Đại dịch COVID-19 khiến bệnh sởi thêm tồi tệ

16/11/2020 - 06:58

PNO - Đại dịch COVID-19 có thể khiến các trường hợp mắc bệnh sởi đạt mức cao nhất trong 20 năm qua do gián đoạn tiêm chủng. Ngoài ra, chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng cảnh báo, đến năm 2021, nạn đói sẽ tồi tệ hơn.

Số người chết do bệnh sởi tăng 50% kể từ năm 2016, theo số liệu của WHO và CDC
Số người chết do bệnh sởi tăng 50% kể từ năm 2016, theo số liệu của WHO và CDC

Theo dữ liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2000-2016, số trường hợp mắc bệnh sởi đã giảm 84% nhưng từ năm 2016-2019, số trường hợp mắc bệnh tăng 556%, từ 132.490 lên 869.770. số người chết vì bệnh sởi tăng 50% kể từ năm 2016.

Năm 2019, số mắc bệnh sởi trên toàn thế giới đã tăng lên gần 900.000 ca, cao nhất trong hơn hai thập niên qua với ước tính khoảng 207.500 trường hợp tử vong. Điều này cho thấy tình trạng đáng báo động trên toàn cầu nhằm chống lại căn bệnh này.

“Mặc dù số trường hợp mắc bệnh sởi có thấp hơn trong năm 2020, nhưng những nỗ lực cần thiết để kiểm soát COVID-19 đã dẫn đến sự gián đoạn trong tiêm chủng và làm tê liệt các nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát bệnh sởi” - báo cáo của WHO nêu.

Các thống kê chỉ ra rằng, việc không tiêm chủng đúng lịch cho trẻ em là nguyên nhân chính làm gia tăng số ca mắc và tử vong. “Những dữ liệu này gửi một thông điệp rõ ràng rằng, chúng ta đang thất bại trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bệnh sởi ở mọi khu vực trên thế giới. Chúng ta phải chung tay để hỗ trợ các quốc gia tiếp cận vắc-xin sởi và ngăn chặn loại vi-rút chết người này” - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, nói.

Mặc dù theo các báo cáo, con số tử vong thấp hơn năm ngoái, nhưng các cơ quan y tế cảnh báo, hơn 94 triệu trẻ em trên toàn cầu vẫn có nguy cơ bỏ lỡ tiêm chủng do các chiến dịch tiêm chủng sởi bị tạm dừng vì vướng đại dịch COVID-19.

“Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, thế giới đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bệnh sởi, và nó vẫn chưa biến mất. Dù hiện tại, các hệ thống y tế đang căng thẳng bởi đại dịch COVID-19, chúng ta cũng không được để cuộc chiến chống lại một căn bệnh chết người này phải trả giá bằng cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người khác. Nghĩa là, phải đảm bảo có đủ nguồn lực để tiếp tục các chiến dịch tiêm chủng cho tất cả các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, ngay cả khi chúng ta phải giải quyết đại dịch COVID-19 đang gia tăng” - Henrietta Fore, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) - cho biết.

UNICEF và WHO ước tính, cần gấp 655 triệu USD để giải quyết những vấn đề trong tiêm chủng phòng bệnh sởi và bại liệt. 

Giám đốc WFP David Beasley cho biết, đại dịch COVID-19 đang tăng mạnh trở lại khiến các nền kinh tế tiếp tục xấu đi, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Điều này còn khiến số tiền cứu trợ năm 2021 sẽ không còn, dẫn đến nạn đói trên toàn thế giới sẽ tồi tệ hơn. “COVID-19 có thể đẩy thêm 130 triệu người “đến bờ vực của nạn đói” trong 3-6 tháng tới, nâng tổng số người chịu nạn đói lên 265 triệu người, nếu chúng ta không có đủ số tiền cần thiết”.

Ông Beasley cho biết, WFP cần 15 tỷ USD vào năm tới, trong đó 5 tỷ USD “chỉ để ngăn chặn nạn đói” và 10 tỷ USD để thực hiện các chương trình toàn cầu. 


Thảo Nguyễn (theo The Guardian, AP)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI