Đêm nhạc cổ điển Pháp của HBSO

04/07/2025 - 14:11

PNO - Tối 12/7, tại Nhà hát TPHCM (phường Sài Gòn), Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (HBSO) sẽ giới thiệu đến khán giả yêu nhạc cổ điển đêm nhạc “Dancing with the great French composers” với những tuyệt phẩm đến từ nước Pháp.

Đêm nhạc tiếp tục thể hiện nỗ lực của HBSO trong việc mang đến cho khán giả yêu nhạc cổ điển tại TPHCM những giá trị nghệ thuật tinh hoa của nhân loại.

Khám phá vẻ đẹp âm nhạc cổ điển Pháp

Đêm nhạc giới thiệu đến khán giả yêu nhạc cổ điển nói chung và yêu âm nhạc Pháp nói riêng chuỗi kiệt tác của các nhà soạn nhạc Pháp: Jean-Philippe Rameau (1683 – 1764), Léo Delibes (1836 – 1891), Adolphe Adam (1803 – 1856), Hector Berlioz (1803 – 1869), Henri Casadesus (1879 – 1947), Claude Debussy (1862 -1918), Maurice Ravel (1875 – 1937) Camille Saint-Saëns (1835 – 1921).

Mở đầu là đoạn trích từ Les Indes galantes – vở ballet héroïque, hình thức opera - ballet thịnh hành ở Pháp vào thế kỷ XVIII – được sáng tác bởi Jean-Philippe Rameau và phần libretto (soạn lời) của Louis Fuzelier. Tác phẩm bao gồm đoạn mở đầu ngụ ngôn và 4 màn chính lấy bối cảnh các nơi chốn xa lạ, nhưng được thống nhất xung quanh chủ đề tình yêu.

Nghệ sĩ Phạm Vũ Thiên Bảo bắt đầu diễn tấu từ tác phẩm La Paix from ballet La Coppélia, Màn III của Léo Delibes
Nghệ sĩ Phạm Vũ Thiên Bảo bắt đầu diễn tấu từ tác phẩm La Paix, trích ballet La Coppélia của Léo Delibes - Ảnh: HBSO

Đêm nhạc cũng giới thiệu tác phẩm La Paix từ vở ballet La Coppélia – tác phẩm nổi tiếng nhất của Léo Delibes. Các chuyên gia nhận định âm nhạc trong La Coppélia là sợi dây chuyển tiếp giữa 2 thời kỳ lịch sử vĩ đại trong âm nhạc cổ điển, đó là: phong cách lãng mạn Pháp và phong cách cổ điển Nga.

Nối tiếp là Pas de deux – trích vở ballet được yêu thích nhất mọi thời đại là Giselle của Adolphe Adam.

Kết thúc phần 1 đêm nhạc là Serenade of an Abruzzo mountaineer – chương 3 của giao hưởng Harold in Italy của Berlioz và bản Viola Concerto được sáng tác theo phong cách Johann Christian Bach của Henri Casadesus.

Phần 2 của đêm nhạc mang đến: kiệt tác giao hưởng thơ (symphonic poem) Prélude à l’après-midi d’un Faune (Khúc dạo đầu cho buổi trưa của thần rừng) của Claude Debussy, được đánh giá là mang tính cách mạng trong sự phát triển âm nhạc cổ điển. Cùng 2 tác phẩm được phối khí tinh tế và khá phức tạp là Boléro của Maurice Ravel và giao hưởng thơ Danse Macbre nổi tiếng của Camille Saint-Saëns...

Khách mời đặc biệt của đêm nhạc

Chương trình có sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ viola hàng đầu Việt Nam – Phạm Vũ Thiên Bảo. Anh bắt đầu theo đuổi niềm đam mê với âm nhạc cổ điển tại Đồng Nai và sau đó là Nhạc Viện TPHCM dưới sự hướng dẫn của phó giáo sư, nhạc sĩ, nhà giáo nhân dân Hoàng Cương, nguyên giám đốc Nhạc viện TPHCM.

Năm 2003, được giáo sư Marivon Le Dizes phát hiện, bảo trợ và định hướng, Thiên Bảo bắt đầu du học tại Pháp. Tháng 7/2013, Thiên Bảo tốt nghiệp đứng đầu bộ môn Viola ở bậc Cao học dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Gerard Causse và Isabelle Lequien.

Sau đó anh tiếp tục học lên bậc Diplome Artist Interpret (bậc học tương đương với Tiến sĩ Biểu diễn Âm nhạc) tại Nhạc viện Quốc Gia Paris. Anh đã nhận các giải thưởng của Académie Val d'Isère, Hội nghệ thuật Meyer và Hội nghệ thuật Krigelstel.

nhạc trưởng Darrell Ang
Nhạc trưởng Darrell Ang là khách mời đặc biệt của đêm nhạc cổ điển Pháp - Ảnh: HBSO

Dàn dựng và chỉ huy đêm nhạc là nhạc trưởng Darrell Ang, đến từ Singapore. Darrell Ang bắt đầu sự nghiệp âm nhạc cổ điển của mình khi mới 4 tuổi với các nhạc cụ violin, bassoon và piano.

Sau khi học sáng tác với Leong Yoon-Pin tại Singapore, anh tiếp tục học chỉ huy tại Nga. Anh cũng là nghiên cứu sinh ngành Chỉ huy âm nhạc đầu tiên tại trường Đại học Yale (Hoa Kỳ).

Darrell Ang từng giành giải thưởng lớn tại Cuộc thi Nhạc trưởng Besançon; được cố vấn chỉ huy bởi nhiều nhạc trưởng danh tiếng, như Valery Gergiev, Esa-Pekka Salonen, Lorin Maazel…

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI