Dù anh phải ngồi xe lăn...

31/03/2021 - 11:54

PNO - Biết chồng buồn, về nhà chị Yến an ủi: “Thôi ba nó đừng buồn. Của đi thay người. Mà biết đâu kẻ giựt vé đó nó còn khổ hơn mình”.

Đã tám năm qua, anh Mai Văn Thành (40 tuổi, trú thôn Trường Lưu, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) gắn bó với chiếc xe lăn trên khắp nẻo đường gió bụi bán vé số.

Vợ anh, chị Huỳnh Thị Yến 36 tuổi, chuyên cần với công việc may bao trong một doanh nghiệp nước ngoài gần nhà. Mỗi chiều muộn, chị Yến lại lo lắng điện thoại hỏi chồng đang ở đâu và vô cùng mừng rỡ khi thấy chiếc xe lắc tay có mái che lộc cộc lăn bánh về trước cổng. 

Lấy khăn ướt lau mặt cho chồng rồi chị bế anh đặt lên võng. Cô con gái sà xuống, nắn bóp tay cho ba, ríu rít hỏi chuyện vé số bữa nay ra sao. Anh Thành lấy trong chiếc túi nhỏ đeo bên mình, xổ tiền ra đếm. “Bữa nay nắng quá, nên ế. Được có một trăm hai, má Yến à!”. 

Chị Yến chải lại mái tóc cho chồng, khuyên. “Trời nắng quá ba Thành nghỉ ít bữa, bệnh thì khổ!”. Anh lắc đầu, nắng mà ăn nhằm gì. Nghỉ ngày nào mất tiền trăm ngày đó. Anh muốn kiếm nhiều tiền để phụ vợ nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống. 

Anh Thành trước kia là thợ hồ giỏi. Đầu năm 2013, tai nạn xảy ra, giàn giáo gãy, anh ngã xuống đất, bị chấn thương cột sống, dẫn đến liệt hai chân. 

Từ một người cao lớn, khỏe mạnh trở thành người tàn phế, anh sốc nặng. Suốt ngày nằm trên võng, chờ vợ con phục vụ từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân, anh thấy mình đang trở thành gánh nặng cho gia đình. Anh tự hỏi: “Chẳng lẽ mình nằm mãi thế này cho đến chết?”. Chừng ba tháng sau, anh lăn xuống võng, tập đi bằng hai tay. 

Cách di chuyển của anh trông rất thương. Anh ngồi bệt, chống hai tay lết về phía sau, kéo theo hai cẳng chân mềm oặt. Bằng cách đó, anh lết ra sàn nước giặt đồ, rửa chén. Chị Yến về, thấy chồng lê lết quanh nhà, không nỡ không cho anh làm. Anh năn nỉ vợ, đừng để anh nằm hoài buồn lắm. 

Không buồn sao được, khi đang là trụ cột gia đình, nay trở nên tàn phế, tất cả trông chờ đồng lương của vợ, mà lương chị cũng chỉ hơn năm triệu đồng một tháng, chị phải tăng ca để thêm thu nhập. Anh Thành tâm sự, hên là lúc chưa bị liệt, anh làm ra tiền, xây cất nhà cửa cho vợ con đàng hoàng, chứ không biết bao giờ có nhà. 

Anh ngồi tính, với hiện trạng sức khỏe bản thân, giờ chỉ có đi bán vé số là phù hợp. Anh ước ao đủ tiền mua một chiếc xe lắc. Sau khi một bài phản ánh về ước mơ nhỏ bé đó đăng trên Báo Tây Ninh, có hai Mạnh Thường Quân đem tặng xe cho anh. Anh chỉ nhận một chiếc, chiếc còn lại nhường cho người khác cũng liệt như mình. 

Có xe, anh tập điều khiển quanh sân nhà, rồi men ra đường xóm, mất cả tuần mới dám đi ra đường lớn. Hồi làm nghề xây cất, bắc điện nước đã quen, giờ chạy đi bán vé số anh thấy ái ngại thậm chí xấu hổ. Nhưng rồi nghĩ đến vợ con, anh gạt qua hết tất cả.

Sức khỏe anh chưa hồi phục, cánh tay vạm vỡ tuổi trung niên rã rời sau mỗi ngày lắc tay đẩy xe chạy hàng chục cây số, cho đến khi tấm vé cuối cùng được bán. Chị Yến thương chồng, mỗi đêm đều bóp rượu thuốc, nấu đồ ăn bổ dưỡng cho anh. Chị không muốn chồng dầm mưa dãi nắng, nhưng chị biết, chỉ có như vậy anh mới thấy an lòng.

Mỗi tháng nhận hơn hai triệu đồng tiền bán vé số của anh, chị rưng rưng nước mắt. Khi anh đi xe lăn ra đường, nỗi sợ lớn nhất của chị là lo anh va chạm với xe máy, ô tô. Chị luôn dặn anh đi chậm thôi, nhớ đi bên phải và đừng vượt ẩu, anh chỉ cười: “Má nó coi tui như trẻ mẫu giáo”. 

Vậy mà tai nạn lại đến từ phía khác. Đó là tai nạn nghề nghiệp, khi vài lần anh bị kẻ xấu cướp giật. Chúng vờ hỏi mua vé số, anh đưa cả xấp vé để lựa. Cầm xấp vé rồi, chúng dông xe chạy mất. Anh không la hét, cũng không làm sao đuổi kịp, chỉ nhìn theo, uất ức.

Biết chồng buồn, về nhà chị Yến an ủi: “Thôi ba nó đừng buồn. Của đi thay người. Mà biết đâu kẻ giựt vé đó nó còn khổ hơn mình”. 

Mấy năm nay, con gái đã lớn, học xong cấp III rồi đi làm phụ ba mẹ, kinh tế gia đình ổn định hơn. Tuy nhiên anh Thành vẫn gắn bó với chiếc xe lăn và xấp vé số.

“Vì tui ra ngoài, vừa vận động cho khỏe người, vừa vui vì được tiếp xúc với xã hội. Miễn hai mẹ con thương yêu tui là hạnh phúc rồi”. Có những lúc, hai mẹ con chị mỗi người một bên, ôm anh vào lòng, động viên. “Ba ráng giữ gìn sức khỏe. Dù có ra sao, gia đình mình vẫn bên nhau”. 

Phương Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI