Giữ những mùa trăng

25/09/2015 - 16:36

PNO - Trong ký ức của tôi, Trung thu là tết trẻ con, là lồng đèn...Trung thu là những tiếng động va chạm trong bếp, là củi lửa với nhiều khói, xào nhân...

Giu nhung mua trang
Ảnh: Lá Studio

Trong ký ức của mẹ tôi, Tết Trung thu là tiếng gõ của cái khuôn gỗ, là những âm thanh rộn ràng trong căn bếp của bà ngoại.

Cứ đến mùa này, bà lại tất bật ngâm đậu làm nhân, pha bột làm bánh nướng, bánh dẻo… Với những phần bột dư, nhân đầu thừa đuôi thẹo, mẹ sẽ ngồi nắn ra những cái bánh con heo, con cá với mắt là những hạt đậu rang.

Cùng với mấy dì, chị em xúm lại dùng que tre tỉ mẩn vẽ từng nếp của cái chân heo, cái đuôi xoăn tít, cái vẩy và mang cá lên bột. Chúng sẽ được phết dầu rồi đem nướng, kỹ lưỡng như những cái bánh dẻo, bánh nướng kia.

Tôi đang ở xa quê hương. Mẹ tôi cũng đã từng cố giữ những mùa trăng cho tôi bằng cách nhận làm bánh Trung thu cho những gia đình quen biết xung quanh. Từ những cái khuôn to và nặng được mang theo khi rời quê hương, mẹ chế đủ mọi nguyên liệu mua từ tiệm tạp hóa gần đó để tôi có thể có một mùa Trung thu trọn vẹn với đủ loại bánh.

Tôi lớn lên và hiểu: để giữ được cho con những mùa trăng truyền thống, mẹ đã chịu khó tới mức nào. Xứ Australia không người thân quen, đi xe buýt khắp nơi để tìm cho ra một cửa hiệu châu Á là một kỳ công.

Mùa xuân, tháng Chín ở Australia - khi hoa mộc lan nở ngập khắp các con đường là mùa thu quê nhà, là mùa mẹ bận rộn làm bánh, để cái máu mê nấu nướng, tỉ mẩn, vén khéo từ bà truyền sang mẹ, rồi sang tôi sẽ không bị mai một đi.

Tôi rời quê hương từ ngày bé xíu. Trong ký ức, Trung thu là tết trẻ con, là lồng đèn giấy kiếng, là trò chơi đèn lon. Trung thu là những tiếng động va chạm trong bếp, là củi lửa với nhiều khói, xào nhân, trộn bột.

Thời của bà và mẹ chỉ có những cuốn sổ tay ghi chép những công thức truyền miệng. Phụ nữ tụ tập với nhau, cùng sẻ chia công việc. Đổi lại là những mẻ bánh tự nướng, tự làm mang về cho gia đình, chồng con. Tại nhà, đêm rằm bày đĩa bánh cúng, người già uống trà ăn bánh cùng trẻ em sau khi đi chơi rước đèn về.

Hạnh phúc gia đình thật bình dị, đơn sơ mà ấm áp.

Mẹ giờ đang ở khá xa nơi tôi sống. Sức khỏe của mẹ không cho phép bà miệt mài dưới bếp, nhào bột nướng bánh. Bà chỉ có thể trả lời điện thoại, hướng dẫn ai đó về những công thức, bí quyết của những món ăn, món bánh gia truyền Việt Nam.

Cũng như mẹ, tôi đang cố giữ những mùa trăng trong veo cho các con, bằng cách treo một cuốn lịch màu trong bếp, in những ký hiệu vui nhộn vào các ngày lễ trong năm (trong đó có ngày Trung thu).

Để các con của tôi biết rằng: nơi gia đình tôi ở, khi mùa xuân tới, khi muôn hoa đua nở tại các công viên, vườn cây trong nhà và ngoài đường là lúc gia đình sẽ có một cái Tết Trung thu, cùng ngắm chị Hằng, chú Cuội, thỏ trắng, chơi rước đèn và ăn bánh.

Lồng đèn, nếu thời tiết tốt, sẽ được thắp và treo ngoài sân. Lũ trẻ sau khi chạy chơi thì vào bếp, xem và phụ mẹ vài thứ lặt vặt như lấy đĩa, lót giấy, cùng mẹ nhồi bột chín vào khuôn để cho ra các thứ bánh dẻo, bánh hình con vật.

Còn nếu như thời tiết xấu, cả nhà cùng ở trong bếp, thắp nến thơm, kể cho nhau những câu chuyện cổ tích về mặt trăng, cùng thấp thỏm chờ mẻ bánh nướng đang vàng ươm trong lò.

Tôi không biết mình có còn diễm phúc được cùng các con đón Trung thu tới bao giờ; vì trẻ con sẽ lớn lên, như mẹ và các dì đã lớn lên từ bếp của bà khi xưa, như tôi đã lớn lên trong căn bếp của mẹ, từng nghĩ:

Mẹ sao mà cực… Nhưng rồi tôi lại lao theo cái cực của mẹ, ban đầu chỉ để bảo vệ các con tôi trước ma trận hóa chất phẩm màu thực phẩm đang bủa vây ngoài kia, bảo đảm bình an cho gia đình, dần dà, tôi phát hiện: Tôi đang nối tiếp để duy trì một truyền thống có từ đời bà, đời mẹ.

Uyên Nguyễn Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI