Hóa giải những câu hỏi “tại sao” cắc cớ của trẻ

08/12/2024 - 07:00

PNO - Chúng nghĩ ra rất nhiều cách để trì hoãn, chống đối, lý sự, bắt bẻ… nhằm không làm theo yêu cầu của người lớn.

Trẻ con thường hay hỏi. Các nghiên cứu đã chỉ ra: những câu hỏi tại sao của trẻ khiến chúng mở mang đầu óc, phát triển trí não và trưởng thành lên từng ngày. Người lớn nên dành thời gian trả lời nghiêm túc chứ không nên bỏ qua hoặc xem nhẹ.

Câu chuyện của tôi lại nằm ở một khía cạnh khác. Trẻ con ngày nay rất thông minh và tinh ranh. Với những đứa cháu nhà tôi, câu hỏi lại là cách để trả treo và làm khó người lớn trước những gì chúng không thích làm.

Mỗi buổi sáng của Ti Na và Tí Nị (2 cháu gái - 10 tuổi và 8 tuổi của tôi) là một trận chiến giữa ba mẹ và con cái. Từ việc thức dậy, xuống giường, đánh răng rửa mặt, ăn sáng, thay quần áo, lấy sữa, rót bình nước, mang giày dép và ra khỏi nhà - tất cả những công đoạn đó, 2 đứa trẻ đều chống đối, gây sự khiến ba mẹ chúng phát điên.

Chúng nghĩ ra rất nhiều cách để trì hoãn, chống đối, lý sự, bắt bẻ… nhằm không làm theo yêu cầu của người lớn. Tình trạng này kéo dài đã mấy năm nay, từ khi chúng bắt đầu đi học. Mỗi lần lên thăm, tôi lại chứng kiến những màn khẩu chiến dở khóc dở cười của con và cháu.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Khi người lớn yêu cầu làm việc gì, 2 đứa sẽ lập tức tung ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao con phải rửa mặt? Tại sao con phải ăn sáng? Tại sao con phải lấy sữa?… Khi con gái tôi kiên nhẫn trả lời câu hỏi đã được hỏi rất nhiều ngày thì lập tức câu hỏi thứ hai, thứ ba tiếp tục được đưa ra. Con gái tôi mệt nhoài, đành mặc cho chúng muốn làm gì thì làm, thiếu điều năn nỉ chúng đi học.

Con rể thì cộc tính hơn, không chịu nổi trước những câu hỏi giằng dai bèn la mắng hoặc cho mỗi đứa vài roi, buổi sáng bắt đầu bằng nước mắt. Con dâu, con rể từng hy vọng khi bọn trẻ lớn hơn thì tình trạng sẽ khá hơn, nhưng sự tình như trên đã kéo dài mấy năm mà chưa hứa hẹn hồi kết thúc.

Một lần, ba mẹ đi công tác, Ti Na và Tí Nị ở nhà với ngoại. Buổi sáng, khi Ti Na vừa giở bài cắc cớ hỏi: “Tại sao cháu phải rửa mặt, nước lạnh lắm, cháu không rửa đâu”, tôi từ tốn trả lời: “Điều này bà nghe mẹ cháu giải thích rồi cơ mà”. Con bé vênh mặt: “Nhưng con quên mất”. “Vậy à, bà có cách giúp cháu nhớ. Cháu lấy giấy bút ra, bà sẽ đọc cho cháu câu trả lời để ghi lại, khi nào quên, lại lấy giấy ra đọc. Nếu làm mất giấy, bà cháu ta sẽ ghi thêm tờ khác” - tôi bình thản nói.

Ti Na chưa chịu thua: “Tại sao cháu lại phải ghi ra giấy?”. “À, cháu lấy thêm 1 tờ giấy nữa, bà sẽ trả lời vì sao để cháu ghi lại nhé, phòng khi cháu lại quên”. Con bé thoáng bối rối. Nó lấy giấy ra ghi, được vài dòng đã uể oải nói: “Thôi, cháu biết rồi, khỏi viết nữa bà nhé, cháu đi rửa mặt cho xong”.

Chiến thuật đó, tôi cũng áp dụng với Tí Nị. Phải viết mỏi tay, dần dần 2 đứa nhỏ bỏ tật hỏi “tại sao” nhằm chọc tức người lớn. Đến khi con trai và con dâu đi công tác về, chúng hết sức ngạc nhiên khi tật hỏi nhây của các con lại được bà ngoại xử lý một cách đơn giản như vậy.

Thế đấy, với trẻ nhỏ, đôi khi phải có “chiêu” để hóa giải những trò tinh nghịch của chúng. Quan trọng hơn, người lớn phải giữ được bình tĩnh để xoay chuyển tình thế, không quá chiều lụy, cũng không nên nổi giận và có những hành xử thiếu kiểm soát trước mặt con trẻ.

Mai Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI