Đòi mẹ sắm “lựu đạn”

26/02/2023 - 12:42

PNO - Cái con cần là điện thoại mà mẹ con suốt ngày cứ giảng đạo đức nên 2 mẹ con cứ “khắc khẩu” suốt.

Năm ngoái, con xin mua điện thoại thì mẹ con nói: “Con thích loại nào, mẹ sẽ cho con một nửa số tiền” nên con rút lui. Năm nay, con chỉ xin lập Zalo riêng để nói chuyện với bạn vì lớp con ai cũng có điện thoại, thậm chí các bạn còn mang đến lớp, giờ ra chơi toàn xem TikTok…

Mẹ con là giáo viên. Mẹ kể rằng ở các lớp mẹ dạy, giờ ra chơi, những học trò có điện thoại thường chơi với điện thoại của mình, vài bạn không có thì như bị cô lập, không biết làm gì ngoài gục xuống bàn ngủ. Mẹ con không muốn con mình rơi vào cảnh ấy nhưng cũng không muốn con dùng điện thoại sớm, rằng “ngày xưa, mẹ xin cái gì mà ông bà ngoại thấy không ổn chỉ cần truyền lệnh "không", khỏi giải thích và nương theo ý con cái”.

Cái con cần là điện thoại mà mẹ con suốt ngày cứ giảng đạo đức nên 2 mẹ con cứ “khắc khẩu” suốt.

Nam sinh 11 tuổi (Nam Định)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Đồng ý với cháu là trẻ vị thành niên cũng rất cần một chiếc điện thoại cầm tay như người trưởng thành. Những lợi lạc khi dùng điện thoại di động là… vô biên: có thể gọi/nhắn tin cho cha mẹ để biết con đang ở đâu/làm gì, nhất là khi thời khóa biểu thay đổi đột xuất, giúp phụ huynh yên tâm hơn khi biết được lịch trình của con; “gọi điện cho người thân” trong trường hợp khẩn cấp; truy cập internet - nguồn tài nguyên vô tận giúp tham khảo tài liệu học tập miễn phí, chủ động tìm kiếm các trang mạng để giải đáp những thắc mắc của bản thân; theo dõi các kênh YouTube bổ ích…

Học sinh nào có công nghệ hỗ trợ sẽ mở mang tri thức, không bị tụt hậu về công nghệ so với bạn bè đồng trang lứa.

Tuy nhiên, các cháu có thể kết nối với những trang web có nội dung không phù hợp như bạo lực, tình dục, chết chóc và có nguy cơ bị bắt nạt hội đồng qua những phát ngôn trên các trang mạng xã hội. Từng có những bạn trẻ trở thành nạn nhân của các vụ quấy rối trực tuyến, bị tẩy chay, làm nhục tập thể, dính bẫy bọn lừa đảo, buôn người… ngay cả khi ở trong nhà mình.

Nhiều học sinh bảo vệ chiếc điện thoại rất kỹ (xài mật khẩu, bảo mật 2 lớp, sắm vỏ bao chống sốc cho máy, dán kính cường lực, không cho bạn bè mượn) nhưng lại “bảo quản” thân thể và cảm xúc của mình rất sơ sài. Có nhà giáo dục đã ví chiếc điện thoại thông minh như 1 trái “lựu đạn” làm sát thương/chết người nếu người cầm nó không “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” và nắm vững các quy tắc an toàn.

Nhiều phụ huynh đã tự đẩy mình vào tình huống trớ trêu khi trót tặng điện thoại cho con. Một số học sinh được cha mẹ bố trí cho 1 góc hoặc 1 căn phòng để có chỗ học tập, sinh hoạt riêng tư, thuận tiện. Thế rồi bạn ấy ở lì trong phòng riêng, “đuổi” cha mẹ ra ngoài, đưa bạn vào phòng muốn làm gì thì làm vì “đó là phòng của con” khiến những ai chứng kiến phải “quan ngại sâu sắc” và rút kinh nghiệm.

Cháu nên trò chuyện với mẹ và có bản giao kèo: 

1. Con sẽ không đòi tặng/thưởng điện thoại mỗi khi đạt thành tích học tập hoặc sinh nhật… mà chỉ mượn của cha mẹ để phục vụ việc học. 

2. Chủ động đưa nội quy sử dụng cho phụ huynh “duyệt”: cha mẹ nên cài mật khẩu; có phần mềm chống “web đen” lọc nội dung từ những trang web không lành mạnh con truy cập; kiểm soát và giới hạn đối tượng con nói chuyện và nhắn tin; đặt giờ trên màn hình điện thoại nếu sợ con chưa tự giác.

-Con không tự ý tải các phần mềm và trò chơi về máy.

- Trước khi đi ngủ ít nhất nửa giờ, con sẽ nộp điện thoại. Cha mẹ hãy sạc pin ngoài phòng ngủ của con, kẻo con lén thức khuya chơi game, chat với bạn bè…

- Nếu con vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng (thời hạn cụ thể). Nếu tái phạm nhiều lần, cha mẹ “có quyền” tịch thu.

Nên nhớ “thanh niên nói được, làm được”, cháu hãy chứng minh cho cha mẹ và người thân thấy cách dùng điện thoại của mình.

Khi đã yên tâm, tin tưởng về thái độ và sự nghiêm túc của con, biết đâu gia đình cháu sẽ xét đến việc sắm điện thoại cho cháu mà không lo cháu sẽ biến nó thành trái… lựu đạn.

Bác sĩ HOA TIÊU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI