ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Đừng đặt nặng quản lý nơi cư trú của công dân!

21/10/2020 - 10:26

PNO - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ quan điểm “thường trú và tạm trú không có ý nghĩa”, do đó, Dự Luật đừng đặt nặng quản lý cư trú của người dân.

Sáng 21/10, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật cư trú (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chia sẻ câu chuyện, tại Úc, những người già và nghỉ hưu ở Melbourne cứ đến mùa đông lại chuyển tới sống ở bang khác ấm áp hơn ở vùng gần xích đạo.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ quan điểm, vấn đề tạm trú, thường trú không có ý nghĩa!
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ quan điểm, vấn đề tạm trú, thường trú không có ý nghĩa!

Trong khi đó, Việt Nam là đất nước bốn mùa. Người dân hiện có nhu cầu làm ăn sinh sống tại nhiều địa phương. Một số người do bệnh tật chuyển từ bắc vào nam để tránh bệnh hô hấp, một số người cao tuổi lại sinh sống và nghỉ ngơi theo mùa…

“Vậy câu chuyện thường trú và tạm trú có ý nghĩa gì để giải quyết vấn đề này? Theo quan điểm của tôi, thường trú và tạm trú không có ý nghĩa theo quyền công dân”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.

Theo vị ĐBQH này, quản lý nơi cư trú là 1 trong những hoạt động, sử dụng để đảm bảo trong nguyên tắc thời chiến. Còn trong điều kiện hiện nay, cần phải đảm bảo cho quyền của công dân. “Luật này phải tập trung vào quyền hiến định là cư trú của cư dân, đừng đặt nặng quản lý nơi cư trú”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, ĐBQH Trần Văn Mão (Nghệ An) cũng đóng góp ý kiến vào điều 20 quy định điều kiện đăng ký tạm trú. Cụ thể, Dự luật quy định, công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ.

ĐB Mão đề nghị không quy định điều kiện người cho thuê phải có sự đồng ý của chủ nhà, người ở nhờ vì ảnh hưởng tới quyền công dân. “Khi cho mượn và ở nhờ thì tức là đã chấp nhận người thuê/ở nhờ sống lâu dài nên không thể cản trở quyền lợi ích hợp pháp của họ. Quy định này mâu thuẫn với nguyên tắc cư trú và quyền cư trú”, ĐB Mão phân tích.

Bên cạnh đó, Dự luật lấy ý kiến thêm hai phương án đối điều kiện với nhóm đối tượng mượn, thuê nhà. Phương án một là bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Phương án hai là đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 1 năm trở lên.

Nhiều ĐBQH bày tỏ ủng hộ với phương án 1 của dự thảo. Theo đó, mức diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mức tối thiểu 8m2 sàn/người hoặc cao hơn cũng được đưa thành chỉ tiêu phấn đấu của hầu hết các địa phương trong cả nước

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị quy định ngay trong Luật diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ mà không giao cho Hội đồng nhân dân quy định mức diện tích nhà ở tối thiểu cụ thể áp dụng ở từng địa phương để bảo đảm quyền cư trú của người dân được thực hiện đồng đều, thống nhất giữa các địa phương trên cả nước.

Minh Quang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI