Hành xử của cha mẹ khi ly hôn là yếu tố chính tác động đến trẻ

09/12/2022 - 16:55

PNO - Người ta nói quá nhiều về tổn thương, về ẩn ức tâm lý, về nhiều thứ mà trẻ có thể mắc phải sau khi cha mẹ ly hôn. Thực tế điều này ra sao?

Điều trăn trở nhất của những người làm cha mẹ khi quyết định ly hôn không phải là mình sẽ sống tiếp thế nào mà là những đứa trẻ sẽ sống tiếp ra sao. Trong nhiều gia đình, các con sẽ nhanh chóng quên đi và sống bình thường, thậm chí yên ổn hơn. Tuy vậy, vẫn có không ít trẻ bị nhiều sang chấn và ảnh hưởng trong quá trình trưởng thành.

Cùng trò chuyện với các bà mẹ hậu ly hôn và chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy (Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TPHCM) để hiểu rõ hơn phần nào các khó khăn phải vượt qua sau ly hôn.

 

Ly hôn không phải là nghịch cảnh 

Phóng viên: 2 chị có thấy e ngại khi phải nhắc lại chuyện đổ vỡ của mình ngày ấy?

Chị Đặng Bảo Ngọc (nhân viên một công ty du lịch ở TPHCM): Hôn nhân đổ vỡ với tôi là trải nghiệm, bài học nhiều hơn là nỗi đau. Tuy nhiên, dù là lý do gì, người chủ động là ai, cả 2 đều có những tổn thương. Cuộc hôn nhân của tôi kết thúc ở năm thứ 11, sau 2 năm sống ly thân nhưng chung nhà vì 2 đứa nhỏ, bằng một lần nói chuyện thẳng thắn rằng sống chung như thế không thực sự tốt cho các con vì chỉ có người lớn nghĩ như vậy.

Tôi sắp xếp chỗ ở mới cho 3 mẹ con và ra đi mà chỉ mang theo đồ đạc cá nhân. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ: dù cuộc sống phía trước có ra sao thì đây vẫn là con đường tôi lựa chọn.

Chị Thu Trần (Giám đốc Công ty Du lịch Anh Khoa): Tôi không biết mình nghĩ gì về những ngày đã qua. Sau 10 năm, tôi đã quên hết những khó khăn, cực nhọc. 4 mẹ con tôi rất hạnh phúc khi sống vui cùng nhau. Ngày đó, chỉ có nước mắt nên tôi không muốn nhắc lại nữa.

* Những đứa trẻ trong các cuộc hôn nhân tan vỡ thường phải tự vượt qua nghịch cảnh và dễ gặp bất ổn. Có đúng như thế không?

Chị Đặng Bảo Ngọc: Hầu hết mọi người đều cho rằng ly hôn là nghịch cảnh, nhưng tôi không nghĩ vậy. Với tôi, ly hôn là kết quả của sự lựa chọn sai lầm mà nếu mình nhận ra được, dừng lại đúng lúc, sửa sai và điều chỉnh bản thân thì quyết định đó sẽ trở thành bài học quý giá, là hành trang để mình bước tiếp.

Các con của tôi mạnh mẽ và giỏi hơn tôi nghĩ. Các con chấp nhận sự việc này rất nhanh và hòa nhập cuộc sống mới với mẹ một cách bình an. Tôi tin con mình hiểu chuyện để không có bất ổn nào về mặt tâm lý.

Chị Thu Trần
Chị Thu Trần

 

Chị Thu Trần: Đó có phải là nghịch cảnh hay không, tôi cũng không rõ, nhưng khi làm gì, tôi luôn quay về phía con mình. Tôi lớn lên trong đau khổ, trong nước mắt do bị bạo hành nên tôi luôn tâm niệm không bao giờ để con mình phải sống như mình ngày xưa. Tôi cứ nhìn con rồi cố gắng sống. Hễ hứa gì với con, tôi cố gắng thực hiện hết.

Vì lẽ đó, tôi đã đi qua một mạch mà không hề ngừng lại để băn khoăn nghịch cảnh là gì. Tôi chỉ cần con mình vui vẻ, hạnh phúc. Nếu phải tự hỏi mình đã đi qua nghịch cảnh bằng cách nào, tôi cho rằng đó là nhờ con.

Chuyên gia Ngô Minh Uy: Mặc dù ở Việt Nam, các thông tin khoa học về chủ đề này rất ít, nhưng chúng ta có thể tham khảo từ các nước. Các kết quả nghiên cứu ở Mỹ cho thấy có nhiều vấn đề hệ lụy ở con cái sau khi cha mẹ ly hôn. Chẳng hạn trong 1 bài báo vào năm 2021 trên trang verywellfamily.com có liệt kê như sau: Trẻ trong mọi độ tuổi đều có khả năng rơi vào tình trạng căng thẳng, khó chịu hay tức giận với việc cha mẹ ly hôn. Trẻ có thể có những hành vi nguy cơ như tham gia các trò chơi nguy hiểm hay sử dụng thuốc kích thích, quan hệ tình dục sớm.

Ngoài ra, trẻ từ các gia đình ly hôn cũng được ghi nhận tăng khả năng gặp rắc rối trong học hành và điểm số. 

Về mối quan hệ, trẻ có thể gặp khó khăn trong các mối quan hệ bạn bè hay với thầy cô giáo và người khác, như né tránh hoặc gây hấn nhiều hơn. Điều đáng quan tâm là tất cả các báo cáo này đều nói về nguy cơ, theo nghĩa không phải ở mọi gia đình ly hôn thì trẻ đều vướng vào các khó khăn vừa nêu mà bản chất của việc này liên quan đến chất lượng của sự chăm sóc và yêu thương của cha và mẹ sau ly hôn. Trong nhiều trường hợp, trẻ sẽ cảm thấy thanh thản và thuận lợi trong sự phát triển khi cha mẹ ly hôn.

Chuyên gia Ngô Minh Uy
Chuyên gia Ngô Minh Uy

 

Đặt con cái là mục tiêu duy nhất khi ly hôn

* Chúng ta đã chuẩn bị tâm lý cho những đứa trẻ trước ly hôn như thế nào?

Chị Đặng Bảo Ngọc: Sau khi tôi ly hôn, bạn bè hay người thân đều thắc mắc vì sao họ không thấy biểu hiện gì trước đó. Lý do chính vẫn là vì 2 con. Từ khi xác định sự cố gắng của cả 2 chỉ vì con, tôi đã luôn nói chuyện, tâm sự với các con. Tôi luôn khẳng định với các con rằng: 

- Ba và mẹ sẽ mãi mãi là ba mẹ của 2 con, không ai có thể thay thế hay làm thay đổi tình cảm ba mẹ dành cho các con. 

- Bất cứ lúc nào con muốn gặp ba hay mẹ thì ba mẹ sẽ cố gắng sắp xếp để làm điều đó dù 2 đứa ở với ba hay mẹ.

Có thể tôi may mắn hay tôi đã đúng khi đặt con cái là mục tiêu duy nhất khi ly hôn. Vậy nên quan hệ giữa tôi và cha các con mình cũng theo đó mà tạm coi là hòa thuận sau ly hôn, tụi nhỏ vẫn được về thăm ba mỗi cuối tuần hoặc nhiều hơn tùy theo lịch của anh ấy và nếu điều đó không ảnh hưởng đến việc học.

Trong suốt 2 năm ly thân, tôi luôn trao đổi thẳng thắn với các con về mọi việc mà tụi nhỏ thắc mắc: Nếu ba hay mẹ có người yêu mới thì người đó sẽ thay thế ba/mẹ? Vậy là ba mẹ hết yêu nhau rồi hả? Tại sao ngày xưa ba mẹ yêu nhau mà giờ lại không?…

Quan trọng nhất là trong những câu trả lời, chúng tôi đều tôn trọng nhau và mong muốn các con tôn trọng tình cảm của mình. Đến cuối cùng, các con tôi cũng ít nhiều hiểu được điều đó.

Chị Thu Trần: Chính các con động viên tôi ly hôn. Có thể con đã quên nhưng tôi vẫn nhớ từng câu con nói với mình.

Đứa nhỏ 5 tuổi đã sang chấn tâm lý khi chứng kiến cha mẹ sống chung căng thẳng và không hạnh phúc. Con đã sốc và muốn bảo vệ mẹ bằng cách của một đứa trẻ. 

Đứa con gái giữa nói với mẹ rằng con không thích mẹ khổ nữa, mình hãy dọn đi, nghèo khổ không sao, nhà thuê cũng không sao. Con không muốn mẹ khóc. Con muốn nhìn mẹ cười. 

Tôi sực tỉnh ra, nhận ra chính mình và các con luôn muốn được hạnh phúc, nên đã mạnh dạn ly hôn. Vì thế, chẳng có cuộc chuẩn bị tâm lý nào cả. Chúng tôi đã tự chuẩn bị tâm lý cho nhau, vui với nhau, học với nhau. 

Chuyên gia Ngô Minh Uy: Trong trường hợp của chị Thu, tôi nghĩ không thể nói được giữa việc ly hôn hay hành xử không đẹp mắt trước mặt con thì cái nào tốt hơn cho con vì ly hôn và sau ly hôn là một ẩn số. Dù vậy, tôi nghĩ việc cha mẹ hành xử không hay trước mặt (hoặc sau lưng) con cái sẽ để lại những hệ quả khó lường. Chẳng hạn điều ít được lưu tâm là trẻ sẽ học kiểu sống đó như một mẫu hình trong cuộc sống của trẻ. 

Chị Đặng Bảo Ngọc
Chị Đặng Bảo Ngọc

 

* 2 chị làm cách nào để quan sát, trợ giúp những đứa trẻ của mình sau chuyện ly hôn của cha mẹ?

Chị Đặng Bảo Ngọc: Thời gian đầu mới dọn ra ngoài sống, tụi nhỏ buồn và thắc mắc nhiều. Tôi luôn tạo điều kiện cho con về với ba bất cứ khi nào tụi nhỏ muốn và ba tụi nhỏ thu xếp được. Nếu lúc trước tôi hứa với các con như thế nào thì khi dọn ra ngoài, tôi cố gắng giữ lời để giữ niềm tin của các con vào mẹ. Tôi không trao đổi hay thông tin với bất kỳ ai về việc chúng tôi ly hôn vì cho rằng việc đó không quan trọng. Cuối cùng, tụi nhỏ là người thông tin với những người thân quen của gia đình và cảm thấy thoải mái về điều đó. Tôi nghĩ khi các con chấp nhận nghĩa là các con không cảm thấy bất an. 

Bây giờ, các con lại bảo rằng các con thấy cả ba và mẹ đều vui hơn ngày xưa dù hơi cực vì các con phải chạy qua chạy lại.

Chị Thu Trần: Nếu hỏi tôi đã làm gì để những đứa trẻ của mình ít bị ảnh hưởng nhất bởi việc ly hôn của cha mẹ thì có lẽ câu trả lời là… tôi đã không làm gì cả. Điều đáng tiếc nhất chính là con trai nhỏ của tôi bị chấn động quá lớn khi chứng kiến mọi việc trước khi cha mẹ ly hôn. Tôi vẫn luôn quan sát để điều chỉnh con cho đúng, còn các con luôn ý thức được rằng ly hôn là chuyện của người lớn, không phải việc của các con. Các con không có lỗi. Các con phải luôn tâm niệm học hành cho bản thân, phải luôn thấy được việc gia đình không toàn vẹn chính là lý do để mình phấn đấu học hành nghiêm túc hơn. 

Các con tôi chịu ảnh hưởng bởi tính cách của mẹ rất nhiều - dù có vẻ cứng cỏi, quyết liệt nhưng vẫn rất cảm tính. Tôi cảm thấy mình may mắn bởi các con không bị nhiều tác động từ chuyện ly hôn của cha mẹ.

Chuyên gia Ngô Minh Uy: Tôi nghĩ không chỉ riêng những gia đình ly hôn mà với mọi gia đình, cha mẹ phải luôn quan sát, trợ giúp con trong hành trình trưởng thành. Tuy vậy, với các gia đình ly hôn, từng trường hợp trẻ có thể được trợ giúp theo những cách khác nhau để vượt qua cú sốc cha mẹ ly hôn hoặc trẻ có thể tự vượt qua dựa vào nội lực sẵn có. Trong bối cảnh Việt Nam, tôi nghĩ mối quan hệ chất lượng của cha mẹ sau ly hôn cần được lưu tâm bởi tôi thấy có nhiều đôi hành xử rất tệ sau ly hôn (hậm hực, tức giận, trả thù… nói chung là thiếu tình người).

 

Trẻ trưởng thành tốt không phụ thuộc vào việc cha mẹ sống chung hay riêng 

* Hiện tại, những đứa trẻ của các chị đã lớn lên như thế nào?

Chị Đặng Bảo Ngọc: Tôi không dám nhận mình giỏi hay thành công vì tôi cũng mới ly hôn được 2 năm. May mắn là các con tôi vui vẻ chấp nhận việc cha mẹ không ở với nhau nhưng vẫn yêu thương và chăm sóc các con, cũng như việc tôi có tình yêu mới thì tụi nhỏ sẽ có thêm 1 người yêu thương và chăm sóc. Điều duy nhất tôi muốn các con nhìn thấy trong sự thất bại của hôn nhân là hiểu bản thân để lựa chọn người phù hợp và nếu có sai lầm thì học cách chấp nhận. Luôn sống tích cực thì mọi điều tốt đẹp sẽ đến.

Ảnh mang tính minh họa - Pvproductions
Ảnh mang tính minh họa - Pvproductions

 

Chị Thu Trần: Ngoảnh đi ngoảnh lại, 10 năm đã trôi qua, con lớn của tôi đã vào đại học, con giữa chuẩn bị du học và con út đang học lớp Chín. Tôi thấy điều đó đáng để tự hào. Ngày vợ chồng tôi ly hôn, con út của chúng tôi đang học lớp Lá. Thật may vì các con đều ý thức được đúng - sai, sự vất vả của mẹ nên rất tự giác. Tôi thương nhất là con lớn. Như một người đàn ông trụ cột trong nhà, con tôi chủ động gánh vác hết. Lớn hơn một chút, con tập chạy xe, giành phần đưa đón các em. Con đi chợ xách lỉnh kỉnh đồ mà vẫn chẳng ngại ngùng.

Người ta nói quá nhiều về tổn thương, về ẩn ức tâm lý, về nhiều thứ mà trẻ có thể mắc phải sau khi cha mẹ ly hôn. Tôi không nghĩ vậy. Có lẽ mỗi nhà mỗi cảnh nhưng lớn lên trong hoàn cảnh này cũng là cách các con tôi rèn luyện bản lĩnh.

Chuyên gia Ngô Minh Uy: Trẻ trưởng thành tốt hay không dựa vào chất lượng sự tương tác với cha mẹ chứ không phải ở việc cha mẹ sống chung hay ly hôn. Trẻ vẫn gặp nhiều vấn đề nếu cha mẹ sống chung nhưng không hòa thuận và thiếu tình yêu thương dành cho trẻ. Nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về chuyện trẻ trưởng thành không tốt khi cha mẹ sống chung hay ly hôn. Vấn đề cần lưu tâm là lối hành xử và chất lượng tương tác của cha mẹ khi sống chung hay ly hôn. Đó mới là yếu tố chính tác động đến trẻ.

Gần đây, các nghiên cứu cho thấy những lời bình phẩm hay đàm tiếu từ người khác trong trường hợp cha mẹ ly hôn khi trẻ chưa đủ vững vàng để đối diện gây ra nhiều vấn đề hơn. 

* Xin cảm ơn anh chị! 

Lan Khôi (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI