Đuối vì người thân bám

23/07/2020 - 05:30

PNO - Do chị bao bọc người nhà, nỗ lực thay phần của họ trong việc vươn lên trong cuộc sống, nên giờ họ đi thụt lùi. Như cây tầm gửi ỷ lại việc hút nhờ chất dinh dưỡng từ cây to.

Tôi và chị thi thoảng vẫn gặp nhau trong những lần hội đồng hương người Việt hội ngộ. Chị là chủ một nhà hàng lớn đương ăn nên làm ra ở trời Tây. Chị xinh đẹp, giỏi giang, việc gia đình việc xã hội đều giải quyết đâu vào đấy. Người như chị lẽ ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng ở nơi chị vẫn chất chứa nhiều nỗi niềm.

Chúng tôi tâm sự nhiều mỗi lần có cơ hội hàn huyên. Hóa ra chị nặng gánh gia đình ở Việt Nam. Chị sang đây định cư từ những năm còn rất trẻ. Chuyến đi của chị, vô hình trung chuyên chở cả những hoài bão mong chờ, rồi sau này trở thành sự ỷ lại của người nhà ở Việt Nam.

Cứ dăm bữa nửa tháng, chị lại nhận những cuộc gọi của người thân nơi quê nhà. Riết rồi chị đâm sợ khi mỗi lần chuẩn bị bắt máy và nhìn cuộc gọi từ nơi đến. Bởi chị biết, những cuộc gọi đến ấy, không mang nặng tình cảm và sự quan tâm của người nhà nữa, mà trở thành những lời đề nghị thẳng băng về chuyện hỗ trợ tiền bạc.

Chị bỗng sợ những cuộc gọi từ quê nhà. Ảnh minh họa
Chị bỗng sợ những cuộc gọi từ quê nhà. Ảnh minh họa

Gia đình chị nơi quê nhà, bốn người đều ở tuổi trưởng thành, nhưng không ai chịu lao động. Đứa em gái kế chị, học hai trường cao đẳng đều bỏ dở giữa chừng. Khi đoạn đường phía trước bế tắc, nó đòi chị tìm cách để sang bằng được "miền đất hứa" theo cách mà người ở nhà vẫn tưởng tượng. Để rồi khi sang được đến đây, mọi sự vỡ mộng giữa thực tế phơi bày và trí tưởng tượng ban đầu của nó.

Khí hậu, văn hóa, thói quen ăn uống khác biệt khiến em chị không thể nào thích nghi. Bên cạnh đó, "tình yêu đầu đời" ở Việt Nam liên tục vẫy gọi quay về khiến em chị không trụ nổi ở đây trọn vẹn một năm. Vậy là chị mất một núi tiền của, cộng với sự lao lực cố gắng không ngừng để lo lót cho em.

Nhưng chưa dừng ở đó. Chị vẫn phải mệt mỏi dõi theo hành trình gây dựng cuộc sống của cô em đó, ngay cả khi em đã trở về quê nhà. Đó là những lần hai vợ chồng nó gây gổ nhau. Vợ công việc không ổn định, chồng nướng sạch tiền vào bài bạc. Em chị gọi điện sang khóc lóc, và chị ngầm hiểu kết thúc những than vãn đó là thông điệp gì kèm theo. Vậy là lại chuyển khoản, lại hỗ trợ.

Một hai lần đầu, chị còn thật thà chia sẻ mọi sự với người chồng Tây. Nhưng riết rồi, người đàn ông khác biệt văn hóa đó cảm thấy ngạc nhiên lẫn bực bội. Anh nói nếu cô không dừng lại việc bao bọc người nhà vô điều kiện, sẽ khiến họ không thể nào trưởng thành được. Chị đành giấu tiệt chồng những lần chuyển khoản cho các em sau đó, để tránh xung đột không đáng có.

Cậu em út của chị cũng không khá gì hơn. Cậu đang sống cùng ba má, nên ỷ lại việc chị hỗ trợ về cho ba má dưỡng già, cậu cũng được "hưởng ké". Buồn hơn nữa, giờ cậu phá gia chi tử, nhưng thủ thỉ thế nào để má chị nương theo con trai mà bênh vực, rồi dùng sức ép uy hiếp ngược lại chị. Không ít lần chị phải gửi số tiền lớn về nhà để "chuộc" cậu em ra khỏi vũng lầy tín dụng, xã hội đen.

Lần này chị quá mệt mỏi, muốn buông tay. Nhưng rồi má chị gọi sang khóc lóc, nếu chị không thương em cho trót, thì nó chỉ có đường chết. Xã hội đen giờ đang truy lùng nó. Nó bế tắc lắm rồi, đã hai lần tự tử nhưng không thành. Thôi thì tay đứt ruột xót, cả nhà có mỗi con thành công giỏi giang nhất, giờ trông chờ vào con cả.

Vậy là, nhờ chị nỗ lực và thành công hơn những đứa em khác, giờ chị có trách nhiệm phải bao bọc cả gia đình. Chị cười nhắc lại lời ông xã hồi hai người mới cưới nhau: "Vì em xung phong một lần rửa bát, giờ cả đời người khác phó thác cho em trách nhiệm đi rửa bát ấy".

Tôi ngạc nhiên nhìn chị. Lời ông xã của chị đúng, chứ không phải do khác biệt văn hóa mà anh ấy nghĩ vậy. Là do chị bao bọc người nhà, nỗ lực thay phần của họ trong việc vươn lên trong cuộc sống, nên giờ họ đi thụt lùi. Như cây tầm gửi ỷ lại việc hút nhờ chất dinh dưỡng từ cây to, nó không cần phải nỗ lực cắm sâu rễ vào lòng đất nữa.

Giờ việc của chị là tách khỏi những cây tầm gửi đó, để nó tự vươn lên, đấu tranh mà trưởng thành. Chị không có nghĩa vụ phải bao bọc người thân cả cuộc đời dài dằng dặc phía trước. Ai cũng khỏe mạnh trưởng thành cả. Ai giỏi giang thì lao động trí óc, nếu không được thế thì lao động chân tay, cũng không đến nỗi đói ăn ở thời buổi này. Cùng lắm để em trai chị ra đời chạy taxi, đâu tới mức bần hàn.

Còn việc em chị đem cái chết ra để dọa má, rồi má đánh động lại chị để khơi gợi lòng thương, cũng là "chiêu" của em nó cả. Tại nó nắm bắt được điểm yếu của chị, nên khai thác triệt để đó thôi. Hãy để em chị tự chịu trách nhiệm về cuộc đời nó, cũng là cơ hội để cậu em đó trưởng thành. Hai lần em "chết có chủ ý", để má biết mà gọi sang nhờ cậy chị đó thôi. Những người mong chờ ngồi chiếu bạc để đổi đời, họ tham sân si lắm, trong đó có cả sự tham sống nữa. Nên nếu chị cứng rắn mà buông tay, em chị sẽ sống mạnh mẽ hơn, chứ không chết đâu.

Tôi nắm tay chị: "Mồ hôi ở đâu cũng mặn như nhau cả. Hãy học cách sống cho mình, lo cho gia đình nhỏ ở đây nữa. Đừng để người thân nơi quê nhà ỷ lại, rồi sinh ra tâm lý chây lười, nha chị". Chị cười nhìn tôi, rằng chị sẽ cố gắng học cách buông tay để người thân trưởng thành. 

Minh Thuật

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hanh my 25-07-2020 10:42:00

    E cũng đau khổ vì người thân dính vô số đề, bao nhiêu tiền bạc đội nón ra đi. Thấy có người lạ là thấp thỏm không biết thêm khoản nợ từ trên trời ở đâu rớt xuống...! Đã 7 năm rồi , kiệt quệ kinh tế lẫn tinh thần, uy tín, lòng tin, bị lừa, giờ buông luôn, ko thể nào chấp nhận mình là cái Atm biết đi, hiện đang làm lại từ 2 bàn tay trắng nhưng tinh thần của e rất tốt. Chị cũng vậy nhé, tuy khó nhưng gáng dứt ra, vì mình ko cho họ tiền họ hận mình chứ ko bao giờ nghĩ tới mình lo cho họ bao nhiêu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI