Gia đình du mục theo đuổi giáo dục khai phóng

15/05/2023 - 12:01

PNO - Một giáo viên dạy có 2 cô con gái (6 tuổi và 1,5 tuổi) đang cùng vợ xây dựng cuộc sống sống du mục và theo đuổi giáo dục khai phóng. Cứ 2 tháng họ lại di chuyển tới một vùng đất mới.

Long kể, suốt 5 năm học cấp I, anh bị gắn nhãn là “bất tài, vô dụng” vì học dốt. Nhưng khi tìm thấy âm nhạc, được vẫy vùng trong thế giới sắc màu này, anh lại được khen tài năng, được mọi người ưu ái cho biệt danh “đôi tai thiên phú”.

Từ đó, Long tự tin mình có khả năng, lao vào học hành. Năm lớp Sáu, lần đầu trong đời, Long đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Cũng từ đấy, anh lấy đà để không ngừng tiến lên và có cuộc sống vừa vặn với mình như hôm nay.

Sự vừa vặn với Vũ Trọng Long (30 tuổi, giáo viên piano, guitar) là một gia đình nhỏ với người mình yêu, có 2 cô con gái (6 tuổi và 1,5 tuổi) và được sống du mục, theo đuổi giáo dục khai phóng.

Gia đình du mục của Long và My
Gia đình du mục của Long và My

Cứ 2 tháng sống ở một vùng đất mới 

Trước khi dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020, gia đình Long vẫn sống tại căn chung cư ở Hà Nội. Nhưng anh đã bắt đầu cảm thấy không ổn. Mỗi ngày, anh đều chen chúc với cảnh kẹt xe để đến được chỗ làm hoặc về được đến nhà. Xe máy của anh cứ nhích từng chút một trong điều kiện khói bụi, chật chội, có khi đi vài trăm mét nhưng mất cả nửa giờ mới đến nơi.

Long muốn tìm một ngôi trường học thật ít, chơi thật nhiều cho con gái An Nhiên, nhưng có một nghịch lý là học phí ở những ngôi trường như thế thường lại rất cao. Anh rơi vào vòng xoáy của việc nếu muốn con được chơi nhiều, cha mẹ phải lao vào kiếm thật nhiều tiền, nhưng cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có nhiều thời gian ở bên cạnh, kết nối với con. Chưa kể các chi phí như thuê nhà, sinh hoạt ở thành phố cũng đắt đỏ. 

Trong vòng xoáy không có hồi kết đó, Long đã rất muốn có điều kiện sống gần thiên nhiên, theo đuổi lối sống xanh, hít thở không khí trong lành. Nhưng đặc thù công việc của anh là dạy đàn, nguồn thu nhập chính phải đến từ thành phố vì cả phụ huynh, học sinh đều chưa quen với việc dạy qua mạng.

Khi COVID-19 ập đến, 2 trung tâm về âm nhạc của Long cứ đóng rồi mở, nguồn tiền cạn dần, không hoạt động được và cuối cùng là đóng cửa hẳn. Cũng dịp này, mọi người bắt đầu thay đổi hành vi, chuyển sang học online. Long cũng tận dụng tối đa công nghệ, kỹ năng sư phạm để dạy đàn online.

Có thu nhập từ công việc theo cách linh hoạt về nơi ở này, Long lên kế hoạch bỏ phố về quê. Khoảng tháng 9/2021, ngay sau khi có chỉ thị về việc bỏ giãn cách xã hội, anh gọi luôn dịch vụ đến dọn đồ về quê hương của anh tại bãi biển Hải Hòa, Thanh Hóa. 

Long về sửa nhà cũ cho mẹ, làm thành nhà vườn, tự trồng rau, trồng cây, làm việc, theo đuổi lối sống tự cung tự cấp.

Anh nhận thấy bây giờ các vùng thị xã cũng phát triển chứ không hẻo lánh, ít dịch vụ như xưa. Anh cũng muốn cả gia đình “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ăn đúng, vận động đủ để ngăn ngừa các bệnh có thể xảy ra, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, tự chữa lành từ chế độ sinh hoạt hằng ngày.

“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi đã đưa vợ, con về sống ở một nơi gần núi, gần biển, có nhiều ion âm. Sống gần cây cối, đi chân trần trên cát, tự do vui chơi mỗi ngày đều có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Tôi muốn các con trước tiên phải có đủ sức khỏe rồi muốn học gì thì học sau” - Long chia sẻ. 

Sau khi đã tích lũy đủ tài chính, đầu năm 2023, Long quyết định thực hiện lối sống du mục - định nghĩa theo cách riêng của anh là “du” trong từ “chu du”, đi khắp mọi nơi để thưởng ngoạn, khám phá, kết hợp làm việc. Cứ 2 tháng 1 lần, gia đình Long sẽ đến sống tại một vùng đất mới mà anh chưa từng đặt chân đến, ưu tiên nơi đó có bạn bè, người quen cùng sở thích, mối quan tâm. Ba mẹ sẽ chơi với bạn bè của mình, lũ trẻ sẽ nô đùa trong thiên nhiên xanh tươi cùng nhau…

Dịp này, gia đình nhỏ đang ở tại nông trại của một người bạn ở Lâm Đồng. Tiếp sau, Long dự định sẽ đến Hòn Sơn, Kiên Giang. Để theo đuổi được cuộc sống mình muốn, Long phải kỷ luật từng phút để đảm bảo duy trì công việc dạy đàn, đọc sách, phát triển bản thân và chơi cùng các con. Bất cứ khi nào con muốn học, ba mẹ sẽ tôn trọng chứ hoàn toàn không bắt ép.

Cô gái nhỏ mới 1,5 tuổi cũng rất thích  di chuyển đây đó cùng ba mẹ
Cô gái nhỏ mới 1,5 tuổi cũng rất thích di chuyển đây đó cùng ba mẹ

Vợ đi học vẽ vào năm 27 tuổi 

Mới 30 tuổi nhưng Long đã có kinh nghiệm 17 năm sư phạm khi bắt đầu làm gia sư từ rất sớm. Ngày nhỏ chia sẻ miễn phí, sau đó trở thành công việc. Trong suốt 17 năm này, Long đã tiếp xúc với rất nhiều học sinh. Anh thường hỏi học trò: “Con ước mơ sau này làm gì?”, hầu hết đều trả lời: “Con không biết”. Khi anh hỏi thêm: “Con đam mê điều gì?”, câu trả lời nhiều nhất vẫn là: “Con không biết”. Rồi anh hỏi câu nữa: “Vậy con có tố chất ở mảng nào nhất?”, cũng chừng đấy học sinh đáp: “Con không biết”.

Rất nhiều trong số những học sinh này đều là học sinh xuất sắc, ngoan và giỏi. Nhưng khi được hỏi về điều gì làm nên niềm vui trong học tập của mình, các con đều không biết. Long cũng từng hỏi vợ mình về đam mê, tố chất nhưng Nguyễn Huyền My - người phụ nữ 27 tuổi, là mẹ của 2 đứa con - cũng không biết.

Chỉ đến khi anh hỏi: “Em đã bỏ lỡ ước mơ gì trong cuộc đời?”, My mới trả lời: “Hồi nhỏ em thích và được giải ba hội họa, nhưng mẹ em không cho em học vẽ, mẹ muốn em học thi vào ngành y, kế toán”. Long vận động vợ bắt đầu học vẽ trở lại, ở năm 27 tuổi, vì “bắt đầu muộn còn hơn quên đi ước mơ”.

Kiên nhẫn chờ ngày phát hiện tố chất của con

Từ câu chuyện của những em học sinh, của vợ và của chính bản thân mình khi từ một đứa trẻ hay buồn, tự ti, được khai phóng đúng khả năng để trở thành công dân tích cực, hữu ích. Long nhận ra điểm yếu trong nền giáo dục đồng nhất mọi đứa trẻ dưới một chương trình học. 

Anh muốn các con mình sẽ được tạo mọi điều kiện để tìm ra tố chất và được nâng đỡ, phát triển tối đa. Học khi muốn, học khi vui, lựa chọn môn học mình muốn thay vì ba mẹ ép buộc. Anh cho con dệt nên tuổi thơ bằng những trải nghiệm khám phá, sáng tạo mỗi ngày. Ba mẹ bình tĩnh đợi con cho đến một ngày con tìm ra được tố chất để khao khát bước vào, theo đuổi ước mơ.

Vậy nên với cô con gái An Nhiên, anh chia sẻ: “Trước năm 12 tuổi, con gái tôi biết đọc là được”. Anh không ép rằng bây giờ con đã 6 tuổi thì phải đọc, viết vanh vách như con nhà người ta. “Tôi nghĩ giáo dục như trồng cây. Nếu có hạt giống tốt là một lợi thế.

Bé An Nhiên (6 tuổi) đang có cuộc sống  như cái tên của mình
Bé An Nhiên (6 tuổi) đang có cuộc sống như cái tên của mình

Đứa trẻ là con mình thì hạt giống không thể thay đổi được. Nhưng mình có thể gieo hạt đó xuống một mảnh đất tốt, môi trường thuận hòa, được chăm sóc, tưới mát mỗi ngày. Môi trường con tiếp xúc, ngoài ba mẹ ra còn có láng giềng, ông bà, trường học, thiên nhiên… sẽ ảnh hưởng tới cái cây đó lớn lên như thế nào, phát triển tốt hay không” - Long chia sẻ.

Ngoài chọn môi trường cho con lớn lên, Long cũng lên lộ trình cụ thể về giáo dục khai phóng cho con. Trong đó, từ 1-6 tuổi, con được chơi tự do hoàn toàn. Từ 6-12 tuổi, con sẽ được chơi kết hợp tìm tòi, khám phá, gieo mầm học tập. Từ 12-18 tuổi, con được lựa chọn để thử sức gần hết các môn học, phát triển đa giác quan, đa loại hình trí thông minh với mục đích tìm ra tố chất và ước mơ.

Sau 18 tuổi, con sẽ được tạo điều kiện để đào sâu thành chuyên gia trong lĩnh vực phù hợp với mình. “Tất nhiên lộ trình trên chỉ là dự tính, có thể sẽ thay đổi, tương lai không nói trước điều gì, vẫn ở con tự định đoạt. Thành bại vẫn luôn có một nơi để trở về, chính là gia đình” - Long chia sẻ thêm.

Dù đi xa đến mấy, gia đình vẫn là nơi để trở về. Nên mỗi năm gia đình Long sẽ đi chu du trong 6 tháng và sau đó là về quê mẹ để có thể sống gần mẹ, để cùng vui vầy, chăm sóc mẹ. 

Cát Tường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI