Giải pháp giữ vững kinh tế trong đại dịch của Thái Lan, Malaysia

24/09/2021 - 17:20

PNO - Phát biểu tại Hạ viện Malaysia ngày 22/9, Bộ trưởng Bộ Công thương Datuk Seri Mohamed Azmin Ali khẳng định, nước này vẫn giữ vững thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, bất chấp thách thức từ đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp ở một số lĩnh vực được hoạt động với 60% công nhân

Bộ Công thương Malaysia sẽ cùng các đại sứ quán, phòng thương mại nước ngoài và các bên liên quan tăng cường thương mại, quan hệ đầu tư với các nhà đầu tư dù thừa nhận triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ rất khó khăn. “Chính phủ không đánh giá thấp những cảnh báo của chuyên gia kinh tế qua việc thực hiện các biện pháp tích cực và liên tục, không chỉ để kiểm soát sự suy giảm nguồn vốn FDI mà còn để tái thu hút đầu tư nước ngoài, giúp phục hồi kinh tế”, ông Mohamed Azmin nói.

Chiến lược “Seal & Bubble” giúp các doanh nghiệp Thái Lan giữ ổn định sản xuất trong tình hình dịch bệnh. (Ảnh Nhà máy Charoen Pokphand Foods - Nguồn: Internet)
Chiến lược “Seal & Bubble” giúp các doanh nghiệp Thái Lan giữ ổn định sản xuất trong tình hình dịch bệnh. (Ảnh nhà máy Charoen Pokphand Foods - Nguồn: Internet)

Trở lại thời điểm đầu tháng 6, khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin ban hành lệnh phong tỏa cả nước do số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục, thì phần lớn khu vực sản xuất của Malaysia vẫn được tiếp tục hoạt động. Họ chọn một số lĩnh vực ưu tiên và cho phép hoạt động với 60% lực lượng lao động. Người tham gia sản xuất là tự nguyện, phải tuân theo hướng dẫn chi tiết của chính phủ và ưu tiên tiêm chủng. Các doanh nghiệp (DN) cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý.

Trong tương lai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Tengku Zafrul Aziz cho biết, chính phủ cũng sẽ trình quốc hội lưỡng viện tăng ngân sách cho các biện pháp hỗ trợ liên quan COVID-19 và nâng mức trần nợ vay theo luật từ 60% lên 65% tổng sản phẩm quốc nội. Theo đó, Malaysia dự kiến bổ sung 10,8 tỷ USD vào quỹ COVID-19 để giúp các DN và hộ gia đình.

Theo Bộ trưởng Mohamed Azmin, Malaysia sẽ áp dụng ba cách tiếp cận trong phục hồi nền kinh tế, trong đó chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia là then chốt để mở cửa an toàn và trật tự. Tính đến ngày 21/9, 93,2% dân số trưởng thành đã được tiêm một liều vắc xin và 80,2% đạt mũi thứ hai, đó là ngưỡng mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế bằng cách thực hiện các chính sách thương mại và đầu tư cởi mở, minh bạch và thân thiện với DN. “Điều này bao gồm cả những nỗ lực không ngừng của chính phủ nhằm phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)”, ông nói.

Ngoài ra, Malaysia đặt mục tiêu các khoản đầu tư theo định hướng công nghệ tiên tiến, chất lượng cao bằng chiến lược Khát vọng đầu tư quốc gia (NIA) nhằm tập trung vào tính bền vững, với trọng tâm là các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. 

“Seal & Bubble” giúp duy trì sản xuất

Tại Thái Lan, để duy trì sản xuất, từ đầu năm 2021, quốc gia này đã áp dụng chiến lược “Seal & Bubble” để hạn chế sự lây lan của COVID-19 trong các nhà máy ở Samut Sakhon, tâm chấn của đợt bùng phát dịch thời điểm đó, sau đó nhân rộng khi toàn quốc phải đóng cửa vì đại dịch.

Chiến lược “Seal & Bubble” của Thái Lan gồm các biện pháp hạn chế lây nhiễm virus trong các nhà máy. Trong đó Seal được hiểu là “dấu xác nhận” áp dụng cho các nhà máy có nơi ở tại chỗ cho công nhân và họ sẽ không rời khỏi cơ sở (tương tự 3 tại chỗ). Bubble áp dụng cho các nhà máy không có nơi ở tại chỗ, thay vào đó công nhân phải được bố trí khu ăn ở bên ngoài khuôn viên nhà máy. Mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ việc đi lại và di chuyển của người lao động từ chỗ ở đến nơi làm việc để duy trì sản xuất (giống một cung đường hai điểm đến). Đây là sáng kiến của Bộ Y tế Thái Lan nhằm bảo vệ công nhân tại các nhà máy và cộng đồng xung quanh và đã đạt hiệu quả đối với các công ty có đông công nhân.

Công ty thực phẩm khổng lồ Charoen Pokphand Foods (CP Foods) có trụ sở tại Bangkok xác nhận hiệu quả của biện pháp này và cho biết sự an toàn cho nhân viên đã giúp duy trì sản xuất trong suốt thời gian giãn cách. Theo quy trình, nhân viên nhiễm vi-rút sẽ được đưa đến bệnh viện dã chiến điều trị. Những công nhân F1 có kết quả âm tính được tách ra tránh mọi nguy cơ lây nhiễm nhưng vẫn có thể tiếp tục công việc. Họ được bố trí làm việc riêng, được trang bị đồ bảo hộ và bảo đảm không tham gia vào bất kỳ công việc chéo nào. Họ cũng không ra khỏi nơi làm việc... 

CP Foods cho hay, biện pháp này đã giúp đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn tại các nhà xưởng có ca nhiễm bệnh mới. Dù tất cả công nhân của công ty đã được tiêm phòng 2 mũi, CP Foods vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp “Seal & Bubble” nghiêm ngặt để kiểm soát sự lây nhiễm. Tất cả công nhân đều được test COVID-19 trước khi vào làm việc. Ai có nhiệt độ trên 37,30C hoặc có bất kỳ triệu chứng nào thì sẽ có ngay khu vực cách ly.

Đầu tháng này, CP Foods đã báo cáo lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm nay là 350 triệu USD, chỉ giảm 4% so với cùng kỳ. Sản lượng của các DN bao bì nước này cũng đạt lợi nhuận quý II/2021 tăng 15% so với quý trước nhờ các biện pháp “Seal & Bubble” để phòng, chống biến thể Delta trong cơ sở sản xuất. 

Nam Anh (theo Malay Mail, BW, Bangkok Post)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI