edf40wrjww2tblPage:Content
* PV: Là kiến trúc sư và là họa sĩ biếm - những công việc đòi hỏi sáng tạo cao - nhưng anh lại chẳng “thiết tha” với rượu bia cho lắm. Đó là điều khá lạ, vì sao?
Họa sĩ DAD: Điều này có thể lạ so với số đông, nhưng về bản chất của sự việc, chẳng có gì lạ. Nhiều người cho rằng, phải có chút rượu vào mới sáng tác thăng hoa, nhưng đó chỉ là thói quen của riêng họ, không thể khái quát thành cái chung. Những nghệ sĩ thành danh bên chai rượu là có, nhưng số nghệ sĩ thành danh khi không lệ thuộc rượu còn nhiều hơn. Cá nhân tôi khẳng định rằng, uống rượu, uống bia là một hình thức giải trí thông thường như bao hình thức giải trí khác, nó chưa, và có lẽ không bao giờ quyết định việc thành công trong những công việc mang tính sáng tạo. Lấy cớ mình là nghệ sĩ để rượu chè be bét là không sòng phẳng với người khác.
Nhiều người bảo, cảm giác lâng lâng của men say dễ khiến người ta “đẻ” được những ý tưởng táo bạo, đột phá hơn bình thường. Tôi không nghĩ như vậy. Thỉnh thoảng tôi cũng có uống vài ly rượu, vài chai bia, cũng lâng lâng, cũng cảm thấy thích thú, nhưng không thể làm việc hiệu quả sau khi uống. Khi sắp vào công việc, tôi không dám đụng đến rượu, bia, bởi hơi men khiến mình chếnh choáng, thăng hoa chẳng thấy đâu, chỉ thấy mình đánh mất tính khoa học, đánh mất sự sắc bén.

Họa sĩ DAD không cho rằng rượu, bia kích thích sáng tạo trong công việc - Ảnh: Trần Triều
* Công việc thiết kế và vẽ tranh biếm họa cho nhiều tờ báo giúp anh có mối quan hệ rộng rãi. Bạn bè là dân kiến trúc, nhà báo, họa sĩ vốn uống nhiều, anh không hòa theo “nhịp uống” ấy, có sợ lạc lõng?
- Như tôi đã nói, chúng ta cần xác định rằng, mình làm gì là do bản thân mình tự quyết, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh. Bạn bè tôi uống khá nhiều. Thỉnh thoảng, tôi vẫn ra ngồi cùng, nhưng uống đúng hai chai bia rồi ngồi góp chuyện, quyết không uống thêm, dần dà cũng chẳng có hứng uống thêm. Ban đầu, có người trách là tôi không nhiệt tình, nhưng họ sớm thông cảm. Họ trách vài câu rồi thôi, lần sau họ không tỏ vẻ khó chịu với việc uống ít của tôi nữa.
Cũng có nhiều người lấy lý do “sợ mọi người mất vui nên phải uống nhiều”. Đó là cách suy nghĩ đáng xóa bỏ nhất, nhưng tiếc thay, vẫn đang xảy ra phổ biến. Uống vừa đủ mới vui, chứ cùng nhau uống cho say khướt, chẳng những mất vui mà còn gây thêm nhiều chuyện đáng tiếc.
* Nhưng, nhậu mà uống không “tới” là không đã…
- Không hẳn như vậy. Những người uống rượu bia thường xuyên, sẽ thấy rõ một điều, uống vài ly đầu tiên là có được cảm giác ngon đúng nghĩa, sau đó, uống “theo lượt”, rồi uống vì khích bác, thách đố chứ vị giác chẳng cảm được gì nhiều. Khi đã say, người ta vẫn uống và vẫn huyên thuyên, nhưng câu chuyện chẳng còn nội dung gì đáng kể. Tôi nghĩ, uống theo kiểu “mút mùa” ấy, là “tới” nhưng mà là “tới” cái sự mệt, chứ chẳng “tới” gì khác.
* Theo anh, tại sao đàn ông Việt Nam bây giờ uống nhiều đến vậy?
- Đàn ông Việt đang uống nhiều, vì có quá nhiều điều kiện thuận lợi để họ ngồi vào uống. Một người vợ khắt khe cũng bấm bụng cho chồng nhậu vài lần mỗi tuần, bởi người vợ ấy nhìn ra mặt bằng chung, thấy những người đàn ông khác còn uống “dày” hơn, nên không thể “làm khó” chồng quá. Chồng nhậu về, người vợ cũng làm quen với việc chịu đựng, chăm sóc mà không dám than vãn nhiều, vô tình khiến người chồng xem việc nhậu liên miên của mình là bình thường.
Bây giờ, bước ra ngõ là gặp quán nhậu. Sang thì vào nhà hàng, ít tiền thì ra vỉa hè, ở đâu cũng có thể dễ dàng “thiết kế” một bữa nhậu, “tiện lợi” vô cùng. Ra nước ngoài, thấy họ cấm mở quán nhậu vỉa hè, nhưng sạp sách, báo thì được bán ở vỉa hè, tôi ngậm ngùi khi nghĩ về xứ mình.
Bên cạnh đó, trong môi trường “người người nhậu, nhà nhà nhậu”, những đứa trẻ lớn lên cũng sớm biết đến rượu bia, thế là số người nhậu cứ đông dần.

Việc nhậu nhẹt dưới ánh mắt nhìn của họa sĩ DAD
* Nhìn nhận khách quan, đàn ông được lợi gì khi nhậu?
- Họa sĩ DAD: Một trong những lý do khiến đàn ông thích ngồi đùm túm với bạn bè là được “chém gió” thoải mái - điều mà ở gia đình hay trong cơ quan, họ không được (hoặc không dám) thể hiện. Việc này giúp họ lấy lại được sự tự tin, có phần cân bằng lại tâm trạng. Những bữa nhậu như những lần “xả xú - páp”, mà còn gì bằng khi mình được “xả” trong sự ủng hộ của bạn bè?
Ngoài ra, chất men cũng gây ra ảo giác, giúp người uống phần nào quên đi muộn phiền, bế tắc trong cuộc sống mà họ đang phải đối diện.
Nhưng thực tình, những cái lợi ấy chẳng thấm vào đâu so với những cái hại đi kèm.
* Theo kinh nghiệm của anh, làm cách nào để đàn ông thờ ơ với rượu bia?
- Theo tôi, ai cũng có nhu cầu giải trí, giải tỏa. Thay vì chọn rượu, bia, đàn ông có thể chọn một “món” khác để thay thế. Thay vì ngồi la cà, khật khưỡng nhiều giờ bên chai bia, tôi chọn cách đi đá bóng, hoặc chơi game trên máy tính, cũng đều giải trí, giải tỏa cả mà khỏe hơn nhiều.
Nhưng để đàn ông thay đổi “món” giải trí, người vợ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện, khuyến khích chồng. Đơn cử, không như việc nhậu nhẹt là ngồi vào có thể “chiến” ngay, muốn chơi một môn thể thao, mỗi người phải dành thời gian luyện tập và dễ “cả thèm chóng chán”. Nếu được vợ sát cánh ủng hộ, sẽ thuận lợi hơn nhiều.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này.
Trần Triều (thực hiện)