Cẩn trọng, chính xác trong quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT 2025

04/07/2025 - 06:08

PNO - Trong 2 ngày 2 và 3/7, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - đã trực tiếp kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - Ảnh: Trang Thư
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - Ảnh: Trang Thư

Ghi nhận tinh thần chủ động, phối hợp chặt chẽ tại các hội đồng chấm thi, ông đánh giá cao sự chuẩn bị đồng bộ từ an ninh, thiết bị, nhân sự đến hậu cần. Tại các địa phương, hoạt động chấm thi diễn ra liên tục, không bị gián đoạn, bảo đảm đúng quy chế và an toàn tuyệt đối.

Tại các buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Không được ép tiến độ, đặc biệt là khâu chấm tự luận. Nếu vội vàng sẽ dễ dẫn đến sai sót, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của học sinh”. Ông đồng thời lưu ý các hội đồng thi phải thực hiện đúng quy trình làm phách, chấm trắc nghiệm và tự luận theo quy chế hiện hành. Việc nhập điểm cũng cần bảo đảm chính xác, đồng bộ giữa các bộ phận để hạn chế sai sót.

Trong bối cảnh chính quyền địa phương chuyển đổi theo mô hình mới, thứ trưởng yêu cầu tất cả địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “4 tại chỗ”: chỉ đạo tại chỗ, nhân lực tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - yêu cầu hội đồng chấm thi các tỉnh chủ động trao đổi với bộ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn phát sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. Quá trình chấm thi cần được thực hiện hết sức cẩn trọng, đặc biệt cần đảm bảo chính xác trong quy trình chấm bài thi của 2 chương trình phổ thông 2018 và 2006. Công tác nhập điểm, phúc khảo cũng phải chính xác, minh bạch.

Theo hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT, quy trình chấm thi và phúc khảo năm nay được triển khai theo 2 bước: Các địa phương thành lập ban chấm thi trên cơ sở đơn vị hành chính hiện hành, ưu tiên sử dụng nhân sự ổn định, tránh điều động, luân chuyển.

Trong trường hợp có thay đổi về chính quyền tỉnh, các ban thuộc hội đồng thi sẽ được kiện toàn ngay khi đơn vị hành chính mới bắt đầu hoạt động. Mô hình hội đồng thi sẽ gồm nhiều ban thư ký, ban làm phách, ban chấm thi và phúc khảo, tương ứng với số đơn vị hành chính cũ, bảo đảm không đứt gãy công tác chuyên môn. Bộ GD-ĐT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sát sao và kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc.

Trước đó, tại cuộc họp báo sau kỳ thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, các địa phương đều đã cam kết hoàn thành tốt công tác chấm thi. Thứ trưởng cũng chia sẻ: Chuyển trạng thái hành chính chắc chắn có tác động đến tâm lý, tình cảm. Nhưng chúng tôi đều lường trước và đã có văn bản hướng dẫn kỹ lưỡng. Tinh thần là làm công khai, minh bạch, vì học sinh cả nước. Dù ở tỉnh nào, các em cũng đều là học sinh của đất nước Việt Nam - như tinh thần của đề ngữ văn năm nay.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI