Đông Nam Á điêu đứng trước làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới và biến thể Delta

09/07/2021 - 17:32

PNO - Số ca tử vong và số ca mắc đang gia tăng kỷ lục ở Đông Nam Á, giữa tình trạng thiếu hụt vắc xin và xuất hiện biến thể dễ lây lan khiến các nỗ lực ngăn chặn giảm tác dụng.

Khi các quốc gia như Anh, Đức và Pháp chuẩn bị dỡ bỏ hầu hết các hạn chế sau khi dịch bệnh lắng xuống, các chính phủ ở Đông Nam Á đang thắt chặt biện pháp giãn cách, hy vọng các cuộc phong tỏa có mục tiêu sẽ ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đột biến bắt đầu từ tháng 5.

Indonesia, quốc gia đông dân nhất và bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, đã ghi nhận 38.391 trường hợp dương tính mới hôm 8/7, gấp 6 lần con số 1 tháng trước đó, với số người chết hàng ngày tăng gấp 2 so với đầu tháng Bảy.

Các bệnh viện trên hòn đảo đông dân nhất Java đang bị đẩy đến giới hạn, nguồn cung cấp oxy thấp và bốn trong số năm khu chôn cất COVID-19 được chỉ định ở thủ đô Jakarta đã gần đầy.

Người dân Indonesia xếp hàng tiêm vắc-xin COVID-19 tại sân vận động ở Jakarta
Người dân Indonesia xếp hàng tiêm vắc xin COVID-19 tại sân vận động ở Jakarta

Cũng trong ngày 8/7, số trường hợp tử vong tiếp tục phá kỷ lục tại Malaysia với 8.868 ca nhiễm mới và 35 người chết do COVID-19, từ 29 đến 90 tuổi, nâng tổng số người chết trên toàn quốc lên 5.903.

Tại Thái Lan, nơi các nhà chức trách đề xuất hạn chế việc đi lại trong nước khi biến thể Delta lan nhanh bên trong và xung quanh thủ đô Bangkok.

Một nhà ga mới tại sân bay thủ đô Thái Lan được chuyển thành bệnh viện dã chiến 5.000 giường. Thái Lan ghi nhận 9.276 ca nhiễm cộng đồng và 72 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua.

Nước láng giềng Myanmar lần đầu tiên chứng kiến ​​hơn 4.000 ca mắc mới hôm 8/7 và là một trong những ngày chết chóc nhất. Tương tự, Campuchia cũng có số ca mắc và tử vong cao nhất trong 9 ngày qua.

Việc thiếu hụt vắc-xin đang khiến các quốc gia Đông Nam Á rơi vào thế bị động trong cuộc chiến chống COVID-19
Việc thiếu hụt vắc xin đang khiến các quốc gia Đông Nam Á rơi vào thế bị động trong cuộc chiến chống COVID-19

Các chuyên gia y tế cho rằng mức độ xét nghiệm thấp ở các quốc gia đông dân nhất khu vực là Indonesia và Philippines không thể hiện toàn bộ mức độ bùng phát dịch, trong khi Myanmar chứng kiến ​​sự sụp đổ của hệ thống y tế kể từ cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Hai.

Dicky Budiman - một nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith (Úc) - cho biết, khu vực đang vất vả đối phó với biến thể Delta, sửa chữa hậu quả từ sự mâu thuẫn trong chiến lược và thông điệp chống dịch, cũng như thực thi các giao thức giãn cách.

Tỷ lệ tiêm chủng tại Đông Nam Á vẫn còn thấp, với 5,4% trên 270 triệu người dân Indonesia được tiêm chủng đầy đủ, con số này ở Philippines là 2,7%  và Thái Lan là 4,7%.

Malaysia đã tiêm phòng cho 9,3% trong tổng số 32 triệu dân của mình và đã tăng cường phong tỏa ở thủ đô, cùng vành đai công nghiệp xung quanh.

Một khu vực điều trị dã chiến cho bệnh nhân COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan
Một khu vực điều trị dã chiến cho bệnh nhân COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan

Indonesia và Thái Lan đang xem xét các mũi tiêm nhắc lại bằng vắc xin mRNA, như của Moderna và Pfizer-BioNTech / Cominarty, cho các nhân viên y tế vốn đã tiêm vắc xin virus bất hoạt Sinovac do Trung Quốc sản xuất, trong bối cảnh lo ngại về khả năng lây nhiễm của những biến thể mới.

Singapore là một trong số ít những điểm sáng. Các nhà chức trách Đảo quốc Sư tử dự kiến ​​sẽ nới lỏng hơn nữa các hạn chế và hoàn thành việc tiêm chủng cho một nửa dân số vào cuối tháng Bảy. Singapore cũng có kế hoạch cho phép những người dân đã được tiêm phòng đầy đủ tham dự các cuộc tụ họp lớn hơn như hội nghị, lễ nghi tôn giáo và lễ cưới trọng thể.

Linh La (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI