Đã thành thói quen, dù bận rộn cỡ nào, mỗi tuần bác sĩ Phạm Kim Thành luôn dành ít nhất 2-3 ngày đi bộ tập thể dục với cha mẹ. Với anh, đi bộ không chỉ rèn luyện cho sức khỏe dẻo dai mà còn là sợi dây kết nối giữa những người thân trong gia đình.
“Ngày nào cũng vậy, niềm vui lớn nhất của tôi sau giờ làm việc là được ăn cơm hoặc uống trà, đi bộ cùng cha mẹ, lắng nghe 2 cụ dặn dò. Thấy ông bà vui, tôi vô cùng hạnh phúc” - bác sĩ Thành thổ lộ.
Khi đi bộ, anh còn dành thời gian để hỏi thăm xem một ngày của cha mẹ như thế nào. Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng chứa đựng sự quan tâm sâu sắc. Từ đó, những câu chuyện về quá khứ, về tuổi trẻ của cha mẹ hiện lên sống động, khiến anh thêm thấu hiểu và trân trọng từng giây phút bên gia đình.
 |
Dù bận rộn, bác sĩ Phạm Kim Thành luôn dành thời gian trò chuyện, quan tâm cha mẹ - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tuổi thơ gian khó và khát vọng thành tài
Ít ai biết đằng sau thành công của bác sĩ Phạm Kim Thành là một tuổi thơ đầy gian khó. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Với đồng lương khiêm tốn của ba từ việc làm cộng tác viên cho trạm y tế xã, mẹ làm thợ may, gia đình luôn rơi vào cảnh thiếu thốn khi phải lo cho Thành và 2 em ăn học.
Dù vậy, anh em Thành vẫn được cha mẹ dành cho những điều tốt nhất. Hình ảnh đến bây giờ mỗi khi nhắc lại luôn khiến anh rớt nước mắt là trong khi anh và các em được mẹ tẩm bổ bằng những tô hủ tíu ngon lành, mẹ chỉ lót dạ bằng gói xôi vò, xôi bắp nhỏ.
Những năm tháng còn là cậu học trò nghèo, để có sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, Thành phải dậy từ tờ mờ sáng, đón chuyến xe lôi vượt quãng đường hơn 30km ra thị xã tìm mua. Trên chiếc xe lôi cũ, cậu học trò ngồi co ro, nắm chặt những đồng tiền ít ỏi mà mẹ đã dành dụm, chờ đến cửa hàng sách là hình ảnh vẫn vẹn nguyên trong tâm trí anh.
Sống trong đời cần có một tấm lòng
Sự kiên trì và nỗ lực của cậu học trò nghèo Phạm Kim Thành nhanh chóng được đền đáp. Năm 2012, sau khi nhận bằng đại học, anh quyết định về Sa Đéc (Đồng Tháp) khởi nghiệp. Thời gian công tác ở Bệnh viện Sa Đéc, Thành tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện tay nghề và ấp ủ ước mơ mở phòng khám riêng. Ban đầu, anh vay vốn bạn bè và bắt đầu với một phòng khám nhỏ chỉ có 2 ghế nha khoa.
Theo thời gian, phòng khám của anh dần phát triển, từ 3 ghế lên 5 ghế, rồi xây dựng được Trung tâm Nha khoa Phương Thành khang trang với đội ngũ 25 bác sĩ chuyên khoa và hơn 60 nhân viên. Hằng ngày, phòng khám đón nhận hàng trăm lượt bệnh nhân trong và ngoài tỉnh, có cả khách nước ngoài đến khám và điều trị.
Nha khoa Phương Thành cũng là một trong những cơ sở nha khoa tiên phong trong việc kết hợp điều trị nha khoa và du lịch nghỉ dưỡng. Bệnh nhân đến khám răng sẽ được đưa đi tham quan các làng hoa tại Sa Đéc, các khu du lịch tại Tràm Chim, Tam Nông…
Việc kết hợp nha khoa với du lịch, theo bác sĩ Thành, vừa giúp bệnh nhân thư giãn, xả stress trong thời gian điều trị, vừa giúp quảng bá cảnh đẹp của quê hương.
 |
Bác sĩ Thành (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến từ thiện trao quà cho bà con nghèo - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của bác sĩ Phạm Kim Thành không chỉ nằm ở thành công trong kinh doanh mà còn ở tấm lòng nhân ái. Từ năm 2018 đến nay, anh là mạnh thường quân thường xuyên hỗ trợ, chăm lo cho học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Tháp.
Tại trường, anh đầu tư hẳn một phòng nha dành riêng cho các em. Thứ Tư hằng tuần là ngày nghỉ của phòng khám, bác sĩ Thành và đồng nghiệp dành trọn ngày để tặng quà, dụng cụ học tập; khám răng, điều trị miễn phí cho học sinh.
Em T.H.H. - học sinh khiếm thính của Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp - kể: “Hằng tuần, tụi con cứ mong đến thứ Tư để được gặp “cha” Thành. “Cha” Thành không chỉ tặng quà, khám răng mà còn rất quan tâm tụi con, thường xuyên chuyện trò và dạy tụi con điều hay lẽ phải”.
Trong đợt dịch COVID-19, bác sĩ Thành đã tình nguyện đăng ký tham gia lực lượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Đồng thời, anh tự bỏ tiền túi cũng như vận động hàng trăm triệu đồng để mua vật tư y tế hỗ trợ cho các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.
“Sống trong đời cần có một tấm lòng… - cha mẹ tôi dạy thế. Bản thân tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chung tay góp sức cùng cộng đồng. Giúp xã hội tốt hơn thì bản thân cũng sẽ tốt hơn. Giúp đời, giúp người cũng là báo hiếu mẹ cha” - bác sĩ Thành chân thành nói.
Với những cống hiến và nỗ lực không ngừng, bác sĩ Phạm Kim Thành được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 2017. Vào đầu năm 2023, Nha khoa Phương Thành thành lập Chi bộ Đảng ngoài nhà nước. Ngoài ra, anh vinh dự nhận giải thưởng Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng. Nha khoa Phương Thành cũng đã nhận giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2024, lọt vào Top 50 doanh nghiệp điển hình sáng tạo Việt Nam năm 2024.
Bà Võ Thị Bình - Phó chủ tịch UBND TP Sa Đéc - nhìn nhận: “Bác sĩ Phạm Kim Thành không chỉ làm tốt công tác chuyên môn mà còn là một doanh nhân trẻ năng nổ, tích cực tham gia nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội có sức lan tỏa trong cộng đồng”.
CHỮ HIẾU THỜI NAY CÒN LÀ TRÁCH NHIỆM VỚI XÃ HỘI Là con trai lớn trong gia đình, bác sĩ Thành luôn tự nhủ mình chưa thực sự hoàn thành chữ hiếu vì đó là hành trình cả đời. “Tôi đã cố gắng học hành, lập nghiệp để cha mẹ được an lòng nhưng tôi hiểu niềm mong mỏi giản dị nhất của cha mẹ vẫn là có cháu nội ẵm bồng. Đây là một “món nợ”, một phần trách nhiệm tiếp theo của tôi với gia đình”. Theo bác sĩ Thành, ngày nay, cách thể hiện chữ hiếu cũng cần phù hợp với thời đại mới. Nếu như ngày trước, hiếu thảo đơn thuần là chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ thì hôm nay, chữ hiếu phải mở rộng hơn - hiếu tức là sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội; hiếu cũng có nghĩa là làm việc tử tế, giữ trọn chữ tín với người khác và nỗ lực trở thành người có ích. |
Trung Phương