Trisha Võ: Dệt tiếp tình yêu áo dài từ trái tim người mẹ

12/05/2025 - 10:00

PNO - Áo dài Liên Hương không chỉ là một thương hiệu mà còn là một phần ký ức thân thương của biết bao người. Hiện thương hiệu đã có cuộc chuyển giao thế hệ - khi cô con gái quyết định trở về để tiếp nối truyền thống gia đình.

Trên con đường Pasteur yên bình, có một tiệm may áo dài mang tên Liên Hương, lặng lẽ lưu giữ vẻ đẹp thanh lịch, duyên dáng của người phụ nữ Việt qua bao thế hệ. Liên Hương không chỉ là một thương hiệu mà còn là một phần ký ức thân thương của biết bao người. Hiện thương hiệu đã có cuộc chuyển giao thế hệ - khi cô con gái quyết định trở về để tiếp nối truyền thống gia đình. Đó là một cuộc trở về bằng cả trái tim, tình yêu với nghề và tình yêu với mẹ.

 Trisha tin rằng khi được làm điều mình thích, làm vì người mình yêu thì họ sẽ tìm thấy hạnh phúc
Trisha tin rằng khi được làm điều mình thích, làm vì người mình yêu thì họ sẽ tìm thấy hạnh phúc

"Gia tài" của mẹ, tình yêu của con

Người con gái ấy là Minh Thư, thường được biết đến với cái tên Trisha Võ. Khi được hỏi về việc "ôm" lấy một cửa hàng áo dài mang tên tuổi lẫy lừng của mẹ, chị có áp lực không, Trisha tâm sự: "Với tôi, áo dài Liên Hương là gia tài vô giá, một gia tài đã thấm sâu vào ký ức tuổi thơ và trở thành định hướng cho con đường tôi đi".

Trisha lớn lên trong không gian tràn ngập hình ảnh áo dài, âm thanh của tiếng kim chỉ và tình yêu của mẹ. Cô chia sẻ về hành trình của mình: "Người ta thường hình dung về tôi như thế này: một người học thiết kế ở nước ngoài, nơi không có trường lớp nào dạy về áo dài, học về vận hành, quản lý, kinh doanh, học cách bán một sản phẩm ở một thị trường hiện đại, rồi trở về với một thương hiệu truyền thống". Nhưng với Trisha, mọi thứ bắt nguồn từ tình yêu và sự gắn bó tự nhiên như một đứa trẻ Việt lớn lên trong lời ru của mẹ. "Nếu không vì thương mẹ, có lẽ tôi đã chọn theo đuổi những ý tưởng bay bổng với các thiết kế hiện đại của mình" - Trisha nói.

Trisha nhận ra rằng, với mẹ, áo dài không chỉ là công việc kinh doanh, mà còn thiêng liêng hơn thế - văn hóa Việt. Trisha nhớ lại những kỷ niệm ngày bé, dù bận rộn với khách hàng và những cuộc thi hoa hậu, nhưng chỉ cần ai nhắc đến áo dài truyền thống, mẹ chị lại rạng rỡ, say mê nói về phom dáng, đường kim mũi chỉ.

Chính mẹ là người đã động viên Trisha đi xa - đi để hiểu hơn giá trị của “nhà làm”. Để rồi càng đi xa, chị càng nhớ áo dài mẹ may, nhớ ánh mắt hạnh phúc của mẹ khi nhìn thấy phụ nữ mặc áo dài ở bất cứ nơi đâu. Và, Trisha quyết định trở về, không chỉ vì tình yêu dành cho tà áo dài, mà còn vì mẹ - vì áo dài Liên Hương không thể dừng lại ở một thế hệ.

Rồi bao câu hỏi bật lên trong đầu chị: Mình về sẽ làm gì? Liệu có ranh giới nào giữa 2 mẹ con? Mình có thể phối hợp tốt với mẹ không?". Và đến hôm nay, chị đã tự tin để nói “con đã không phụ lòng tin của mẹ”. Liên Hương đã chính thức mang rất nhiều dấu ấn của Trisha. Nay, khách hàng đến với Liên Hương còn được nghe về lịch sử áo dài, nghệ thuật thêu tay và xu hướng thiết kế... Rồi những thay đổi nhỏ trong thiết kế - những thay đổi tuy nhỏ nhưng luôn được thực hiện bằng nhiều cuộc thảo luận giữa tôi và mẹ.

Tiếp nối và lan tỏa

Ảnh 4: Chị thấy hạnh phúc vì nay trên mỗi bước đi của mẹ đã có chị bước song hành
Trisha thấy hạnh phúc vì nay trên mỗi bước đi của mẹ đã có chị bước song hành

Trước đây, mẹ Trisha phải lo toan mọi thứ, từ thiết kế đến khách hàng. Nhưng từ khi có con gái đồng hành, mẹ chị đã có thời gian để tập trung chăm sóc bản thân nhiều hơn, để yêu quý bản thân hơn.

Khi được hỏi về việc điều chỉnh cách tiếp cận áo dài, Trisha nói: "Mẹ và tôi có những khác biệt trong tư duy về thời trang, nhưng tôi luôn tôn trọng ý kiến của mẹ, và mẹ cũng dần cởi mở hơn với những đổi mới mà tôi mang đến". Đến giờ, trong các thiết kế của mình, Trisha vẫn "trung thành với những giá trị truyền thống, nhưng cũng khéo léo đưa vào đó những đường nét hiện đại".

"Tôi có niềm tin rằng áo dài không cần thay đổi quá nhiều để trở nên mới mẻ nhưng cũng không thể khư khư giữ quan niệm cũ. Dù trân trọng truyền thống, nhưng tôi muốn áo dài có sự đổi mới, để phù hợp với nhịp sống của người trẻ" - Trisha nói tiếp. Tuy nhiên, Trisha khẳng định rằng, chị không thay đổi những giá trị cốt lõi của áo dài. Bởi áo dài đẹp nhất khi vẫn giữ được nét thanh lịch.

Đến nay, Trisha biết rằng mình đã chọn đúng con đường. "Khi thấy mẹ nhìn những thiết kế của tôi với tất cả sự hài lòng, tôi biết rằng mình đã làm được điều gì đó ý nghĩa với mẹ. Mẹ đã từng một mình giữ gìn di sản này, còn bây giờ, tôi đồng hành cùng bà, thậm chí đưa nó đi xa hơn. Mỗi chiếc áo dài tôi tạo ra không chỉ là một tác phẩm thời trang, mà còn là sự tiếp nối. Nó mang theo tình yêu của tôi dành cho mẹ, cho truyền thống gia đình" - chị trải lòng.

Trisha tin rằng khi một người thực sự yêu điều mình làm, làm vì người mình yêu thì họ sẽ tìm thấy hạnh phúc ở đó. Và chị cảm thấy mình may mắn mỗi ngày khi được làm điều đó. Với Trisha, mỗi chiếc áo dài là một lời thì thầm từ quá khứ, là cách mà người phụ nữ Việt gửi gắm tình yêu với chính mình với mẹ.

"Tôi, cô con gái nhỏ của mẹ, chỉ đang viết tiếp câu chuyện ấy, bằng những thiết kế đậm nét yêu thương, bằng cả trái tim của mình" - Trisha thổ lộ.

Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình

Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.

Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.

Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.

Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.

- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.

Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.

Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).

Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.

Điện thoại: 096618272

Tạ Thị Khánh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI