Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam: "Cử tri bức xúc sách giáo khoa tăng giá và dấu hiệu lợi ích nhóm"

20/10/2020 - 12:00

PNO - Sáng 20/10, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết đã tổng hợp được 3.365 ý kiến, kiến nghị.

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, bên cạnh ghi nhận nỗ lực của ngành giáo dục, chính quyền các cấp đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, cử tri và Nhân dân bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước.

Đặc biệt, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”, thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường.

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri bức xúc vì sách giáo khoa mới tăng giá và có dấu hiệu lợi ích nhóm
Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri bức xúc vì sách giáo khoa mới tăng giá và có dấu hiệu lợi ích nhóm

“Việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh diều gây ra nhiều phản ứng trong Nhân dân. Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Ngoài ra, cử tri và Nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp tục xảy ra ở một số nơi, yêu cầu cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn. 

Sách giáo khoa Cánh Diều
Sách Tiếng Việt lớp 1 - bộ Cánh diều gây nhiều phản ứng trong dư luận

Đánh giá cao những nỗ lực tích cực, hiệu quả của ngành y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 song cử tri cũng bức xúc về các hành vi lợi dụng chủ trương xã hội hóa để nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế công nhằm trục lợi, điển hình như vụ việc vi phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Liên quan tới vấn đề sản xuất, kinh doanh, nhiều ý kiến phản ánh việc triển khai nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch COVID-19 thời gian qua còn chậm. Một số nơi còn xảy ra thiếu sót và trùng đối tượng thụ hưởng. Việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động còn rất bất cập, hầu hết doanh nghiệp và nhiều người dân đến nay vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Có các giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não do virus, bạch hầu.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường đôn đốc, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai các dự án đầu tư, công trình trọng điểm quốc gia…

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục ngay những "lỗ hổng" về cơ chế xã hội hóa tại các cơ sở y tế công. 

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra đối với những lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, các dự án thua lỗ kéo dài, ngành Thanh tra và chính quyền các cấp tập trung thanh tra, kiểm tra giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai...

Thứ năm, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cán bộ; rà soát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI