Hôm nay, mình còn cha mẹ

09/11/2021 - 19:13

PNO - Gần đây gặp nhau, chúng tôi hay chung đề tài về phụ huynh: “Bố tớ đợt rồi bị đột quỵ, nay đi đứng khó khăn, quên nhớ lẫn lộn”, “Mẹ mình càng già càng khó chiều, hay trách móc, giận hờn”…

“Thầy bệnh nằm một chỗ mấy năm rồi, nhỏ ơi”!

Câu đó, bạn trả lời cho sự thảng thốt của tôi. Rằng sao đột ngột thế, mình chẳng hay biết gì. Mình tệ thật, vô tâm quá. Lan hẳn là không muốn tôi phải áy náy thêm, nên đã an ủi: “Không sao, ai chẳng bận rộn trăm điều mà…”.

Tôi ghé viếng ba bạn, cũng là thầy giáo cũ thời phổ thông vào một chiều Sài Gòn mưa rả rích. Thành phố sau đợt giãn cách kéo dài vẫn còn khá nhiều nơi đóng cửa. May mà đã có thể 5K và đến chia sẻ với nhau.

Bàng hoàng nhận ra, chúng tôi ở cùng một quận, nhưng lâu lắm không gặp lại. 

Thông tin nhà Lan có đám hiếu, cũng là do… bạn học ở quê tình cờ trông thấy trên mạng, rồi thông báo trên nhóm trò chuyện, tôi mới biết. 

Tôi tần ngần đứng ở đầu hẻm nhà Lan. Bồi hồi nhớ thuở mới ra trường vẫn từng vài lần qua đây, được mẹ bạn nấu cơm cho ăn, xong còn gói mang về. Hẳn là gia đình bạn nhìn thấu tâm can đứa con gái nhỏ đang ở trọ, thiếu thốn đủ bề, thèm lắm mấy món ăn quê xứ ngày nào.

Ảnh mang tính minh họa - Satjawat
Ảnh mang tính minh họa - Satjawat

 

Tôi ngoái lại, ngược về xa xăm hơn. Thời đi học cả bọn vẫn hay tụ tập lại nhà Lan mỗi dịp hè hay tết. Ba mẹ Lan hiếu khách, rộng rãi xởi lởi, luôn tiếp đãi đám bạn bè của con bằng rất nhiều thức ngon lành. Thuở ấy kinh tế khó khăn mà lòng người luôn thơm thảo. Để hôm nay, ai đó chợt nhắc trên nhóm bạn học cũ, rằng mình nợ nhà Lan nhiều quá, tụi mình chơi với nhau lâu vậy, mà thờ ơ…

Gia đình Lan chuyển hẳn lên thành phố sinh sống khá lâu, theo kiểu “đi theo con”. Sau này, tới gia đình tôi cũng như nhiều gia đình bạn học lần lượt rời quê. Câu chuyện của chúng tôi từng liên quan tới con cái, nhà cửa, dần dà khi ổn định hơn chuyển đề tài thành phụ huynh: “Bố tớ đợt rồi bị đột quỵ, nay đi đứng khó khăn, quên nhớ lẫn lộn”, “Mẹ mình càng già càng khó chiều, hay trách móc, giận hờn”…

Lan rưng rưng: “Mình bận quá, ít dành thời gian cho ba. Ba mình lúc còn đi lại được, thèm về thăm quê một chuyến. Ông than ở đây chật chội tù túng”. 

“Nhà thành phố được như này là tốt lắm rồi!”, Lan kể cô từng cáu lên như thế với ba rồi hứa hẹn qua loa là đợi khi nào rảnh rỗi, sẽ đưa ba về quê. Nay thì đã muộn. 

Hầu như ai cũng có những nỗi tiếc nuối khi không còn cha mẹ ( Ảnh minh họa)
Hầu như ai cũng có những nỗi tiếc nuối khi không còn cha mẹ (Ảnh minh họa)

Tới đây, bạn tôi khóc nấc: “Là mình đi làm vất vả, nên hay quạu, mắng con ầm ầm. Mỗi lần như thế, nhà cửa thêm phần hiu quạnh. Ba mình lặng lẽ hơn. Mình cũng hối hận, nhưng mỗi khi “lên cơn” lại không kiềm chế nổi. Giờ thì ba mình đi rồi…”.

Tôi không dưng nghĩ tới ba mình, người đàn ông xưa kia đi làm, nuôi cả nhà bốn đứa con ăn học. Giờ ba chỉ có khoản lương hưu còm, mua bán gì cũng cân nhắc, chê mắc chê rẻ. Tôi không ít lần trách ba ki cóp. Lắm khi tôi mắng con: “Tiền điện, tiền nước, tiền đồ ăn, trăm thứ tốn kém, sao các con không biết nghĩ vậy”. Tôi quên mất, trong nhà còn có ba. Người già cả nghĩ. Dễ tủi thân. Hay suy diễn. 

Tôi về hỏi thử ba mình, là có nhớ bố của bạn Lan lớp 12A của con hồi đó không? Ông già mơ màng ngẫm ngợi một lúc, vẫn chưa có câu trả lời. Tôi định kể rằng, “bố bạn ấy vừa mới mất”, nhưng rồi lại thôi.

Hãy cứ để cho người già được sống với những ký ức đẹp đẽ hồi xưa, chớ nên xen chuyện không vui vào. Cuối cùng tôi cương quyết nói: “Khi nào đi liên tỉnh dễ dàng hơn, con dẫn ba về thăm quê, ba nhé?”.

Ba tôi ngước lên, mắt như bừng sáng bởi nụ cười. 

AN NHIÊN

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI