Nỗi đau bị phản bội của mẹ

03/07/2025 - 12:07

PNO - Đàn bà, dù mạnh mẽ tới mấy cũng có một vết thương toang hoác, khó liền sẹo: đó là nỗi đau bị phản bội.

Anht mình họa - Freepik
Ảnh minh họa: Freepik

Gió thổi nhẹ, mớ tóc bạc trắng của mẹ rung rinh như mớ bông gòn khô bung nở trước gió. Ánh mắt mỏi mệt kéo lê qua mặt tôi, tưởng chừng đã hết sức: “Không có mẹ, ba sống làm sao!”.

Tôi nhìn mẹ, không nói thành lời, nghe như có ai đó đưa mình đến giữa ngã ba đường thênh thang. Mọi lý thuyết, bài học ngỡ thuộc lòng bỗng phút chốc không còn nhớ, không còn biết phải làm gì. Sao gần tôi đến thế, có những người đàn bà sống mà chỉ lo, sợ cho người khác không mảy may lo, sợ cho chính mình?

Đành rằng 50 năm vợ chồng, đã thành thân thuộc của nhau, nhưng không có nghĩa thời gian ấy là tấm kim bài miễn nhiễm với tất cả những nỗi phiền muộn đau lòng.

Đàn bà, dù mạnh mẽ tới mấy cũng có một vết thương toang hoác, khó liền sẹo, bất cứ lúc nào cũng có thể sưng tấy đau nhức: đó là nỗi đau bị phản bội.

Mẹ biết mình bị phản bội khi đã bước qua tuổi 70. Năm qua, tôi lặng lẽ quan sát mẹ. Cứ ngỡ như câu chuyện phủ bụi thời gian của 40 năm trước, đã quá lâu, quá cũ và hiện tại tuổi già sức yếu chỉ có thể làm mẹ đau, nhưng không thể quật ngã được mẹ. Nhưng tôi đã sai. Mẹ tôi hơn 70 tuổi, khi cơn bão táp hờn ghen kéo đến, phản ứng của bà vẫn không khác gì một người đàn bà trẻ. Khuôn mặt ủ ê rầu rĩ, toàn bộ sức lực ít ỏi của mẹ rơi xuống hết, trượt dài như một chiếc xe mất thắng. Bất cứ lúc nào, bất cứ ai dẫu không thân quen, ngồi với mẹ hơi lâu một chút là bao nhiêu đắng cay bóng gió, được tuôn ra như một dòng thác đen ngòm bất tận.

Thương mẹ, chị em chúng tôi nương khẽ, cố ngồi nghe, cố lựa lời an ủi. Nhưng lâu dần, chúng tôi cảm thấy mệt mỏi. Nhiều lần, tôi tự hỏi có phải mình không đủ thương để kiên nhẫn vỗ về mẹ trong nỗi đau? Hay là con người, bất luận là đang trải qua biến cố gì, cảm xúc của chính mình cũng chỉ một mình mình chịu. Ta phải gắng mà liệu toan gói ghém, không thể có ai sắp xếp dùm, hay dừng nhịp sống của họ vì ta. Khóc một lần có thể có người ngồi lau giúp, vết thương còn mới có thể có người giúp băng bó. Nhưng cứ khóc mãi, cứ bới móc vết thương cho nó chảy máu lở loét ra, làm gì có ai ngồi lại với mình?

Tôi hỏi mẹ, sao mẹ không thương mình, để mọi thứ lành đi thành sẹo mà phải ngày ngày nuôi lớn những cảm xúc độc hại, để nó khiến mẹ hắt hiu thê lương? Mẹ có con có cháu, mẹ vẫn có thể ngồi xe đến nhà cô con gái này, ngồi máy bay đến cô con gái kia. Mẹ còn có nhiều chị em, bạ bè sẵn sàng cùng mẹ nấu món ăn yêu thích, kể với nhau về những kỷ niệm ấu thơ… Tôi nói mẹ hãy rời khỏi nhà, đi khỏi con người mẹ “ghét cay ghét đắng” một thời gian.

“Không có mẹ, ba sống làm sao!” - Tôi nghe thương mẹ quá. Hóa ra bao cay đắng thốt ra từ miệng đàn bà chính là tín hiệu của một trái tim run rẩy, tan nát. Là tín hiệu của việc tha thiết cần sự vỗ về yêu thương từ người đàn ông của mình. Nhưng liệu họ có được đáp lại? Hay luôn cô độc trong hành trình yêu thương, hy sinh và cả vượt qua nỗi đau?

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI