KSA không thua quá 1 bàn.

Trước đội Argentina đang trong thời kỳ đỉnh cao với 36 trận bất bại, chiến thuật phòng thủ của KSA là phòng thủ giăng ngang tầm cao, lập bẫy việt vị để hóa giải các đường bóng bổng lật lưng hay chọc khe khéo léo của Argentina. Đối với những cầu thủ tầm cỡ Lautaro Martinez, Di Maria, Messi, Gomez… bẫy việt vị không làm khó họ. Bằng chứng là 3 lần đội bóng Nam Mỹ ghi bàn từ các cú chọc khe: Messi và Lautaro Martinez (2 lần). Nhưng công nghệ xác định việt vị bán tự động (SAOT) chỉ rõ các cầu thủ nhận bóng trong tư thế việt vị. Nếu như công nghệ VAR cho Messi ghi bàn trên chấm phạt đền thì SAOT đã khiến hệ thống phòng thủ của HLV Renard hoạt động hoàn hảo.

Huấn luyện viên Herve Renard.
Huấn luyện viên Herve Renard.

Nói đến VAR khán giả còn có thể không hài lòng khi trọng tài xác định Leandro Paredes bị Mohamed Kanno kéo ngã, vì VAR không thể xác định lực kéo. Đến SAOT, khán giả được biết với 12 camera và cảm biến bên trong trái bóng, 59 dữ liệu của 22 cầu thủ được ghi nhận 50 lần mỗi giây, khi cần có thể dựng lại hình ảnh 3D. Nếu như trước đây 2 trong 3 tình huống việt vị kể trên trọng tài không thể nào xác định bằng mắt thường, dù có chiếu chậm lại cũng chỉ thấy chân của cầu thủ ghi bàn còn nằm trên chân các cầu thủ phòng ngự.

Các đường chọc khe thành công khi cầu thủ phòng ngự đứng thẳng hay nghiêng về phía trên, cầu thủ tấn công lao người về cầu môn. Trong tích tắc ấy, tài năng, sự nhạy bén, sự phối hợp ăn ý của các cầu thủ chuyền bóng, nhận bóng sẽ loại hàng phòng vệ. Nhưng hệ thống SAOT ghi nhận lợi thế trong chớp mắt (1 phần 50 giây) phần thân người nghiêng về trước và bắt việt vị. Không một trọng tài nào có thể xác định chính xác với tốc độ đó. Vì vậy, trong hiệp 1, Argentina không thể làm gì thêm khi 7 lần bị lỗi việt vị.

Không biết trong khoảng nghỉ giữa 2 hiệp huấn luyện viên Renard nói gì với cầu thủ trong phòng thay đồ, khi hiệp 1 Saudi Arabia vất vả chống đỡ, hồi hộp chờ SAOT cứu nguy, nhưng chỉ cần 8 phút thôi (kể từ đầu hiệp 2) lần lượt 2 cầu thủ Al-Shehri và Al Dawsari bằng nỗ lực cá nhân đã vượt qua sự truy cản của hậu vệ để xuất thần sút hiểm hóc vào khung thành, làm cho thủ môn tài năng Emiliano Martinez phải thúc thủ.

Thế là đủ. Cho dù huấn luyện viên Lionel Scaloni có thay đổi chiến thuật bằng cách dồn bóng cánh phải cho Di Maria thì sự xuất sắc của hàng thủ KSA nhất là thủ môn Mohammed Al-Owais, được bầu hay nhất trận, đã hóa giải các cú tạt ngang thậm chí khi Messi, L. Martinez, Tagliafico hoặc Julian Alvarez có cơ hội thì cũng không qua được tay anh. Nói cho cùng, Argentina cũng có cố gắng sút xa nhưng những cú sút của Gomez, De Paul, Di Maria hay cả 2 cú sút phạt trực tiếp của Messi đều không trúng đích.

Với kết quả Ba Lan hòa Mexico 0-0, dù Lewandowski có cơ hội trên chấm phạt đền, 4 đội bảng C đều vẫn có cơ hội vào vòng trong như nhau. Dù thua trận nhưng Argentina vẫn còn nhiều cơ hội. Nên nhớ ở World Cup 1990, sau khi thua Cameroon 0-1 ở trận đầu tiên, Argentina đã giành ngôi á quân.

Ở bảng D, trận Pháp gặp Úc chỉ có 1 bất ngờ nho nhỏ khi Úc ghi bàn trước, Nhưng đội đương kim vô địch với những hảo thủ Giroud, Mbappe, Rabiot phối hợp nhau thay phiên ghi 4 bàn vào lưới đội tuyển xứ Kangaroo. Trận còn lại bảng này Đan Mạch hòa Tunisia 0-0, không một bàn thắng nào được ghi dù 2 đội nỗ lực thi đấu với tốc độ cao.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI