Giảm đau nhức khi mang thai

09/05/2016 - 09:39

PNO - Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, trưởng khoa Hậu sản M - Bệnh viện Từ Dũ, đau nhức nhiều khi mang thai còn là dấu hiệu của nguy cơ sinh non.

Giam dau nhuc khi mang thai
Ảnh mang tính minh họa - shutterstock

Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trở nên nặng nề, mệt mỏi. Không chỉ vậy, các chị thường gánh thêm chứng đau nhức, tê cứng lưng, khớp háng, vùng mông… theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, trưởng khoa Hậu sản M - Bệnh viện Từ Dũ, đau nhức nhiều khi mang thai còn là dấu hiệu của nguy cơ sinh non.

Hơn đau đẻ

“Em mang thai 26 tuần, cách đây 10 ngày em bị đau nhức vùng xương ở bụng dưới và mông trái. Mỗi lần ngồi lâu đứng lên thì đau đến chảy nước mắt. Ngay cả khi nằm cũng đau, cứ trở mình là một cực hình, em phải nhờ ông xã lấy dây buộc hai đầu gối vào nhau để đỡ đau. Em chườm lạnh, chườm nóng, dùng rượu thuốc và đắp cả lá ngải cứu rang với muối hột cũng chẳng đỡ. Em đi khám thì bác sĩ bảo: đau do mang thai chứ không phải bệnh xương khớp. Nhưng em còn hơn chục tuần mới sinh, mà đau thế này làm sao chịu nổi các mẹ ơi” - đó là tâm sự của chị Nguyễn Yến Phương trên diễn đàn Webtretho. Chia sẻ này đã “gãi đúng chỗ ngứa” của thai phụ nên nhiều chị vào trút bầu tâm sự. Người than đau lưng ngồi dậy không nổi, người nhức chân chẳng muốn di chuyển, người đau xương chậu suốt ngày nằm rên hừ hừ…

Thai đơn đã khổ, chị Phan Thùy Trang ở chung cư Lê Thành, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM mang song thai nên càng nặng nề và cơn đau xương cũng xuất hiện từ sớm: tuần 16 của thai kỳ. Chị than: “Đau đẻ tuy khó chịu nhưng chỉ vài giờ hoặc một ngày là hết, còn đau nhức cơ và xương như bị tra tấn mỗi ngày, mỗi giờ. Lúc đầu mình bị đau ở xương mu rồi lan dần ra chân, mông. Cứ di chuyển, nhúc nhích là đau buốt. Thai càng lớn, càng sa xuống thấp thì đau nhức càng nhiều, khi đi tiểu rất đau. Ai cũng nói trông mình hốc hác do đau đầu, choáng váng, mất ngủ”. Tương tự, chị Trần Kim Thu - nhân viên một ngân hàng cũng cắn răng chịu đựng cơn đau lưng hành hạ từ lúc bầu 24 tuần vì mẹ chồng nói “càng đau lưng càng dễ đẻ”.

Bầu khỏe, bầu đẹp

Theo BS Lê Thị Thu Hà, đau lưng, khớp háng, xương mu, khớp gối và gót chân… khi mang thai là tình trạng khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân gây ra đau nhức như: trọng lượng cơ thể gia tăng khi mang thai đè nặng lên xương chậu và các khớp; thai lớn làm bụng thai phụ lớn dần, để giữ cân bằng cho cơ thể, thai phụ có khuynh hướng ngửa người về phía sau, mất độ cong sinh lý bình thường của cột sống, từ đó dễ dẫn đến tình trạng đau lưng, khớp háng, xương mu. Khi mang thai, cơ thể người mẹ tiết nội tiết relaxin, chất này làm dãn khớp, do vậy các khớp bị yếu và dễ bị tổn thương. Sự phù nề vùng khớp do tích tụ dịch khi mang thai dễ gây chèn ép và gây đau, đặc biệt xảy ra ở vùng cổ tay…

Cách phân biệt đau bệnh lý và đau thông thường của người sắp làm mẹ là: đau khớp bệnh lý xuất hiện từ trước khi mang thai, đặc điểm bệnh khớp là bệnh diễn biến tái đi tái lại, các khớp thường đau đối xứng. Bệnh khớp thường có biểu hiện bị cứng khớp vào buổi sáng, bệnh nhân ngủ dậy vận động khó khăn. Tình trạng viêm khớp thường xảy ra đột ngột, rầm rộ thành những đợt đau cấp tính ở các khớp như: khớp ngón cái, khớp bàn chân, khớp ngón tay, cổ tay, đặc biệt hay xuất hiện ở mắt cá chân và khớp khuỷ u tay.

Trong khi đau khớp do thai thì xuất hiện sau khi mang thai, đặc biệt đau nhiều khi thai vào ba tháng cuối thai kỳ.

Có một điểm chung là khi bị đau nhức, thai phụ thường cố chịu đựng vì sợ dùng thuốc giảm đau hay trị liệu sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Điều này chưa hẳn là tốt, vì theo BS Lê Thị Thu Hà, thai phụ nhức mỏi nhiều sẽ khó ngủ, biếng ăn và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính thai phụ và cho cả bé yêu. Đau nhức nhiều còn có nguy cơ sinh non.

Vì vậy, các bà bầu có thể áp dụng các cách sau để giảm đau nhức mà vẫn an toàn cho bé: dùng thuốc giảm đau phù hợp với thai phụ; chườm ấm hoặc chườm lạnh lên khớp bị đau; massage cơ thể, đặc biệt là vùng khớp bị đau; uống nhiều nước, nghỉ ngơi nhiều; nằm ngủ hơi nghiêng, ôm gối khi ngủ, dùng loại gối ôm giúp bà bầu nâng đỡ cơ thể, giảm áp lực, mang đến giấc ngủ thoải mái hơn và hạn chế đau nhức; mang dép đế thấp, ngồi tư thế thẳng lưng; đi bơi, đi bộ thong thả mỗi ngày.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI