Dịch bệnh còn “hù” nhau làm gì?

10/09/2020 - 09:36

PNO - Chuyện không có gì to tát, nhưng khiến hai người bạn thân từ thuở thiếu thời đến giờ qua tuổi 60 bỗng giận nhau, rồi chặn nhau trên Facebook.

Số là một người bạn cứ mỗi cuối ngày lại đưa lên trang cá nhân con số người mất vì dịch COVID-19 kèm theo câu chia buồn. Chị không thích nhưng không bình luận gì. Mỗi khi gặp dòng trạng thái như vậy trên trang chủ, chị lướt qua nhanh. Tuy nhiên, thông tin cứ lặp lại nhiều ngày khiến chị cảm thấy khó chịu.

Ban đầu chị có ý định bỏ theo dõi bạn, nhưng rồi chị thấy cần phải viết gì đó để bạn không làm công việc này nữa. Chị nghĩ, những thông tin đó, bất kỳ ai đọc báo đều biết, việc lặp lại chỉ gây thêm hoang mang, lo lắng cho nhiều người và khiến gia đình người kém may mắn thêm đau lòng. Hơn nữa, chị cảm thấy bất nhẫn.

Vậy là chị bạn vào bình luận: “Đừng cập nhật những con số buồn bã này nữa, không có lợi ích gì mà chỉ gây lo lắng và thêm đau lòng”. Không hiểu chị kia nghĩ gì mà sau đó chặn Facebook của chị luôn.

Chị này mang câu chuyện chia sẻ với người bạn quen của cả hai, và nhận được câu an ủi thôi quên đi, băn khoăn cũng không giải quyết được gì. Mỗi người chơi "phây"  một kiểu, từ đó có thể đọc được phần nào suy nghĩ và tâm tính của họ. Có những người cứ thích đưa những thông tin tiêu cực, và họ rất hả hê khi có một sự cố gì đó xảy ra, nhất là những thông tin trái chiều. Với những người như vậy, tốt nhất là tránh đi, bỏ theo dõi, khỏi mích lòng.

Ai cũng biết, sự trở lại của con vi-rút lần này quá nguy hiểm, không ai có thể đoán đường nào để tránh, ngoài cách tự bảo vệ mình theo hướng dẫn của nhà chức trách.

Nghĩ về điều tích cực để tạo sự lạc quan cũng là liều thuốc chống dịch bệnh, còn động viên tinh thần những người đang sống trong vùng tâm dịch, những người ở tuyến đầu, truyền cảm hứng cho những người tình nguyện…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tất nhiên, bên trong mỗi người ai cũng có những lo lắng, bất an mà họ không nói ra. Việc theo dõi tin tức về dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông không chỉ để biết, mà còn là nhiệm vụ, từ đó có phương án bảo vệ cho mình, gia đình. Truyền thông là việc của những người có trách nhiệm, chia sẻ hình ảnh, tin tức tích cực là cách tốt nhất; nếu cần thiết chia sẻ những tin cấp bách có tính cảnh báo để mọi người đề phòng, hay có kế hoạch cho gia đình…

Tóm lại, tránh gây hoang mang là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Chia sẻ những con số tiêu cực không có lợi trong giai đoạn này.

Tất nhiên, đó chỉ là cách nghĩ của một người. Thế gian chín người mười ý. Ai cũng có tài khoản trên mạng xã hội, và họ có quyền cá nhân, miễn không vi phạm chính sách cộng đồng.

Tuy nhiên, có thể thấy một điều rằng, người tiêu cực nhìn đâu cũng thấy chuyện buồn, chuyện bất an, gây lo lắng; người tích cực thì có cái nhìn khác. Họ chọn những cái hay, cái đẹp trên thế giới ảo để chia sẻ. Nếu cứ sa vào những điều tủn mủn, vụn vặt, tiêu cực… thì quá nặng lòng, trong khi ai cũng mong muốn có tâm trạng nhẹ nhàng.

Không thể trách những người có suy nghĩ tiêu cực khi họ “thở” ra vấn đề gì cũng thấy nặng nề, bởi đó là cá tính và quyền của họ, nhưng chỉ mong sao trong giai đoạn này, ai nấy đều có năng lượng tốt để cùng vượt qua, bởi mọi người đều biết rất rõ rằng, tự buông xuôi chính là thất bại.

Thêm nữa, hãy nghĩ đến những người đang ở tuyến đầu, những bệnh nhân đang chống chọi từng ngày để giành sự sống trong trận chiến với COVID-19, những người đang tập trung cách ly với bao công việc dang dở, sốt ruột mong chờ từng ngày với kết quả “âm tính”. Vậy thì, chia sẻ làm gì những điều u ám?

Con người tham gia vào thế giới mạng vẫn phải đối diện với hai luồng thông tin tích cực và tiêu cực. Quan trọng là biết chọn lựa và bỏ theo dõi những điều khiến mình nặng nề. Và bản thân cũng phải tự nhủ bình tĩnh, tin tưởng vào trách nhiệm của nhà chức trách, tin tưởng mình đang sống trong vùng an toàn. Có như thế, mới hy vọng mau chóng được trở lại những ngày bình an như xưa. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI