Gian nan đòi nợ chồng cũ

05/09/2022 - 09:30

PNO - "Chồng cũ nợ con trai số gạo cấp dưỡng 10kg một tháng trong thời gian 13 năm, tính ra là 1,56 tấn gạo. Giờ con trai tôi đã có vợ con, tôi đi đòi quyền lợi cho con cháu mình", bà T.A. trình bày như vậy khi làm thủ tục khởi kiện chồng cũ.

 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

26 năm không nhìn mặt con

Bà Nguyễn T.A. (53 tuổi, ngụ xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nói như vậy trong nước mắt. Nhìn khuôn mặt khắc khổ, làn da đen sạm của bà T.A., mới hiểu được nỗi truân chuyên của người phụ nữ bị chồng ruồng rẫy từ năm 27 tuổi, một mình vất vả nuôi con trai khôn lớn.

Vợ chồng chia tay nhau đã 26 năm, ông B.T. - chồng cũ của bà đã có vợ con khác, bà A. vẫn ở góa nuôi con, chưa bao giờ nghĩ tới việc trông chờ 10kg gạo hằng tháng của chồng cũ. Nhưng gần đây, thấy thái độ của ông T. với con trai và cháu nội quá tệ, bà mới làm "lớn chuyện".

Ngày ấy, bà A. và ông T. kết hôn và có một con trai. Sau 5 năm chung sống, giữa hai người phát sinh nhiều mâu thuẫn, hôn nhân không hòa hợp, ông T. làm đơn xin ly hôn. Tòa xử bà A. nuôi con trai và ông T. phải cấp dưỡng mỗi tháng 10kg gạo, cho tới khi đứa bé 18 tuổi. Trong số tài sản đã phân chia cho hai người, còn lại thửa ruộng 2,7 sào, họ thỏa thuận khi nào con trai trưởng thành sẽ giao cho con trai sử dụng.

Tuy nhiên, từ ngày có vợ mới và chuyển lên vùng Tây Nguyên sinh sống, ông T. "phớt lờ" nghĩa vụ nuôi con. Thậm chí suốt mấy chục năm qua, ông chưa về thăm con trai một lần. Anh con trai nay đã có vợ con mà chưa hề biết mặt cha đẻ của mình. Tháng trước, nhân đám cưới người anh họ con ông bác, nghe tin cha mình cũng về dự, anh con trai dắt díu vợ con vượt gần 50km đến dự tiệc, hy vọng gặp được cha và xin ông cho sử dụng thửa ruộng của gia đình trước kia. 

Mấy chục năm qua, ông T. cho người khác mượn ruộng canh tác, nay anh con trai muốn xin lại để trồng lúa nuôi vợ con. Rất buồn là vợ chồng anh T. không gặp được cha. Giữa đám cưới đông đúc ồn ào, anh T. không thể nhận ra cha mình vì... không biết mặt. Bà A. không có tấm hình nào của chồng cũ, bà tả thế nào con trai cũng không thể nào hình dung ra cha mình mặt mũi, tướng tá ra sao. May mắn xin được số điện thoại của cha, anh gọi cầu may, nhưng điện thoại không có ai nghe máy.

Bà A. cho rằng thái độ của ông T. với con trai và cháu nội như vậy là quá nhẫn tâm. Người ta cạn tình thì mình cũng không cần giữ ý nữa, bà quyết làm đơn khởi kiện. Không muốn con trai mang tội bất hiếu rằng con kiện cha, bà giành lấy việc đi đòi quyền lợi cho con. Số tiền mua 1,56 tấn gạo không lớn, nhưng ruộng đất của hai người để lại phải được chia cho con trai theo luật pháp quy định, cũng là thực hiện sự thỏa thuận của hai người trước khi ly hôn. 

Anh con trai tìm đến ông bác ruột, là người đang sử dụng thửa ruộng tranh chấp. Ông bác nói với cháu: "Ruộng của cha mẹ con thì bác đang làm, nhưng giấy tờ đất thì do cha con giữ. Giờ muốn lấy lại, con phải đi tìm cha và xin phép đã". 
Từ mấy chục năm nay, mẹ con bà A. chỉ biết ông T. sống ở Tây Nguyên chứ không biết rõ ông ở chỗ nào. Anh con trai điện thoại cho cha thì không bao giờ ông bắt máy. Mẹ con bà A. tìm chồng cũ, tìm cha mình chẳng khác "mò kim đáy biển", nên cuối cùng, bà A. chọn giải pháp ra tòa nói chuyện.

Bà A. vất vả cả tháng trời chạy ngược xuôi đi làm thủ tục giấy tờ. Vừa phải nhờ chính quyền sở tại xác nhận bà là người đang cư trú tại địa phương, vừa phải về quê chồng xác nhận trước kia có được chia thửa ruộng cho ba nhân khẩu gồm vợ, chồng và con trai. Bà A. khẳng định: "Tôi không thích việc thưa kiện, nhưng vì quyền lợi của con cháu mà bất đắc dĩ làm chuyện này. Tôi cũng mong muốn ông T. phải làm tốt nghĩa vụ của mình, là một công dân biết thực thi luật pháp thật nghiêm minh". Tuy nhiên, khi được yêu cầu cung cấp cho tòa nơi ở của bị đơn, bà A. lại lúng túng “chỉ biết ổng ở Gia Lai”, và số điện thoại của ông có reo, nhưng không ai nghe máy. Vụ việc tiếp tục bế tắc.        

Bà muốn đòi tài sản cho đứa con trai thiệt thòi, dù con đường pháp lý có trắc trở (Ảnh minh họa)
Ông trốn trách nhiệm làm cha, bà quyết đòi tài sản cho đứa con trai thiệt thòi, dù con đường pháp lý có trắc trở (Ảnh minh họa)

                                                      

Quên người không đáng nhớ sẽ nhẹ lòng 

Với tình huống này, luật sư Trần Hoài Nhân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Unibros VN, phân tích: 

Hiện người con trai đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên nếu muốn đòi quyền lợi thì người con sẽ là chủ thể nộp đơn khởi kiện cha mình ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu phán xử nghĩa vụ cấp dưỡng của người cha. 

Tuy nhiên, theo khoản 1, điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về thời hiệu yêu cầu thi hành án nêu: Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án. Trường hợp thời hạn nghĩa vụ ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 5 năm tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định theo định kỳ thì thời hạn 5 năm áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Theo đó, người con khó có thể kiện cha yêu cầu cấp dưỡng vì đã hết thời hiệu khởi kiện.

Riêng đối với phần tài sản chung của vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân (2,7 sào đất hứa cho con trai), người vợ có quyền khởi kiện người chồng ra tòa án cấp huyện nơi bất động sản tọa lạc để yêu cầu chia tài sản chung sau ly hôn.

Xét về lý, luật sư Nhân cho rằng trong tình huống này người cha sẽ không đủ dũng cảm và tự tin để đối diện “nói lý” với hai mẹ con bà A. bởi trên đời không có lý lẽ nào biện minh cho việc cha mẹ sinh con ra mà không hề có trách nhiệm chăm sóc, quan tâm và cấp dưỡng. Nếu nói rằng vì ghét mẹ nên bỏ con thì lại càng sai, nó chỉ khẳng định sự ích kỷ của người cha, bởi trẻ con thì không có lỗi và đó lại là con ruột mình.

“Riêng với mẹ con bà A., dù chồng cũ và cha mình đuối lý, nhưng tôi cho rằng việc truy tới cùng lý lẽ người cha vô trách nhiệm cũng không làm cho hai mẹ con hạnh phúc thêm, có chăng là trút được nỗi hờn trong lòng mình. Với người sống bất chấp đạo lý thì không bao giờ xứng đáng cho mọi người tôn trọng, đặc biệt là những người thân. Trong cuộc sống đôi khi “bỏ quên” người không đáng nhớ sẽ giúp chúng ta nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn”, luật sư Nhân nói.

Còn nếu xét về tình, luật sư Hoài Nhân cho rằng anh con trai, nếu không quá ngặt nghèo, anh nên dùng số gạo và 2,7 sào đất để trả nợ ân tình cha mình, cũng là người có công sinh ra anh. Với bà A., dù người chồng có bội bạc, vô tâm nhưng nếu anh con trai có hiếu, biết thương mẹ thì xem như “người cũ” đã vứt bỏ món quà “thượng đế” trao tặng hai vợ chồng đó chính là: “đứa con có hiếu”. 

Với góc nhìn của một luật sư, ông Nhân cho rằng không phải sự việc nào, dù có căn cứ pháp lý, chúng ta cũng đi kiện. Bởi người xưa có câu: Vô phúc đáo tụng đình. Không phải mọi người thắng kiện đều hoan hỉ, bởi về luật khi bản án/quyết định của tòa án có hiệu lực thì đa số đều phải trải qua quá trình thi hành án gian nan.

Đặc biệt, trong các vụ án về hôn nhân - gia đình, thì dù thắng kiện (luật thắng) mà lý và tình đều tổn thương nặng thì chưa chắc là giải pháp tối ưu, bởi nó là tấm gương cho con cháu soi rọi, là bức tranh màu tối của đạo lý và hạnh phúc gia đình mà thế hệ sau phải xem. Quyền khởi kiện là của cá nhân, nhưng nếu không cân nhắc kỹ, không khéo bạn sẽ hối hận, bởi có khi thắng kiện thì chúng ta lại mất thêm nhiều thứ khác rất khó cân đo, đong đếm, đó là đạo lý, tình người và lòng tin. 

Phương Phương

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh