Giải Nobel Hòa bình năm nay liệu có về tay Greta Thunberg?

02/10/2021 - 05:35

PNO - Giải Nobel Hòa bình năm 2021 sẽ được công bố 3 tuần trước khi các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu về Scotland tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, một hội nghị được các nhà khoa học kỳ vọng rằng có thể xác định tương lai của hành tinh chúng ta. Đây là một lý do quan trọng để những người theo dõi giải Nobel Hòa bình năm nay hy vọng rằng đây có thể là “năm của Greta Thunberg”.

Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg tham gia cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu ở Montreal, Quebec, Canada, ngày 27/9/2019 - Ảnh: Reuters
Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg tham gia cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu ở Montreal, Quebec, Canada, ngày 27/9/2019 - Ảnh: Reuters

Nobel Hòa bình, giải thưởng chính trị uy tín nhất thế giới, dự kiến sẽ được công bố sau 8 ngày nữa. Trong khi người chiến thắng thường cảm thấy bất ngờ về việc được xướng tên, thì những người theo dõi sát sao cho biết cách tốt nhất để dự đoán là xem xét các vấn đề toàn cầu có nhiều khả năng được 5 thành viên ủy ban lựa chọn.

Với Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, được tổ chức vào tháng 11 tại Scotland, vấn đề có thể là sự nóng lên toàn cầu. Các nhà khoa học coi hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội cuối cùng để đặt ra các mục tiêu ràng buộc về giảm phát thải khí nhà kính trong thập niên tới, rất quan trọng nếu thế giới có hy vọng giữ mức thay đổi nhiệt độ dưới mục tiêu 1,5 độ C để ngăn chặn thảm họa.

Điều đó là gợi ý cho thấy Thunberg, nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển 18 tuổi, có thể là người chiến thắng trẻ thứ hai trong lịch sử giải Nobel Hòa bình, sau Malala Yousafzai của Pakistan.

"Ủy ban thường muốn gửi một thông điệp, và đây sẽ là một thông điệp mạnh mẽ để gửi tới COP26, sẽ diễn ra giữa thời gian công bố giải thưởng và lễ nhận giải", Dan Smith, Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm nói với Reuters.

Một vấn đề lớn khác mà ủy ban có thể muốn đề cập đến là dân chủ và tự do ngôn luận. Điều đó có thể dẫn đến một giải thưởng cho một nhóm tự do báo chí, chẳng hạn như “Ủy ban bảo vệ nhà báo” hoặc “Phóng viên không biên giới”, hoặc cho một nhà bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng của Belarus hay Nga, chẳng hạn như nhà hoạt động Nga Alexei Navalny đang bị cầm tù.

Henrik Urdal, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, cho biết chiến thắng của một nhóm vận động báo chí sẽ cộng hưởng "với cuộc tranh luận lớn về tầm quan trọng của đưa tin độc lập và cuộc chiến chống tin giả”.

Những người đặt cược cũng gợi ý các nhóm như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc cơ quan chia sẻ vắc xin COVAX, những tổ chức trực tiếp tham gia vào cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19. Nhưng những người theo dõi giải thưởng nói rằng điều này dường như ít xảy ra hơn, khi đưa ra dẫn chứng năm ngoái giải Nobel Hòa bình rơi vào tay Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc.

Toàn bộ các cuộc thảo luận của ủy ban trao giải Nobel Hòa bình mãi mãi là một điều bí mật, không hề có biên bản thảo luận nào. Nhưng các tài liệu khác, bao gồm danh sách đầy đủ 329 người được đề cử năm nay, được giữ kín tại Viện Nobel Na Uy, và sẽ được công khai sau 50 năm nữa.

Thanh Vân (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI