Đại biểu Quốc hội nói gì đề xuất không tăng lương cơ sở năm 2021?

20/10/2020 - 18:39

PNO - Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh cho rằng, trong trường hợp nền kinh tế phục hồi tốt thì cần tăng lương cơ sở để kích cầu, tăng thêm nguồn lực.

 

ĐBQH Đỗ Văn Sinh cho rằng cân cân nhắc kỹ việc điều chỉnh lương cơ sở nếu nền kinh tế phục hồi tốt trong năm 2021
ĐBQH Đỗ Văn Sinh cho rằng cần cân nhắc việc điều chỉnh lương cơ sở nếu nền kinh tế phục hồi tốt trong năm 2021

Chiều 20/10, trình bày Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để tập trung nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở và chuẩn nghèo trong năm 2021. Đề xuất này đưa ra trong bối cảnh Chính phủ đã hoãn tăng lương cơ sở vào ngày 1/7/2020.

Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội về đề xuất của Chính phủ, ông Đỗ Văn Sinh -  Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Trị đưa ra hai tình huống:

Thứ nhất, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi nhanh, phụ thuộc vào tình hình dập dịch COVID-19 của Việt Nam và thế giới. “Nếu có vắc-xin, dập được dịch, nền kinh tế tăng trưởng thì có thể tăng lương vì tăng lương cũng chính là kích cầu, tăng thêm nguồn lực”, ông Sinh nói

Thứ hai, trong trường hợp dịch kéo dài thì đành phải “thắt lưng buộc bụng” vì nguồn thu tiếp tục khó khăn, các khoản chi cũng cần tăng, đặc biệt cho an sinh và phát triển kinh tế. 

Liên quan tới vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số các ý kiến đều cơ bản đồng tình với phương án của Chính phủ để tập trung nguồn lực phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc đối với người hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước, vì hầu hết đối tượng này có mức lương hưu rất thấp, tuổi đã cao.

Minh Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI