Dịch sởi bùng phát mạnh trên thế giới do trẻ bị hoãn tiêm chủng trong đại dịch

28/04/2022 - 12:53

PNO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã cảnh báo về nguy cơ lây lan bệnh sởi ở trẻ em ngày càng gia tăng, với số ca mắc bệnh trên toàn cầu trong năm 2022 tăng gần 80% so với năm 2021.

“Gần 17.338 trường hợp mắc bệnh sởi đã được báo cáo trên toàn thế giới trong 2 tháng đầu năm 2022, so với 9.665 cùng kỳ năm 2021”, WHO và UNICEF cho biết trong một bản tin hôm 27/4,  và lưu ý rằng đã có 21 đợt bùng phát dịch sởi “lớn và gây rối loạn”, xảy ra nhiều nhất ở châu Phi và khu vực Đông Địa Trung Hải.

Theo WHO và UNICEF, 73 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi bị bỏ lỡ các mũi tiêm
Theo WHO và UNICEF, 73 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi bị bỏ lỡ các mũi tiêm do dịch COVID-19

“Sự gián đoạn các hoạt động do đại dịch, tình trạng mất cân đối ngày càng tăng trong việc phân phối vắc xin, cùng với việc chuyển hướng tập trung các nguồn lực cho tiêm ngừa COVID-19, đã khiến quá nhiều trẻ em không được tiêm ngừa đầy đủ theo định kỳ để tránh các loại bệnh vốn có thể phòng ngừa bằng vắc xin, trong đó có bệnh sởi. Khi các thành phố và quốc gia nới lỏng các biện pháp hạn chế do COVID-19 thì dịch sởi lại bùng phát nhiều hơn”, các tổ chức giải thích.

Bà Catherine Russell - Giám của đốc điều hành UNICEF - cũng cảnh báo rằng, việc quay lại các hoạt động xã hội nhiều hơn, sẽ khiến những nơi mà trẻ em không được tiêm chủng định kỳ đầy đủ đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo”, khi những loại dịch bệnh như sởi lây lan mạnh.

Theo ước tính WHO và UNICEF, 23 triệu trẻ em trên thế giới đã bỏ lỡ các đợt tiêm chủng định kỳ trong năm 2020. Các chiến dịch tiêm chủng cho trẻ nhỏ gần đây đã bị hoãn lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và các cuộc xung đột ở Ukraine, Ethiopia, Somalia và Afghanistan.

“Tính đến ngày 1/4/2022, có 57 chiến dịch tiêm ngừa các loại bệnh có thể phòng tránh bằng vắc xin ở 43 quốc gia đã được lên kế hoạch thực hiện từ giai đoạn đầu đại dịch vẫn còn bị hoãn, ảnh hưởng đến 203 triệu người, trong đó phần lớn là trẻ em. Trong số này, có 19 là các chiến dịch tiêm ngừa sởi, khiến 73 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi bị bỏ lỡ các mũi tiêm”, WHO và UNICEF cho biết.

Theo các tổ chức này, để có thể tránh dịch sởi, cần tiêm 2 liều vắc xin hiệu quả và an toàn với độ bao phủ 95% cho các đối tượng cần tiêm. Tuy nhiên, ở 5 quốc gia có số ca mắc bệnh sởi cao nhất trong năm ngoái, tỷ lệ bao phủ liều đầu tiên là dưới 70% vào năm 2020.

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã công bố dữ liệu cho thấy tỷ lệ tiêm vắc xin sởi ở học sinh mẫu giáo đã giảm xuống 93,6% trong năm học 2020-2021.

“Chúng tôi lo ngại rằng việc bỏ qua các đợt tiêm chủng định kỳ có thể khiến trẻ em dễ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được như sởi và ho gà, vốn rất dễ lây lan và có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, tiến sĩ Shannon Stokley - Phó giám đốc phụ trách Bộ phận Dịch vụ tiêm chủng của CDC - lên tiếng.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI