Giáo dục sớm giúp trẻ trưởng thành vững vàng

02/03/2023 - 06:11

PNO - Giáo dục sớm không phải là chín ép. Một đứa trẻ tuổi mầm non biết đọc không có nghĩa đã bị nhồi nhét, chịu sức ép, hay bị cướp mất tuổi thơ. Phương pháp giáo dục Shichida tập giúp trẻ: tính toán tốc độ cao, tiếp nhận nhiều ngôn ngữ, tiếp thu âm nhạc tốt, tự chữa lành...

Có phụ huynh sốt sắng trong việc phát hiện, đào luyện, bồi dưỡng năng khiếu cho con; có phụ huynh lại để con phát triển tự nhiên như cây cỏ, tuổi măng non chỉ cần ngủ giỏi, ăn ngoan, đủ chiều cao, cân nặng là đạt. Ở 2 thái cực này, phụ huynh có thể quan tâm hoặc thờ ơ với giáo dục sớm - áp dụng các phương pháp giáo dục trẻ từ 0 đến 6 tuổi.

Để hiểu thêm về vấn đề này, Báo Phụ nữ TPHCM phỏng vấn bà Jeannie Ho-Chan - Viện trưởng Viện Giáo dục Shichida tại Việt Nam, người đã đưa phương pháp giáo dục Shichida của giáo sư Makoto Shichida (Nhật Bản) vào Việt Nam từ năm 2012. Với các chương trình hiện có, Viện tập trung phát triển 6 khả năng ở trẻ: trực giác và sáng tạo, ghi nhớ, tính toán tốc độ cao, tiếp nhận nhiều ngôn ngữ, tiếp thu âm nhạc tốt - cao độ hoàn hảo, tự chữa lành. 

Bà Jeannie Ho-Chan - Viện trưởng Viện Giáo dục Shichida tại Việt Nam
Bà Jeannie Ho-Chan - Viện trưởng Viện Giáo dục Shichida tại Việt Nam

Phóng viên: Cái gì “sớm” thường bị cho là “chín ép”. Bà nghĩ thế nào khi có quan niệm tương tự đối với giáo dục sớm?

Bà Jeannie Ho-Chan: Nhiều người nhầm lẫn ý nghĩa của giáo dục sớm. Một đứa trẻ có thể học tập bằng nhiều cách thức khác nhau. Chẳng hạn như, khi chạy chơi trong vườn nhiều cây cối, hoa trái là lúc trẻ học hỏi về cuộc sống xung quanh, về sự đa dạng của thực vật, màu sắc khác nhau thế nào, hương vị ra sao… Điều quan trọng là đối với việc học ấy trẻ có thích thú, vui vẻ, thoải mái không hay bị bắt buộc, la mắng, nhồi nhét. Nếu trẻ không chịu ngồi học hoặc chưa đạt thành tích như ý người lớn thì có bị phạt hay không? Giáo dục sớm là quan sát, thấy trẻ cần gì, mình sẽ hỗ trợ. Nếu không cho con học ngay ở giai đoạn mà con cần học thì là khi nào?

Về giáo dục sớm, nếu căn cứ vào khả năng, nhu cầu, mối quan tâm của chính con sẽ khác với căn cứ theo khả năng của các bạn cùng tuổi với con. Ví dụ đối với trường hợp biết đọc sớm, phần lớn các bạn nhỏ từ 2 tuổi đã có thể đọc được, đó là điều bình thường, nhưng với phụ huynh là một điều đáng tự hào, nhiều bé còn được phong là “thần đồng”. Thật ra đọc chỉ là khả năng để mở thêm cánh cửa, là chìa khóa để các con bước ra thế giới. Từ đó, bé sẽ xác nhận và tổng hợp thông tin để phát huy sáng tạo, một số bé có năng khiếu sẽ tập sáng tác thơ thể hiện cảm xúc của chính mình. Biết đọc sớm giúp con có lợi thế trong việc tiếp nhận tri thức và thuận lợi hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Một đứa trẻ tuổi mầm non biết đọc không có nghĩa đã bị nhồi nhét, chịu sức ép, căng thẳng hay bị cướp mất tuổi thơ.

* Với các bé bộc lộ khả năng vượt trội nhờ tiếp cận giáo dục sớm, làm sao để bé không “ảo tưởng sức mạnh” và coi thường người khác?

- Bé được học với nhiều bạn và tự nhiên sẽ nhận ra bạn và mình đều có những lợi thế cần duy trì, phát huy hay những hạn chế cần khắc phục. Chỉ có một phép so sánh cần thiết và hữu hiệu là tôi hôm nay so với chính tôi của hôm qua. 
Những năm gần đây, việc đưa hình ảnh con lên mạng xã hội để khoe thành tích khá phổ biến tại Việt Nam. Từ những ngày đầu mang chương trình đến Việt Nam, chúng tôi đã trao đổi và khuyến khích phụ huynh - người thầy đầu tiên của con - không nên chụp và quay lại hình ảnh con đang trổ tài đàn hát, tính nhanh, đọc thuộc lòng bài thơ dài hay dãy số… rồi đưa lên mạng. Chúng ta nên trao quyền để con được lựa chọn cách thức bộc lộ tài năng của bản thân, bởi khi con lớn lên, đã xây dựng ý thức tự giác thì việc muốn bộc lộ hay không là tùy ở con.

Ở giai đoạn giáo dục sớm, việc kết nối giữa cha mẹ và con cái là một trong những mắt xích quan trọng trên hành trình lớn lên của con trẻ
Ở giai đoạn giáo dục sớm, việc kết nối giữa cha mẹ và con cái là một trong những mắt xích quan trọng trên hành trình lớn lên của con trẻ (ảnh minh họa)

* Khoe con ảnh hưởng nhân cách và sự phát triển của trẻ như thế nào, thưa bà? 

- Điều cốt lõi là không thể đánh giá sự phát triển, thành quả học tập của con tại thời điểm hiện tại mà hãy đánh giá khi con lớn lên, độc lập. Hôm nay con làm điều này chưa tốt không có nghĩa là con luôn luôn, mãi mãi không làm được tốt. Hôm nay con làm được nhưng nếu không tiếp tục cố gắng và không có giá trị đúng, hành vi đúng thì khả năng của con cũng sẽ thụt lùi. Giáo dục không phải là một thời điểm trong cuộc sống mà là một hành trình. Thật vô nghĩa khi tự hào mình đã trồng được bao nhiêu hạt giống mà không cần biết những hạt giống này có bám rễ và ra lá không, có vươn cao và kết trái không. 

* Bà mong muốn lan tỏa điều gì để giáo dục trẻ tích cực hơn?

- Phương pháp giáo dục truyền thống là phụ huynh sẽ giao con cho thầy cô. Sự lớn lên của con, kết quả của con hầu như là trách nhiệm của nhà trường. Nhưng với phương pháp giáo dục Shichida, để một đứa trẻ lớn lên vững chãi, có giá trị cho gia đình, xã hội thì cần cả “kim tự tháp”. Khi đó, phụ huynh, thầy cô - nhà trường và bản thân các con sẽ là nền móng và bên trên là xã hội - cộng đồng. Tôi mong ngành giáo dục và các gia đình sẽ quan tâm và lan tỏa “kim tự tháp” này để trẻ được phát triển toàn diện trong hạnh phúc.

Điều đặc biệt quan trọng ở lớp học giáo dục sớm là ba mẹ luôn đồng hành với con, ngồi cạnh con và lắng nghe cô giáo. Khi về nhà, ba mẹ và con sẽ cùng ôn tập để khắc sâu bài học, để thao tác thuần thục hơn. Phụ huynh của chương trình giáo dục sớm rất gắn bó với con, luôn tập trung vào yêu thương, tạo ra môi trường an toàn, bảo vệ con.

Nhớ lần tôi chăm chú lắng nghe và vỗ tay động viên một học sinh nam đang hồi hộp phát biểu trên sân khấu trong lễ tốt nghiệp tiểu học cuối năm 2022, bên dưới khán đài là em gái của cậu học sinh ấy đang cảm động, còn mẹ thì ôm chặt em vào lòng. Tôi cảm nhận được sự gắn bó diệu kỳ của các gia đình, dù có những điều chưa kịp nói ra, đã có thể đọc được tâm tư, thấu hiểu và yêu thương nhau. Điều đó thể hiện giá trị không chỉ ở thành tích học của con mà còn vun đắp tình yêu thương và sự gắn kết của gia đình.

* Xin cảm ơn và kính chúc bà hạnh phúc, thành công. 

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI