Dự đoán những bước đi ngoại giao của ông Joe Biden

24/11/2020 - 09:41

PNO - Tổng thống Donald Trump để lại cho Tổng thống đắc cử Joe Biden một viễn cảnh khó khăn trong quan hệ của Mỹ với nhiều nước. Dù vậy, ông Biden vẫn có thể nhanh chóng cải thiện hình ảnh và chính sách ngoại giao của Mỹ.

Ông Joe Biden đứng trước một bối cảnh đầy thách thức với nhiều quốc gia thù địch từ phương châm “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump. Ông Biden cũng có thể gặp khó khăn trong việc đối phó với các chính phủ đã hy vọng ông Donald Trump tái đắc cử - đặc biệt là Israel và Ả Rập Saudi, những quốc gia có mối ác cảm sâu sắc với Iran. Mặc dù vậy, kinh nghiệm của ông Biden với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và là phó tổng thống trong chính quyền Obama sẽ giúp ông dễ dàng giải quyết các vấn đề quốc tế theo hướng có lợi cho mình.

Bước đi cẩn trọng đối với khu vực trung đông?

Ông Biden tuyên bố sẽ đảo ngược “thất bại nguy hiểm” trong chính sách với Iran của ông Donald Trump là từ chối thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và thay thế bằng việc thắt chặt các lệnh trừng phạt, gây ra thiệt hại kinh tế sâu sắc ở Iran, khiến Mỹ bị cô lập tại Liên Hiệp Quốc. Ông Biden đề nghị tái gia nhập thỏa thuận hạn chế khả năng hạt nhân của Iran nếu Tehran tuân thủ các điều khoản của mình và cam kết đàm phán thêm. Ông cũng cam kết hủy bỏ ngay lệnh của Tổng thống Trump cấm đi lại đối với Iran và một số quốc gia theo đạo Hồi khác.

Chính sách Iran của ông Biden có thể khiến Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu - không vừa ý. Dưới thời Tổng thống Trump, Israel đã tăng cường quan hệ với các nước Ả Rập vùng Vịnh, đặc biệt là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain. Mặt khác, cách ông Biden kiểm soát quan hệ với Ả Rập Saudi - vốn coi Iran là kẻ thù - cũng là một thách thức chưa có câu trả lời.

Sửa chữa quan hệ với châu Âu và điều hướng brexit

Trong khi Tổng thống Trump thường xuyên chê bai Liên minh châu Âu và khuyến khích mạnh mẽ việc Anh rút khỏi khối EU, ông Biden bày tỏ quan điểm ngược lại.

Việc “lên ngôi” của ông Biden có thể khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson khó xử khi nước này mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ trước khi chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu. Ông Biden có thể không vội vàng để hoàn thành một thỏa thuận như vậy. Mặt khác, trong khi nhiều người châu Âu vui mừng trước sự ra đi của ông Donald Trump, những thiệt hại về đối ngoại trong bốn năm qua đối với uy tín của Mỹ sẽ không dễ dàng bị xóa bỏ.

Đối mặt với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên

Ông Donald Trump đã mô tả tình bạn của ông sau ba cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một thành công trong việc ngăn chặn chiến tranh với đất nước vũ trang hạt nhân. Nhưng những người chỉ trích nói rằng, cách tiếp cận của ông Trump không chỉ không thuyết phục được ông Kim từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa mà còn khiến ông Kim có thời gian để củng cố chúng. 

Ngược lại, ông Biden khẳng định, ông sẽ thúc đẩy phi hạt nhân hóa, dù không nói rõ ông sẽ đối phó như thế nào với sự hiếu chiến của Triều Tiên.

Cách tiếp cận có thể cứng rắn hơn với Nga 
Ông Biden từ lâu đã khẳng định rằng, ông sẽ có quan điểm cứng rắn hơn với Nga so với ông Donald Trump - người đặt câu hỏi về tính hữu dụng của NATO, nghi ngờ những cảnh báo tình báo về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Ông Biden - với tư cách là phó tổng thống từng thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chống lại Nga về việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 - có thể tìm cách gia hạn các lệnh trừng phạt hiện có và thực hiện các bước trừng phạt khác.

Trong khi căng thẳng với Nga dự kiến sẽ gia tăng, kiểm soát vũ khí là một lĩnh vực mà ông Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin có chung mong muốn tiến bộ. Ông Biden sẽ tuyên thệ trước khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới 2010 dự kiến ​​hết hạn và từng nói rằng, ông muốn đàm phán gia hạn hiệp ước mà không cần điều kiện tiên quyết.

Trở lại Hiệp định khí hậu và các cam kết quốc tế

Ông Biden cho biết, một trong những hành động đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống là sẽ tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu mà Mỹ đã chính thức rời bỏ dưới thời Tổng thống Trump hôm 4/11. Ông Biden cũng cho biết, ông sẽ khôi phục tư cách thành viên của Mỹ ở Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ông Biden cũng cam kết xóa bỏ các hạn chế nhập cư của ông Trump, ngừng xây dựng bức tường biên giới với Mexico, mở rộng nguồn lực cho người nhập cư và mở ra con đường trở thành công dân cho những người sống ở Mỹ bất hợp pháp. 

Linh La (theo NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI