Đánh ghen phụ cũng vào tù

19/03/2023 - 15:23

PNO - Bị cáo thường khai tham gia vì “bức xúc, vì thương và muốn đòi công bằng cho người bị phản bội”. Và họ ngồi tù vì trận đánh mà họ… không ghen.

Đầu tháng Hai, chuyện mẹ chồng nàng dâu "song kiếm hợp bích" đi đánh ghen ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam gây rúng động. Dư luận sục sôi về sự mù quáng đáng sợ của cơn ghen, khiến một người tỉnh táo có thể rưới xăng đốt “tình địch”. Thế nhưng, khi quan sát câu chuyện, tôi thấy hiểm họa đáng kể không chỉ từ ghen tuông mà từ sự ghen tuông được cổ vũ, đồng hành.

Đánh ghen có sự giúp sức của người khác thường gây hậu quả nghiêm trọng và kết thúc bằng việc kẻ thương vong, người tù tội. Từ thành phố đến nông thôn, cứ vài hôm lại đọc báo, thấy clip các vụ đánh ghen ì xèo. Vụ nào hầu như cũng có người bị thương tích trầm trọng, tử vong, kẻ vào tù.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngày 18/4/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, tuyên phạt Võ Văn Huy (sinh năm 1999, ngụ xã Tân Thạnh, huyện An Minh) 12 năm tù và Võ Văn Thẳng (sinh năm 2004, ngụ xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh) 6 năm tù về tội giết người.

Trước đó, Huy và vợ có xích mích nên cô vợ bỏ về nhà ngoại. Khi gọi điện cho vợ, Huy nghe có giọng đàn ông nói xen vào nên rủ Thẳng cầm dao đi đánh ghen. Sang đến nơi, thấy đối tượng nghi là “tình địch", Huy và Thẳng xông vào đâm chém, rồi bỏ chạy.

Nạn nhân được nhanh chóng đưa vào bệnh viện nên thoát chết, nhưng chịu thương tật 63%. Còn 2 kẻ đánh ghen thì chịu tổng cộng 18 năm tù.

Tháng 12/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cái Bè (Tiền Giang) cũng ra lệnh tạm giữ hình sự 4 đối tượng trong vụ việc tương tự. Trước đó, Phạm Quốc Trương (sinh năm 1995), Phạm Trọng Nhân (sinh năm 2006), Nguyễn Ngọc Lân (sinh năm 2004, đều ngụ xã An Hữu, huyện Cái Bè) và Lê Thanh Nhựt (sinh năm 2005, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) rủ nhau đi đánh ghen, khiến nạn nhân trọng thương. Người ghen là Phạm Quốc Trương. 3 thanh niên còn lại thì không ghen, nhưng “đi đánh ghen phụ”.

Trước đó, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức phiên tòa phúc thẩm, giữ y án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hồ Thị Loan 1 năm tù, bị cáo Hồ Quang Vinh (cùng ở thị xã Bình Minh) 9 tháng tù, cùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Trong đó, Loan là người vợ ghen tuông đã rủ con trai, cha, anh và cháu ruột đi đánh ghen, gây thương tích 12% cho nạn nhân. Vinh là một trong số những người “đi đánh ghen phụ".

Ảnh mang tính minh họa - Teksomolika
Ảnh mang tính minh họa - Teksomolika

 

Điểm sơ những vụ án trên đã thấy đầy rẫy bi kịch tù tội xuất phát từ việc rủ nhau đi đánh ghen. Những người trong cuộc ghen tuông mù quáng đã đành. Nhưng trớ trêu nhất, sau mỗi trận đánh ghen, những kẻ “đi theo giúp sức” thường khai rằng mình tham gia vì “bức xúc, vì thương và muốn đòi công bằng cho người bị phản bội”. Và họ ngồi tù vì trận đánh mà họ… không ghen.

Tôi nhớ mãi một phiên xử ở Tòa án nhân dân TPHCM cách đây vài năm, xét xử cô vợ cùng nhiều hàng xóm đã rủ nhau đi đánh ghen. Theo cáo trạng, cô vợ này được cho hay chồng mình ngoại tình nên đã tâm sự rồi được hàng xóm khích lệ sang “dạy cho nhỏ kia một bài học”.

Qua đến nơi, nhóm đánh ghen đã thi nhau hành hung người phụ nữ bị nghi là “con giáp thứ 13”. Đến lúc cô vợ tạm hả dạ và đang chuẩn bị ra về thì một người hàng xóm nhìn khắp phòng trọ của nạn nhân, hô lên: “Ê, mấy đồ này là của chồng mày sắm cho nó nè!”. “Mấy đồ” đó là ti vi, tủ lạnh... và cả nhóm hè nhau khiêng vác chúng ra khỏi nhà cô kia, đem “trả” lại cho chị vợ.

Đến khi đối diện với pháp luật, cả nhóm đánh ghen “bật ngửa” khi bị truy tố vì hành vi “Cố ý gây thương tích” và “Cướp tài sản”. Lúc này, cả nhóm bị cáo gồm người làm móng, người uốn tóc, người bán hột vịt lộn mới ngơ ngác tự bào chữa: “Tôi đâu có cướp, tôi chỉ khiêng về dùm cô vợ thôi”...

Phiên tòa hôm ấy có cả xóm lao động của người vợ kia tham dự. Cả những người đứng trước vành móng ngựa lẫn những người ngồi dự khán đều ngơ ngác khi nghe cách mà pháp luật gọi tên hành vi của những người hàng xóm “nhiệt tình”. Theo hiểu biết đơn giản của những người không rành luật pháp, đánh ghen là “đòi công bằng”, “đứng về phe người bị phản bội”.

Nhưng khi đã cấu thành hành vi bạo lực, pháp luật sẽ gọi tên hành động của họ bằng những tội trạng rạch ròi và bước tiếp theo chắc chắn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kẻ ngoại tình, người dan díu chưa biết đã “đền tội” đến đâu, nhưng chính những người chẳng liên quan gì đến ngã ba tình ái kia đã phải “đền tội lãng xẹt” bằng những năm tháng trong tù. Đoạn trường đáo tụng đình này, hiếm có một người giúp sức đánh ghen nào nghĩ đến khi “nóng máu”, hăng hái đi theo phong trào đánh ghen của người thân, hàng xóm, bạn bè.

Quay lại câu chuyện của mẹ chồng nàng dâu ở tỉnh Quảng Nam, hành vi châm xăng đốt tình địch của cô con dâu (người vợ có chồng ngoại tình) vẫn khiến người ta hốt hoảng. Kẻ ghen tuông thì thường mù quáng. Nhưng sự mù quáng sẽ được tăng theo cấp số nhân khi có người đồng hành.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Trong trường hợp của cô vợ này, người đồng hành chính là mẹ chồng thì càng “có uy tín”. Khi có người đồng hành đánh ghen thì trong sâu xa, người trong cuộc sẽ được củng cố niềm tin rằng cơn bạo lực của mình là đúng, là đáng được ủng hộ.

Hiệu ứng đám đông đã châm dầu vào rất nhiều ngọn lửa giận dữ, ghen tuông. Cũng có người đi theo đánh ghen vì thương người bị phản bội, nhưng số đông hơn là đi vì phong trào, vì cảm giác được thực thi công lý. Không ai hình dung mình đang đi làm việc phạm pháp.

Những kẻ ngoài cuộc nhiệt tình đó là những người đầu tiên cần thức tỉnh trước một cuộc đánh ghen. Họ không bị cơn ghen chi phối, họ không thể mù quáng, giận dữ vì bị phản bội. Hơn ai hết, họ cần tỉnh táo trước mọi lời rủ rê để tránh ngồi tù lãng xẹt; đồng thời, tránh gây cho bản thân, cho xã hội những vết sẹo của bạo lực. 

Giang Thùy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI