Hạnh phúc khi mình được là mình

23/11/2021 - 18:10

PNO - Hy vọng rằng, không ai phải giả vờ hạnh phúc để chứng tỏ mình trước người khác, chỉ nhằm chứng minh một triết lý nào đó không do mình tạo ra.

Tôi biết Huyền, bạn của em gái tôi, từ thời cô là sinh viên ngành ngoại ngữ. Thỉnh thoảng em tôi đưa Huyền về nhà chơi và chúng tôi cũng có nói với nhau dăm ba câu chuyện. Tôi coi Huyền như em gái. Trong trí nhớ của tôi, hồi ấy Huyền là cô gái xinh đẹp, dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ, theo cách diễn tả thông thường thì đó là cô gái rất “nữ tính”.

Vài lần, Huyền đưa tôi đọc những bài thơ và truyện ngắn cô viết, kiểu thơ và truyện của sinh viên, đẹp và mơ mộng. Tôi bảo cô viết hay, có thể đăng báo được. Cô cười: “Em thích viết chơi chơi, cho mình và bạn bè đọc thôi, em không có ý định thành nhà văn nhà thơ”.

Vài năm sau, em gái tôi tốt nghiệp rồi đi làm ở một cơ quan báo chí tại Hà Nội, còn Huyền yêu một anh đại gia rồi chuyển vào miền Nam làm việc cho công ty của anh ấy. Thời gian sau nữa, em tôi kể, Huyền đã thành vợ anh đại gia nọ và là bà chủ công ty X. - công ty của chồng cô, khá nổi tiếng…

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Gần đây, có dịp vào miền Nam công tác, tôi tình cờ gặp lại Huyền trong một buổi ra mắt sản phẩm của một công ty công nghệ. Hôm đó khách khứa rất đông, ngoài doanh nhân còn có cả vài ngôi sao thuộc giới showbiz.

Trông Huyền khác hẳn ngày xưa. Cô trang điểm cầu kỳ, ăn mặc đẹp lộng lẫy. Gặp tôi, cô rất mừng rỡ, hỏi thăm tình hình cuộc sống em gái tôi, và quan tâm công việc của tôi thế nào…

Sau buổi ra mắt đó, chúng tôi hẹn nhau cà phê. Hầu như tôi không thể nhận ra cô sinh viên dịu dàng nữ tính năm xưa. Cả buổi, Huyền thao thao bất tuyệt về chuyện làm ăn, chuyện kiếm tiền từ chứng khoán, đầu tư bất động sản… toàn những lĩnh vực thời thượng của dân sành điệu mà tôi, một anh thợ viết làng nhàng chẳng thể xen vào.

Trong một khoảng thời gian ngừng lời ngắn ngủi giữa những cơn thuyết giáo hào hùng của cô, tôi tranh thủ hỏi được một vài câu, rằng tình hình cuộc sống cô ra sao, rằng gia đình cô thế nào, hạnh phúc hay không.

Huyền cho biết cô đã ly hôn hơn năm nay, đang sống với đứa con thứ hai.

Tôi chưa kịp bày tỏ sự cảm thông với thân phận người mẹ đơn thân, thì Huyền lại tiếp tục thao thao triết lý, rằng kể từ khi ly hôn cô mới nhận ra hạnh phúc của người phụ nữ là được sống độc lập, sống không phụ thuộc vào bất kỳ ai, rằng tự mình phải tạo ra niềm vui cho mình, tại sao hạnh phúc cứ phải phụ thuộc vào một người được gọi là chồng, cụ thể là một người đàn ông nào đó…

Thật ra, lý thuyết này tôi nghe rất quen. Thời gian ít năm trở lại đây, có cả một trào lưu phụ nữ ly hôn sống độc lập mà nguồn gốc của nó là từ tư tưởng “nữ quyền luận”, rằng phụ nữ có thể tự mình làm tất cả bao gồm cả việc tự tạo ra hạnh phúc cho mình mà không cần phải có chồng.

Có điều, khi lý thuyết đó được trình bày thông qua một cô gái mà tôi vốn biết từ lâu, rằng cô là một điển hình “nữ tính”, “hướng nội” và “mộng mơ”, thì tôi thấy hơi lạ lạ, có cái gì đó gượng gạo, rằng những lời cô nói ra không xuất phát từ tâm khảm mà cô giống cái loa phát ngôn cho ai đó, hay một tư tưởng nào đó mà cô đang cố học theo…

Sau buổi cà phê, Huyền còn hẹn tôi đi ăn vài lần, cùng với đám bạn của cô. Đó là những bữa ăn vui vẻ, vừa ăn vừa chém gió. Những người bạn của Huyền đều là những phụ nữ đã ly hôn, sống một mình nuôi con, khá thành đạt, có học thức và thông minh. Họ thường nói đùa: “Chỉ có phụ nữ là đem lại hạnh phúc cho nhau”.

Tôi cũng đùa: “Vậy đàn ông chúng tôi từ nay sẽ bơ vơ ư?”. Họ lại bảo: “Đàn ông cũng nên học bọn em, tự thu xếp với nhau đi!”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Rồi họ kể lể quá khứ, thời có gia đình họ khổ thế nào, giờ này đang đầu tắt mặt tối trong bếp, với nồi xoong, mắm muối, với rau củ thịt cá rồi dọn nhà, giặt giũ, rồi chồng chồng con con… Chẳng bù cho lúc này, sung sướng bao nhiêu, vui vẻ bao nhiêu, hạnh phúc bao nhiêu…

Và họ khẳng định chân lý, phụ nữ sống độc lập là sướng nhất, có đứa con càng tốt, tự mình chăm nuôi nó, tự mình chăm sóc mình, dứt khoát không cần chồng, không cần gia đình làm gì cho mệt!

Câu chuyện lại tiếp tục với giá chứng khoán, giá bất động sản cùng các điểm nghỉ dưỡng, du lịch họ mới tìm ra, các địa chỉ hàng hiệu mới khai trương, một quán bar cao cấp mới mở…

Tôi chợt nhận ra, hạnh phúc của những người phụ nữ này là kiếm tiền và hưởng thụ. Nếu quả thực, chỉ có tiền và các điểm ăn chơi giải trí sẽ làm cho phụ nữ hạnh phúc, thì những người phụ nữ độc lập như họ, sống không cần đàn ông như họ, đang hạnh phúc thật.

Nhưng, có chắc như vậy không?

Hay thật ra, họ đang cố diễn vai hạnh phúc để nhằm chứng tỏ với tôi, với mọi người, với cả thiên hạ về triết lý sống của họ, để nhằm che đậy những khoảng trống vắng nào đó trong tâm hồn.

Tôi không chắc chắn lắm! 

Tôi không phải là họ nên tôi không thể khẳng định được!

***

Khác với Huyền, em gái tôi lấy chồng khá muộn, gần 30 tuổi mới kết hôn. Chồng cô là một kỹ sư xây dựng làm việc cho một công ty nhà nước. Thu nhập ổn định. Họ không phải đại gia, nhưng cuộc sống khá sung túc. Trước khi kết hôn, họ yêu nhau tới 5 năm. Có vài lần giận nhau suýt chia tay, nhưng rồi vẫn cưới nhau.

Trước khi em gái lên xe hoa, tôi có hỏi: “Vì sao em kết hôn?”.

“Vì chỉ ở bên anh ấy, em cảm thấy thật sự được là mình, là một phụ nữ!”, em tôi trả lời.

Từ khi lấy chồng, rồi sinh hai đứa con, tôi thấy em gái khá vất vả. Như người ta thường nói, phụ nữ có gia đình, có chồng con rồi là đầu tắt mặt tối, lúc nào cũng lắm việc, nhất là những việc không tên. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy em tôi than thở vì sự bận rộn. Cô ấy thuộc típ phụ nữ đảm đang, giỏi thu xếp nên gia đình lúc nào cũng ổn.

Cũng từ khi có gia đình, em tôi bớt tụ tập bạn bè. Cô ấy kể, chỉ nhân dịp gì đó quan trọng bạn bè mới rủ nhau gặp mặt, ôn lại kỷ niệm một chốc một lát, rồi ai về với gia đình người nấy. Thú vui bên ngoài gia đình chẳng bao giờ có thể cuốn hút họ mạnh hơn tổ ấm.

Huyền được là mình khi cô ấy độc lập tự do, còn em gái tôi được là mình khi ở bên một người đàn ông mà cô ấy chọn. Có vẻ như hạnh phúc, đúng như lời các triết gia cả phương Đông lẫn phương Tây đều nhất trí, là khi người ta được là chính mình.

Hằng ngày, ta sống trong nhiều không gian khác nhau, khi trong công việc, khi trong hội nhóm, khi đoàn thể… với đủ các mối quan hệ và hầu hết trong các không gian đó, các mối quan hệ đó, có khi ta phải đeo mặt nạ phù hợp với vai diễn của mình.

Chỉ khi về với tổ ấm, bên người thân yêu, ta mới có thể trút bỏ mặt nạ để được sống đích thực là mình. 

Bởi thế, có người chỉ có thể tìm hạnh phúc nơi gia đình.

Có một số người thì ngược lại, gia đình là nơi họ chịu nhiều sức ép nhất, nhiều bức xúc nhất. Họ phải ra ngoài, nơi không gian công cộng và chỉ nơi đó họ mới có thể đích thực là mình.

Em gái tôi là một kiểu người, và Huyền cũng là một kiểu người, cảm nhận hạnh phúc cũng như mục đích sống của họ khác nhau.

Chỉ hy vọng rằng, không ai phải giả vờ hạnh phúc để chứng tỏ mình trước người khác, chỉ nhằm chứng minh một triết lý nào đó không do mình tạo ra. 

Biên kịch Đỗ Trí Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI