Gia đình 'người đàn bà yếu đuối' Trần Thị Ngân: Gặp nhau nhiều nhất trong căn bếp

09/08/2019 - 05:30

PNO - Những món ăn Trần Thị Ngân khoe trên Facebook khiến bạn bè ngưỡng mộ. Chỉ có Ngân hiểu mình đã gian truân thế nào. Cô cho biết, 15 năm, trung bình mỗi năm cô tập nấu được có một món.

Kể về tài nấu nướng, bếp núc của mình thời con gái, Trần Thị Ngân, cô diễn viên xinh đẹp của vai diễn “người đàn bà yếu đuối” từng rất nổi tiếng cách đây mười mấy năm, phì cười: “Ngày xưa, mình có biết nấu ăn gì đâu, mà cũng chả hứng thú gì với cái bếp. Lặt rau muống mà sợ đen móng tay nên toàn dùng kéo cắt. Thế nên chắc trời phạt, cho lấy chồng người nước ngoài, sang Thụy Sĩ sinh sống, thèm đồ ăn Việt Nam, phải tự lăn vào bếp mà nấu cho mình ăn”.

Chả biết người ta đi nước ngoài, bao lâu thì mới bắt đầu thèm món Việt, chứ Ngân thì chỉ một tháng đầu tiên với pizza, thịt gà mua sẵn là đã xanh lét như tàu lá chuối. Nỗi nhớ các món ăn mẹ nấu khiến cô đành phải lôi mình vào bếp, tập nấu các món Việt Nam.

Hồi mới bắt đầu, ngay cả những món đơn giản nhất như chiên trứng, luộc thịt cô cũng lóng nga lóng ngóng. Chẳng có ai dạy bảo, “thầy” của Ngân là chồng sách nấu ăn tha từ Việt Nam qua và internet. Biết bao lần phải đổ hàng đống nguyên liệu đi, hay miễn cưỡng ăn những món không biết gọi tên là gì.

Bây giờ thì tay nghề của Ngân đã nhuyễn hơn rất nhiều. Những món ăn mà cô thường khoe trên Facebook khiến bạn bè phải trầm trồ, ngưỡng mộ. Chỉ có Ngân hiểu mình đã gian truân thế nào. Cô bảo: “15 năm, trung bình mỗi năm một món. Giờ tôi cũng có được 15 món tủ để nấu cho các con ăn, đãi bạn bè. Thế cũng đã đủ”.

Gia dinh 'nguoi dan ba yeu duoi' Tran Thi Ngan: Gap nhau nhieu nhat trong can bep
"Người đàn bà yếu đuối" hạnh phúc bên chồng con

Ngân bảo: bên Thụy Sĩ trời lạnh lắm, nên cái bếp ấm áp trong nhà nhiều khi được ưu tiên hơn phòng khách. Nơi mà cả gia đình Ngân thường gặp nhau nhất chính là bếp, nơi ấm áp theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Đã từng có lần trên Facebook thấy Ngân khoe nhà hàng pizza của riêng mình. Một thời gian sau, thấy cô ngưng làm việc ở đó để quay về cái bếp riêng. Cô bảo lúc mở nhà hàng thì không nghĩ tới, nhưng bắt tay vào làm mới nhận ra là mình thường xuyên phải vắng mặt trong bữa cơm của gia đình, nghề mình phục vụ bữa cho người khác mà. Điều đó làm Ngân vô cùng ray rứt.

Cái đủ của Ngân liên quan đến căn bếp và những món ăn, vậy mà thật là rộng lớn, thật là ý nghĩa. Ngân kể những ngày đầu tiên, cô gái xinh đẹp vốn được yêu chiều từ nhỏ, chỉ biết học múa và đóng phim, phải vào bếp, chồng thương nên cũng vào phụ. Thế là cứ Ngân học, Ngân thí nghiệm, Ngân bày ra, chồng dọn.

Chuyện dọn cũng còn là nhỏ. Anh còn là người phải “hứng chịu” mọi “tai nạn” bếp núc của Ngân. Thế nhưng, anh luôn vui vẻ thưởng thức mọi thứ. Anh chẳng đòi hỏi, không chê bai gì, nhờ đó mà việc bếp núc với Ngân chưa bao giờ là áp lực mệt mỏi. Cái bếp trở thành nơi thư giãn, nơi vui vẻ, nơi yêu thương của cả hai vợ chồng trẻ, và điều đó kéo dài suốt 15 năm qua, cho đến giờ khi quân số trong nhà gấp đôi, cái bếp vẫn luôn là nơi tụ họp đầy yêu thương của gia đình. 

Gia dinh 'nguoi dan ba yeu duoi' Tran Thi Ngan: Gap nhau nhieu nhat trong can bep

Món trứng luộc mà hồi ấy Ngân cũng lóng ngóng. Ảnh minh họa

Từ khi cưới nhau, Ngân và chồng đã đề ra một quy tắc bất thành văn: làm gì thì làm, ba bữa ăn trong ngày phải đúng giờ và quây quần bên nhau. Khi ăn cùng nhau là không xem ti vi, chỉ trò chuyện. Có giận hờn gì cũng phải bỏ hết khi cùng nhau ăn cơm. Ngân cười tươi tắn, cô đã dạy các con từ nhỏ câu tục ngữ của Việt Nam “trời đánh tránh bữa ăn”. Nghĩ đến những điều quan trọng như thế đối với gia đình, Ngân ngưng công việc ở nhà hàng pizza, tìm người quản lý thay mình, tiền lời ít đi, để được ăn cơm cùng các con ngày ba bữa, quay trở lại với những điều ấm áp và hạnh phúc của gia đình. 

Có một điều hết sức đặc biệt trong gia đình của Ngân: cái bếp chính là một trong những yếu tố kết nối chồng Ngân với  đất nước Việt Nam, đưa bạn bè Ngân đến với tình yêu xứ sở nhiệt đới xa xôi. Rất nhiều bạn bè của chồng Ngân, phụ huynh của bạn bè con Ngân đến nhà Ngân là vào bếp ngồi, trò chuyện, nếm các món ăn Việt Nam và tình cảm thân thiết, gắn bó phát sinh từ đó. Chồng Ngân và các con rất quen với những món ăn Việt Nam thông thường, từ thịt kho, canh chua cho tới cả trái khổ qua đắng nghét. Thậm chí món nào phải ăn với cái gì, như phở gà là phải vắt chanh, cả nhà cũng thuộc làu. Đến mức chồng Ngân thường đùa rằng chắc kiếp trước anh là người Việt Nam. 

Chính nhờ những tình cảm gắn bó đặc biệt đó mà khác với bao gia đình, cả nhà Ngân rất thường về Việt Nam, hầu như năm nào cũng về, có chuyến kéo dài cả tháng; vợ chồng con cái chở nhau trên một chiếc xe máy đi chơi, đi cà phê và đi... ăn hàng. Ngân cười giòn tan: “Mỗi lần về là tranh thủ đi ăn đủ món yêu thích. Cũng chấp nhận cả nhà nhiều phen đau bụng gần chết, nhưng phải “dĩ độc trị độc” thôi. Từ từ rồi… quen hết”.

Và điều mà Ngân hạnh phúc nhất là chồng Ngân thường bảo, giá như có bất cứ điều kiện, khả năng nào để có thể chuyển về sống ở Việt Nam thì anh sẵn sàng chấp nhận ngay lập tức. Ngân thừa nhận: tình yêu đó, sự gần gũi đó có một phần rất lớn từ cái bếp nửa Việt nửa Ý của Ngân cho chồng, cho con. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI