Hạnh phúc giống như chiếc đồng hồ, càng đơn giản càng bền

29/03/2017 - 06:30

PNO - Trên đời này đâu ai là hoàn hảo và toàn bích, vì cái gì tròn trịa quá đều giống số 0. Nên cuộc sống, hạnh phúc cũng vậy, chúng tôi chỉ cần tương đối chứ không tuyệt đối…

Khán phòng sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh ngày mùng Chín Tết Đinh Dậu, như thường lệ đã đón một khán giả quen thuộc, lặn lội từ Vũng Tàu “đến hẹn lại lên” chỉ để được khóc cười cùng các nhân vật, sớm mai lại vượt gần 100 cây số quay về nhà.

Chị Nguyễn Hồng Thuần Vu cười tươi rói: “Kịch diễn lúc 16 giờ nhưng tôi đi sớm hồi 10 giờ, cố tình không chuẩn bị thức ăn, để ba “bạn” thấy vắng tôi sẽ… buồn, sẽ đói bụng và thấy tôi quý giá biết bao nhiêu. Nhưng lúc 13 giờ tôi nhận được hình ảnh bàn cơm có khăn trải bàn đàng hoàng và hai món canh, cộng thêm trứng chiên thật tươm tất, kèm tin nhắn và điện thoại gọi đến của anh xã: “Ấy cứ vui chơi thoải mái đi, đừng lo lắng vì con gái lớn nấu cơm canh ngon hơn ấy rồi”.

Hanh phuc giong nhu chiec dong ho, cang don gian cang ben
 

15 năm góp gạo thổi cơm chung, nhưng hóa ra đôi vợ chồng sam ấy - chị Thuần Vu và anh Tấn Phúc không hề hợp nhau trong khẩu vị ăn uống và cả những sở thích, không xem chung một thể loại phim, chị thích đọc sách còn anh thì không. Nhưng anh chị đã dung hòa được bằng những thỏa thuận. “Quan trọng là tôn trọng sở thích của nhau, cho nhau "khoảng trời riêng" và tự do trong khuôn khổ. 

Chẳng hạn anh Phúc có thể đi chơi họp lớp đến tận hai, ba giờ sáng mà vợ không bao giờ đi chung và cũng không gọi điện làm phiền. Ngược lại, vợ có thể lên Sài Gòn đi xem kịch với bạn bè và ngủ lại khách sạn một đêm, mà chồng rất đồng tình.

Đã gần hai thập kỷ trôi qua, nhưng anh Phúc và chị Vu vẫn nhớ như in “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Buổi tối cuối năm, ngày 31/12/2000, một người bạn đã rủ Thuần Vu đi chơi chung với nhóm bạn, trong đó có Tấn Phúc. Làm quen, hỏi chuyện, hóa ra trái đất nhỏ xíu, toàn là người quen biết. Dì anh Phúc là bạn học của má chị Vu.

Và cứ thế, hai anh chị tìm hiểu nhau, đến tháng Bảy năm 2002 thì tổ chức lễ cưới. Nhìn chồng âu yếm, chị Thuần Vu “bật mí” chuyện quá khứ: “Trước đó tôi chưa hề yêu đương gọi là thắm thiết với ai cả, chỉ là người ta theo đuổi đơn phương thôi. Riêng anh Phúc, có thể nói là quen hết mười ngón tay (cười lớn) và đã sắm lễ hỏi để đi hỏi cưới hai lần rồi. Đó là chưa kể thêm một lần bên Bỉ nữa, vì trước đó năm 1990 anh Phúc đã từng qua đấy học và sinh sống ba năm, đến ngày đáng lẽ hỏi cưới người bên đó thì ảnh lại bỏ về nước và cô đó có bay về kiếm ảnh”.

Cười xòa, như muốn khỏa lấp chuyện cũ, anh Tấn Phúc nối lời vợ khi được hỏi về bí quyết gìn giữ hạnh phúc gia đình. “Gia đình nào cũng phải có sóng gió chuyện này chuyện kia thôi, nhất là năm năm đầu trong hôn nhân rất nhiều mâu thuẫn. Nhưng Thuần Vu luôn là người lên tiếng đòi hỏi phải đối thoại với nhau - những gì không hài lòng, hay ấm ức cần được nói ra hết. Nãy Vu kể vợ chồng tôi không cùng sở thích, nhưng thật ra hai đứa may mắn có một điểm chung. Chuyện du lịch  tụi tôi chia sẻ được với nhau vì cả hai đều thích khám phá những vùng đất mới, nói chung là thích được đi nhiều. Mong ước của tôi khi về già, chừng 10 năm nữa, lúc đó tôi 60 tuổi, hai đứa sẽ rong ruổi cùng nhau. Đi đến ngôi chùa nào cũng vào xin sửa sang hoặc sơn phết cổng rào, và sau đó sẽ đi tiếp, đi tiếp... Một  chuyến đi có thề ba tháng hoặc hơn. Đó là kế hoạch của tương lai, sau khi chúng tôi đã hoàn thành đủ trách nhiệm với hai con gái”.

Một trong những “chuyện này chuyện kia”, mà nhiều gia đình thường gặp phải, và anh Phúc chị Vu cũng không ngoại lệ, chính là vấn đề giáo dục con cái. Hơi không hợp nhau lắm về tư tưởng, mẹ thì hay chiều và hay làm giùm con, nói chung do phụ nữ mềm lòng; cha lại khó và cứng rắn hơn.

Anh Phúc thường phê bình vợ về điều đó nhưng thật ra theo chị Thuần Vu, trong gia đình phải có người cương người nhu thì mới tốt. Tranh luận, để tìm ra đáp án tốt nhất chứ không phải tạo mâu thuẫn – cha mẹ theo tiêu chí như vậy, nên rốt cuộc hai con gái An Nhiên và Thiên Nhiên ở độ tuổi 11 và 13 đã biết tự giặt tay quần áo đi học, tự ủi đồ, ngoài ra cuối tuần phải rửa chén, quét nhà, lau nhà... để rèn luyện tính không ỷ lại và yêu thích lao động. 

Đối với anh Tấn Phúc: "Gia đình luôn quan trọng nhất" sau đó mới đến những thứ khác, và anh yêu cầu chị cũng nghĩ vậy. Nếu cách đây khoảng năm, sáu năm, người vợ trẻ hơn anh năm tuổi có thể sẽ suy nghĩ khác, nhưng giờ thì chị lại đồng tình với chồng. Thuần Vu không còn ham vui, thích đi chơi với bạn bè nhiều như ngày xưa, chị đã đằm lại rất nhiều và điều đó khiến anh hài lòng, thậm chí là “biết ơn” vợ đã vì mình mà hy sinh sở thích cá nhân, nên mái ấm giờ cũng vui hơn, hạnh phúc hơn.

Mỗi tối hai vợ chồng cùng karaoke với nhau sau khi hai cô con gái đã học bài xong và đi ngủ. Hoặc như chuyện anh tình nguyện đưa vợ con đi xem phim "Đấu trường âm nhạc" mặc dù mình không thích lắm nhưng vẫn vui vẻ “vì chỉ cần cả nhà vui là mình hạnh phúc phải không em?” – là câu nói quen thuộc của anh Phúc. Còn với chị Vu, hạnh phúc đơn giản vô cùng, chỉ cần ngắm ba cha con ăn ngon món khoái khẩu mì Ý do mẹ làm đầu bếp.

Hanh phuc giong nhu chiec dong ho, cang don gian cang ben
 

Hoặc như việc chị tình nguyện hy sinh sở thích, thói quen mê món dân dã và các loại mắm, vì cả nhà chỉ “ưng” món Tây - cũng là hạnh phúc. Ai đó đã nói “Hạnh phúc cũng giống như đồng hồ - càng đơn giản càng bền”, nên với chị Vu, những hành động nho nhỏ nhưng rất chân tình của  anh Phúc, như việc tuy không thích đọc sách nhưng dịp Giáng sinh  vừa rồi vẫn âm thầm mua ba cuốn sách hợp với “tạng” từng người và đợi cả nhà ngủ say, sau đó âm thầm đặt bên cạnh gối của ba mẹ con, khiến buổi sáng thức giấc những người phụ nữ của anh đã mừng vui khôn xiết…

Anh chị có thuận lợi là hai vợ chồng cùng mở tiệm kinh doanh ngành khí đốt và dịch vụ cưới hỏi, nên thời gian ở cạnh nhau nhiều hơn. Rồi thấm thoát thời gian trôi xa, các con dần khôn lớn, hai vợ chồng sẽ được cùng ngắm nhau già đi.

“Sống tốt và thương yêu gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, theo tôi nghĩ, ai đã lập gia đình đều mong muốn điều đó chứ không riêng gì mình. Tụi tôi đơn giản lắm, không đòi hỏi và không khe khắt với nhau, cố gắng giữ cho gia đình luôn tràn ngập tiếng cười và làm sao để các con cảm thấy hạnh phúc khi sống trong bầu không khí vui vẻ, chúng sẽ không muốn đi ra ngoài nhiều, và lúc nào cũng mong được trở về nhà”, chị Thuần Vu chia sẻ.

Ngắm những bức ảnh cả nhà anh Phúc chị Vu cùng đi du lịch, cùng mặc đồng phục, cùng tạo các kiểu dáng “độc nhất vô nhị” để lưu giữ từng khoảnh khắc hạnh phúc, tôi chợt nhớ lời tâm sự của đôi vợ chồng “trời sinh một cặp”: Trên đời này đâu ai là hoàn hảo và toàn bích, vì cái gì tròn trịa quá đều giống số 0. Nên cuộc sống, hạnh phúc cũng vậy, chúng tôi chỉ cần tương đối chứ không tuyệt đối…

                                                                                       Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI