'Truyền thuyết' về ngôi nhà

27/03/2019 - 18:00

PNO - Bao nhiêu truyền thuyết đã trấn giữ tuổi thơ của những đứa con, đã bảo bọc niềm an tâm của một gia đình, đã đồng hành với nỗi lo toan vô bờ với “gia đạo” của một người mẹ.

Mẹ bán nhà ở quê để chuyển hẳn vào Sài Gòn. Cả nhà đều mừng vì cuối cùng mẹ cũng chịu thu xếp để đoàn tụ với các con. Chỉ có dâu út là bần thần. Ngôi nhà ba gian trên mảnh đất rộng ngay bên huyện lộ, là nơi chồng lớn lên. Vườn ổi bên nhà đó, là “điểm hấp dẫn” đầu tiên của thằng con trai 15 tuổi. Chỉ vì cái vườn ổi mà đám con gái cùng khối lớp Chín hồi đó cứ nhất nhất về nhà Thịnh mỗi lần cần học nhóm. Trong đó có đứa con gái ban đầu vì mê... vườn ổi mà thân thiết rồi trở thành dâu út của gia đình.

'Truyen thuyet' ve ngoi nha

Đồ đạc của mẹ đã được chuyển bằng xe tải vào Sài Gòn, chỉ để lại vài món cần thiết dùng trong thời gian mẹ ở lại giải quyết vài việc. Chiếc xe tải chở những vật dụng thân quen vừa đỗ xịch trước căn nhà phố mẹ mới mua. Trong lúc cùng mấy anh chị em rộn ràng xếp đặt thì dâu út lại nôn nao muốn về thăm nhà cũ. Việc xếp đặt nhà mới của mẹ hoàn tất, dâu út nằng nặc đòi “về nhà”. 

Hai đứa vượt 1.000 cây số về quê như mọi lần, chỉ khác là lần này là lần cuối được chạy vào ngôi nhà như một đứa con. Ngôi nhà trống trơn, quạnh quẽ. Căn bếp cũng đìu hiu dù mẹ vẫn nấu nướng. Nhà trống trải thế này, ba mẹ con lại nhàn rỗi thế kia khi mùa hè đang lấp ló đâu đó ngoài vườn ổi, những “truyền thuyết” về một căn nhà lại trỗi dậy mạnh mẽ.

“Truyền thuyết” được đánh thức ngay khi mẹ dặn: “Ra vườn hái ổi vô ăn đi con, nhưng hái vừa ăn thôi. Ngày mai, chủ mới xuống cúng đất, vườn cây sai quả thì mới tốt cho họ”. À, gia chủ của ngôi nhà vườn ở quê xưa kia thường thấy yên tâm, tự hào khi cây trái trong vườn sai quả. Hồi đó, mẹ không bán buôn gì mấy loại trái trong vườn, nhưng hễ năm nào sâu rầy nhiều, vườn cây hư hại là mẹ lại buồn rầu. Có năm, bé lớn của chị Hai bệnh nặng phải nằm viện. Mẹ vào viện thăm cháu xong mới bần thần tiết lộ: “Hồi đầu năm, vườn ổi ra một đợt rồi bị gì mà rụng tơi tả không đậu lại trái nào là mẹ đã lo rồi”. Dĩ nhiên, mấy chị em đều bác bỏ “truyền thuyết” này của mẹ. Thế nhưng lần này, cái “truyền thuyết” tưởng đã được khước từ đó lại khiến con trai út chùn chân: “Thôi mình ra hái một trái ổi giao lưu, chia tay vườn rồi còn để lộc lá lại vui với chủ mới”. 

'Truyen thuyet' ve ngoi nha
 

Vì mai là ngày tốt mà người chủ mới xuống cúng đất nên dù thủ tục mua bán chưa hoàn tất, mẹ vẫn có trách nhiệm giúp họ “xác lập chủ quyền về mặt tâm linh”. Ngay buổi chiều trước đó, mẹ đã bày biện mâm cơm cúng, “xin phép tổ tiên” dời tư gia cùng nơi thờ tự vào thành phố. Mẹ dọn bàn thờ. Những món đồ thờ không còn sử dụng, mẹ để trang trọng trên chiếc bàn rồi kêu hai vợ chồng con út lên nói: “Mấy món này mẹ không mang theo nhưng vì là đồ thờ nên mình phải trân trọng. Hai đứa giúp mẹ mang lên nghĩa trang đặt trước mộ ba, nhờ ba giữ giùm mẹ nhé!”.

Trong nghĩa trang rộng lớn và vắng lặng giữa núi đồi trung du, vợ tỉ mẩn xếp đặt mấy món đồ thờ cũ lên trước mộ ba, còn chồng đốt nhang. Trong lúc khấn, anh còn nói đùa với ba dăm câu. Giọng đùa pha lẫn cái nghiêm nghị dù anh cố nói vui cái chuyện “cáo lỗi với ba vì cuộc sống tha hương nên đành khiến mẹ phải rời quê”. Lúc này, con dâu út - người mới nhất trong mối gắn bó với gia đình này chợt thấy “linh hồn” của ngôi nhà đã thực sự nằm trong tâm tưởng của từng thành viên, thấy không còn quá nặng nề tiếc nuối ngôi nhà sắp phải rời đi kia nữa.

Buổi tối, mẹ dặn sáng mai dậy sớm đặng phụ người chủ mới cúng đất. Đêm đó, dâu út chỉ ngủ được đến nửa đêm là tỉnh. Cảm giác đang nằm giữa ngôi nhà trống huơ, những xúc động khi đứng giữa nghĩa trang ban chiều sao lúc này lại thấy hơi… rùng rợn. Bức bách quá, cô bèn kêu chồng dậy, vờ đòi… đi vệ sinh. Anh trai út vừa tỉnh, nghe vợ “tâm sự” xong lại còn thì thào: “Ờ, em cẩn thận đấy, chiều nay mẹ cúng tiễn ông bà đi rồi, ông thần ngõ chắc cũng đi vô Sài Gòn, nhà giờ không còn phe thiện để bảo vệ mình đâu. Mình phải tự thiện lành lấy”. Dâu út vừa sợ vừa ức, đấm thùm thụp vào chồng. Anh chồng vừa cười vừa la oai oái: “Đấy, phải thiện lành chứ”. Đến lúc nhận ra mình đùa dại, anh mới quay sang dỗ dành: “Thôi vợ ráng ngủ đi, đến mai là lại có… ông thần ngõ mới đến rồi”.

Người chủ nhà mới “mang ông thần ngõ mới” xuống từ tờ mờ sáng. Cúng kiếng đơn giản xong, ông thưa chuyện với mẹ: “Năm nay, vợ chồng tôi chỉ còn ngày này là tốt nên tôi xin phép được động thổ trên mảnh đất này luôn. Lát nữa, dọn dẹp xong tôi sẽ ra cuốc một nhát đất, và đốn một cây ổi xem như lễ động thổ. Đợi đến lúc thủ tục bán nhà hoàn tất, đổi được tên trên sổ đỏ và chị dọn đi hẳn rồi, tôi mới thi công trên đất này”. Mẹ lịch sự gật đầu, nhưng vẻ mặt bần thần. Phụ dọn dẹp xong, mẹ mới đến thưa chuyện, giọng nghiêm cẩn: “Nếu chú định xây cất trên mảnh vườn thì đành đốn bỏ hết mấy cây ổi đi vậy. Nhưng vườn nhà tôi trồng lâu lắm rồi, lúc nhà tôi mất, mẹ con tôi cũng để tang cho từng cây cối trong vườn. Hơn nữa, người ta nói cây cối có rất nhiều linh hồn trú ngụ. Tôi an trú ở đây lâu nên chịu ơn mọi linh hồn ở đây. Vậy nên tôi xin phép được tự tay thắp một nén nhang như một lời xin phép chúng, trước khi chú đốn bỏ”.

Mẹ trầm ngâm như đang thầm khấn gì đó với những cây cối vô tri. Ôi biết bao nhiêu truyền thuyết kỳ lạ mà cũng phi lý xung quanh một căn nhà cũ! Bao nhiêu truyền thuyết đã trấn giữ tuổi thơ của những đứa con, đã bảo bọc niềm an tâm của một gia đình, đã đồng hành với nỗi lo toan vô bờ với “gia đạo” của một người mẹ. Đó có lẽ cũng là một phần sức mạnh tâm linh, một lực hút tinh thần đã làm nên cái vững chãi của một căn nhà xưa - khiến mọi đứa trẻ giỏi giang, cứng cỏi đều muốn “về nhà” mỗi lúc mệt lòng. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI