Đấu tranh vì nghệ thuật xăm truyền thống

01/04/2022 - 06:44

PNO - Những hình xăm cổ truyền ẩn chứa ý nghĩa cá nhân quý giá với nhiều phụ nữ thổ dân. Giờ đây, họ đang nỗ lực hồi sinh truyền thống đặc biệt này.

Ngày nay vẫn tồn tại một khuôn mẫu định kiến có phần lạc hậu về việc xăm hình, nhất là ở nơi dễ nhận diện như gương mặt. Loạt nghiên cứu xã hội đương đại tại Mỹ đưa ra bằng chứng cho thấy người mang hình xăm thường bị đánh giá thấp, chịu đựng định kiến vô căn cứ trong công việc lẫn đời sống.

Bên trong những cộng đồng thổ dân thuộc khu vực Bắc Mỹ và Thái Bình Dương, một làn sóng đấu tranh đậm sắc màu nữ quyền đã nhen nhóm hình thành nhằm loại bỏ dần những tư tưởng lệch lạc đối với truyền thống xăm hình.     

Hình vẽ biểu trưng cho cội nguồn   

Người mẫu gốc thổ dân Quannah Chasinghorse trở thành ngôi sao ảnh bìa của tạp chí Vogue Mexico số tháng 5/2021 với hình xăm truyền thống trên gương mặt - ẢNH: VOGUE
Người mẫu gốc thổ dân Quannah Chasinghorse trở thành ngôi sao ảnh bìa của tạp chí Vogue Mexico số tháng 5/2021 với hình xăm truyền thống trên gương mặt - Ảnh: Vogue

 Stephanie Big Eagle lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống thổ dân. Cha mẹ cô xuất thân từ cộng đồng Sioux và Mohawk - hai tộc người bản địa nổi tiếng với dân số đông đúc ở Bắc Mỹ. Thế nhưng, vì hoàn cảnh gia đình, đến tuổi đôi mươi Big Eagle mới có cơ hội tìm hiểu nghiêm túc về văn hóa nguồn cội khi bước chân vào trường đại học.

“Càng tìm hiểu về lịch sử tổ tiên, tôi càng nhận ra vẫn còn quá nhiều điều bị cố tình quên lãng hoặc không được truyền tải đúng cách. Lịch sử về chúng tôi thậm chí không được chủ động giảng dạy cho thế hệ trẻ trong các bộ tộc hiện nay” - cô bày tỏ. 

Nỗi hụt hẫng về sau đã chuyển thành cảm hứng dẫn dắt Big Eagle xây dựng hoạt động đấu tranh thiết thực. Năm 2015, cùng một người bạn, cô đến thăm tộc người Maori ở New Zealand. Big Eagle lần đầu tiếp xúc với Tā moko, nghệ thuật xăm hình có nền tảng cổ xưa của dân cư bản địa nơi đây. 

“Với người Maori, hình xăm mang ý nghĩa cá nhân linh thiêng. Chúng giống như biểu tượng phản ánh chỗ đứng của một người - xuất thân và vị trí xã hội họ nắm giữ nơi cộng đồng thổ dân. Một số hình xăm đặc biệt đánh dấu các thành tựu, cống hiến họ đạt được trong đời. Với cộng đồng của tôi, dấu ấn hình xăm trên mặt còn mang giá trị tâm linh riêng biệt” - cô nói.

Ở hầu hết bộ tộc thổ dân khắp thế giới, những thiết kế hình xăm, tiêu biểu như trên gương mặt, ẩn chứa ý nghĩa bảo vệ và tôn vinh. Chuyến đi tới đảo quốc Thái Bình Dương đã thôi thúc Big Eagle đào sâu khám phá truyền thống xăm hình của chính bộ tộc cô. Trở về Mỹ, được hỗ trợ bởi một người bạn là nghệ sĩ xăm hình từ Los Angeles, cô bắt đầu học về nghệ thuật xăm handpoke (kỹ thuật xăm cổ điển, sử dụng dụng cụ hoàn toàn thủ công như bút gỗ, xương động vật... để sáng tạo hình vẽ).

Năm 2016, sau một cuộc hội ngộ đáng nhớ với cộng đồng người Sioux, Big Eagle quyết định tạo hình xăm đầu tiên trên gương mặt. Cô chính thức trở thành nghệ sĩ xăm handpoke. Tuy nhiên những hình vẽ đầy tự hào với Big Eagle lại khiến cô hứng chịu một số nhận xét, chỉ trích thiếu thiện cảm.       

Để tôn trọng những khác biệt

Nghệ sĩ xăm hình và nhà hoạt động xã hội Stephanie Big Eagle - ẢNH: USA TODAY
Nghệ sĩ xăm hình và nhà hoạt động xã hội Stephanie Big Eagle - Ảnh: USA Today

“Tôi thử giới thiệu các hình xăm biểu tượng của bộ tộc tôi trên mạng xã hội nhưng nhận được vài bình luận không hay. Thay vì tức giận đáp trả, cô cố gắng xóa đi sự khác biệt bằng cách chia sẻ nhiều hơn với công chúng về nghệ thuật xăm truyền thống. 

Thời gian gần đây, phụ nữ thuộc những tộc người thổ dân đã tạo nên không ít bước tiến đáng kể nhằm hồi sinh lẫn giải cứu nghệ thuật xăm truyền thống khỏi tư duy kỳ thị. Tháng 12 năm ngoái, nữ phóng viên Oriini Kaipara trở thành người dẫn chương trình truyền hình đầu tiên xuất hiện trên một kênh tin tức chính thống của New Zealand với hình xăm Maori cổ điển ở cằm.

Quannah Rose Chasinghorse, nữ người mẫu và nhà hoạt động xã hội 19 tuổi xuất thân từ cộng đồng Hän - thổ dân bản địa tại Canada, cũng gây ấn tượng đẹp khi có mặt trên bìa các tạp chí thời trang danh tiếng như Vogue và Elle với biểu tượng truyền thống Yidįįłtoo được xăm trên mặt.    

“Truyền thống xăm hình của nhiều cộng đồng thổ dân đã có từ rất lâu. Tôi nghĩ, bằng việc tái sinh những biểu tượng cổ truyền ấy, chúng ta có thể tạo ra một trào lưu mới đủ khả năng lan tỏa mạnh mẽ. Hẳn nhiên sẽ cần thêm thời gian để công chúng đón nhận tích cực hơn một nét truyền thống hãy còn tương đối lạ lẫm nhưng tôi tin khi bạn đã hiểu về ý nghĩa văn hóa đặc sắc của nghệ thuật xăm hình, bạn sẽ trân trọng lựa chọn mang hình xăm trên gương mặt của phụ nữ thổ dân” - nhà thiết kế thời trang và chuyên gia lịch sử học Martha Kyak thuộc tộc người Inuit (hiện sống tại khu vực Nunavut, miền Bắc Canada) - chia sẻ.

Nghệ thuật “phác họa” danh tính

Hình ảnh Chim sấm, loài chim linh thiêng biểu trưng cho phúc lành và sự chính trực trong văn hóa tín ngưỡng của người châu Mỹ bản địa, là một trong những hình xăm đầu tiên Big Eagle tự tạo trên tay - ẢNH: SOUTHSIDE TIMES
Hình ảnh Chim sấm, loài chim linh thiêng biểu trưng cho phúc lành và sự chính trực trong văn hóa tín ngưỡng của người châu Mỹ bản địa, là một trong những hình xăm đầu tiên Big Eagle tự tạo trên tay - Ảnh: Southside Times 

Với phụ nữ châu Mỹ bản địa, họa tiết được xăm trên mặt rất đa dạng, tùy vào mỗi cộng đồng dân cư. Ở khía cạnh lịch sử, phần lớn hình vẽ đóng vai trò ký hiệu biểu thị các đặc trưng nổi bật như truyền thống gia đình, địa vị xã hội, niềm tin tôn giáo cùng một số sự kiện trọng đại họ trải qua trong đời.

Đáng tiếc, giữa kỷ nguyên hiện đại, truyền thống xăm hình đã gần như biến mất; tương tự nhiều tập quán văn hóa, ngôn ngữ, nghệ thuật cổ điển của những cộng đồng thổ dân. “Sự bành trướng của văn hóa - lối sống phương Tây, đặc biệt ở khu vực Bắc Mỹ, đã tước đi không ít giá trị truyền thống từng gắn liền với chúng tôi” - Kyak bày tỏ.

Vượt lên định kiến quá khứ và khôi phục vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống chính là mong mỏi lớn nhất của những nhà đấu tranh xã hội như Big Eagle. “Biểu tượng được xăm trên trán tôi nhằm tôn vinh tổ tiên, cha ông đã tạo nên tôi ngày nay. Hình xăm nơi cằm nói lên sự kết nối với gia đình, cũng để đại diện cho vai trò làm mẹ của tôi. Hình xăm truyền thống góp phần tạo dựng danh tính cho tôi, đồng thời là lời cam kết giữa tôi và cộng đồng nơi tôi thuộc về. Trên hết, chúng nắm giữ một thông điệp văn hóa tươi đẹp tôi muốn lan tỏa đến toàn thế giới” - Big Eagle nói.

Hãy còn đó hàng rào định kiến cần xóa bỏ và muốn hoạt động đấu tranh thật sự hiệu quả, sẽ cần đến nỗ lực làm mới tư duy của tất cả mọi người. Theo nhà sử học Kyak: “Khi chưa quen nhìn ngắm hình xăm truyền thống của các cộng đồng thổ dân, bạn có thể thấy chúng khá kỳ lạ, nhưng thực tế chúng đại diện cho một nét văn hóa cổ truyền đáng gìn giữ đang trên đà hồi sinh”. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI