:

Diễn đàn “Hạnh phúc gia đình xây bằng gì?”: Thu nhập ổn, hạnh phúc mới ổn

04/06/2021 - 19:30

PNO - Có lẽ khó tìm công thức chung để xây dựng gia đình hạnh phúc, nhưng rất cần một bộ tiêu chí để mọi gia đình hướng tới, học hỏi, nhìn nhau mà sống...

Trong dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc của TPHCM, tôi tâm đắc với tiêu chí về điều kiện vật chất mà dự thảo ghi rõ: Các thành viên trong gia đình có việc làm; Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống...

Xây dựng một gia đình hạnh phúc chưa bao giờ là dễ dàng. Ngoài nền tảng là tình yêu, để vun đắp cho hôn nhân đòi hỏi người trong cuộc phải có kiến thức lẫn kinh nghiệm để lèo lái gia đình qua những giai đoạn khủng hoảng, nhạy cảm.

Trải qua 11 năm hôn nhân, tuy không phải là nhiều, nhưng tôi thường được yêu cầu chia sẻ bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình cho các đồng nghiệp trẻ, các cháu gái.

Xây dựng tài chính bền vững để đảm bảo hạnh phúc gia đình. Ảnh minh họa
Xây dựng tài chính bền vững để đảm bảo hạnh phúc gia đình (Ảnh minh họa)

Tôi thường khuyên các cháu gái đừng vội lấy chồng khi chưa có nghề nghiệp, một nguồn thu nhập ổn định trong tay. Dù mơ mộng đến đâu cũng phải khẳng định một thực tế, nếu kinh tế gia đình không bền vững thì khó có hạnh phúc. Khi yêu mọi thứ đều đẹp đẽ nhưng đến khi lấy nhau phải đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền mới nảy sinh nhiều vấn đề.

Vợ chồng chẳng thể tươi cười với nhau khi trong nhà hết gạo, tiền bỉm sữa của con không có, bao nhiêu thứ cần chi tiêu mà chưa biết "đào đâu ra". Nói như vậy không phải đặt nặng chuyện kinh tế, nhưng ít ra cả vợ chồng đều phải cố gắng làm việc để có một nguồn tài chính ổn định.

Chưa kể, việc lên kế hoạch chi tiêu cụ thể để thực hiện các kế hoạch mua nhà, sinh con, có một khoản tích lũy cũng là điều kiện cần để đảm bảo hạnh phúc gia đình. Trách nhiệm xây dựng kinh tế gia đình san sẻ cho cả vợ và chồng, đừng đặt nặng lên vai một người, sẽ dễ bị áp lực mệt mỏi.

Chồng tôi từng đề nghị tôi nghỉ việc ở nhà, do con chúng tôi hay đau ốm còn công việc kinh doanh của anh thuận lợi, có thể lo cho cả gia đình. Nhưng tôi không đồng ý, tôi thà thuê người giúp việc chứ nhất định không bỏ việc.

Đến giờ, tôi thấy đó là một quyết định sáng suốt vì chỉ hai năm sau, công việc của chồng gặp khó khăn, nếu tôi không đi làm chắc chắn gia đình đã rơi vào khủng hoảng.

Các chuyên gia từng nói, nếu vượt qua 5 năm đầu của cuộc hôn nhân thì hạnh phúc gia đình mới đảm bảo. Điều này cũng được chứng minh trong thực tế, khi mới kết hôn, người trong cuộc thường rơi vào tình trạng “vỡ mộng” về hôn nhân, thậm chí bị sốc khi bạn đời không như mình mong muốn. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là sự bao dung và trân trọng.

Vợ chồng sống với nhau, cãi vã mâu thuẫn là điều không tránh khỏi nhưng thay vì bi quan tiêu cực, cần có cái nhìn cởi mở hơn. Trước tiên, tôi nghĩ phải trân trọng hai chữ “vợ chồng”, trân trọng người bạn đời của mình.

Những lúc gặp sóng gió, chán nản, hãy nhớ đến lý do để đến với nhau, chẳng phải ta và người ấy từng yêu nhau nồng nàn đó sao. Đừng vội chia tay khi hôn nhân vẫn có thể sửa chữa và cứu vãn, bởi “nhân vô thập toàn”.

Gia đình nào rồi cũng sẽ phải trải những giai đoạn rất khó khăn như khi thất nghiệp, ốm đau, con cái nheo nhóc, mâu thuẫn trong sinh hoạt chung, khi bạn đời "say nắng"... nếu không có lòng bao dung, sẽ khó lòng vượt qua.

Giai đoạn khó khăn nhất của gia đình tôi rơi vào lúc tôi mới sinh con thứ hai. Khi ấy chồng tôi thất nghiệp. Ngoài việc thu nhập gia đình bị ảnh hưởng, tôi phải đối mặt với sự trái tính trái nết của chồng. Anh sẵn sàng gây sự bất cứ lúc nào vì chán nản, vì tự ái.

Tôi không kêu ca nửa lời, chỉ động viên chồng: “Ai cũng có lúc này lúc khác, tạm thời em vẫn lo được nên anh đừng nghĩ nhiều quá, nghỉ ngơi một thời gian rồi tính tiếp”.

Nhờ thế, chồng dần dần bình tâm, gây dựng lại cửa hàng, rồi mở rộng việc kinh doanh.

Gia đình hạnh phúc còn tác động, ảnh hưởng, liên quan tới nhiều mối quan hệ - Ảnh minh hoạ.
Gia đình hạnh phúc còn tác động, ảnh hưởng, liên quan tới nhiều mối quan hệ - Ảnh minh hoạ.

Tưởng chừng vun đắp hạnh phúc gia đình chỉ là câu chuyện của hai người nhưng thực tế nó chịu ảnh hưởng của vô số mối quan hệ phức tạp xung quanh. Có trường hợp, vợ chồng lục đục, thậm chí gia đình tan vỡ do mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu. Để cân bằng mối quan hệ này đòi hỏi người trong cuộc phải tỉnh táo, khéo léo để xử lý các tình huống.

Tôi có nguyên tắc riêng là không xen vào việc của nhà chồng, không gây xích mích mâu thuẫn với bất kỳ thành viên nào. Ba mẹ chồng có yêu cầu gì, tôi cũng cố gắng làm trong khả năng có thể, chuyện quà cáp, thăm hỏi, tôi xem đó là trách nhiệm phải làm, không đòi hỏi phải nhận lại. Đặc biệt, không bao giờ đem chuyện nhà kể trên Facebook hay tâm sự tùy tiện.

Tôi không trông đợi vào sự giúp đỡ của ông bà. Sinh hai đứa con, tôi thuê người chăm con chứ không nhờ ông bà chăm cháu để có thể chủ động công việc. Vợ chồng tôi cũng thống nhất khoản chi hiếu hỉ bên ngoại tôi lo, bên nội chồng lo, không phải hỏi han ý kiến gì. Nhờ vậy, vợ chồng tránh được mâu thuẫn nảy sinh từ mối quan hệ nội ngoại.

Có lẽ khó tìm ra công thức chung để xây dựng gia đình hạnh phúc, nhưng rất cần một bộ tiêu chí để mọi gia đình hướng tới, để học hỏi, nhìn nhau mà sống. Bởi vì gia đình chẳng phải là tế bào của xã hội đó hay sao? Nhiều gia đình hạnh phúc thì mới có cộng đồng dân cư hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc...

Thùy An (Q.9, TPHCM)

Dưới mái nhà của bạn, hạnh phúc được xây bằng những điều gì?

Hãy chia sẻ quan điểm, ý kiến, câu chuyện của bạn cùng Phụ Nữ Online về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của toà soạn theo quy định.

Dự thảo Tiêu chí gia đình hạnh phúc

TPHCM đang xây dựng các “Tiêu chí gia đình hạnh phúc” nhằm giúp người dân nhìn rõ hơn trách nhiệm của mình đối với gia đình, để cùng nhau xây đắp và tận hưởng định nghĩa: gia đình là thiên đường. 

Dự thảo gồm các nội dung:

1. Tiêu chí về ứng xử trong gia đình

- Các thành viên trong gia đình thực hiện nguyên tắc: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ - Gương mẫu.

- Các mối quan hệ ứng xử trong gia đình được đảm bảo:

+ Ứng xử vợ chồng: Nghĩa tình, yêu thương;

+ Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương;

+ Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép;

+ Ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

2. Tiêu chí về điều kiện vật chất

- Các thành viên trong gia đình có việc làm.

- Gia đình có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống.

- Có nơi ở/nhà ở đủ đáp ứng nhu cầu; Có các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.

3. Tiêu chí về điều kiện tinh thần

- Các thành viên trong gia đình thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng giữa các thành viên.

- Quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng;

- Gia đình được sum vầy, đoàn tụ;

- Các thành viên trong gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau;

- Có điều kiện để tham gia các không gian công cộng dành cho việc vui chơi giải trí;

- Quan hệ họ hàng, nội ngoại tốt; quan hệ láng giềng và cộng đồng tốt; quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tốt. 

4. Tiêu chí về giáo dục

- Các thành viên trong độ tuổi đi học được đến trường.

- Gia đình luôn đề cao việc học hành, nâng cao hiểu biết bản thân.

5. Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe

- Các thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

- Được khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi bệnh.

- Mỗi cặp vợ chồng có đủ hai con.

- Các thành viên tham gia rèn luyện thể dục, thể thao.

- Trẻ vị thành niên, thanh niên, công nhân, cặp đôi tiền hôn nhân tiếp cận thông tin, trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới trong gia đình.

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchuyennhavi /strCate=chuyennha

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh