Đàn ông không được… mệt?

08/12/2024 - 16:39

PNO - Có một nhãn hàng nước đóng lon dành cho đàn ông vừa tung ra câu khẩu hiệu: “Trụ cột mà, sao dám mệt” và cứ tưởng điều đó chứng tỏ sự mạnh mẽ của đàn ông, rằng dù mệt chỉ cần uống lon nước đó là lại khỏe phây phây...

Đàn ông là không… đàn bà?

Đàn ông là phái mạnh nên yếu thì bị gọi là… đồ đàn bà. Bản lĩnh của đàn ông là chỉ khóc khi… thái hành và rồi đàn ông chẳng bao giờ xuống bếp nữa. Đàn ông là trụ cột nên đàn ông phải gánh vác sơn hà xã tắc, mấy chuyện lau chùi dọn dẹp nhà cửa là của đàn bà con gái. Đàn ông vai năm thước rộng thân mười thước cao nên mấy ông sợ vợ là đồ dỏm, đội váy vợ lên đầu. Đàn ông nam tử hán, đại trượng phu nên lúc nào cũng phải trên đàn bà một bậc… Rõ là một kiểu định kiến nam tính độc hại!

Những tư tưởng kiểu đó vẫn tồn tại ở những quán bia vỉa hè, nơi chén chú chén anh. Đàn ông theo giáo trình được soạn từ thế kỷ XVIII và chẳng bao giờ cập nhật là vậy. Từ nhỏ, các bé trai đã phải chịu vô vàn sức ép của khái niệm “đàn ông” như thế, thậm chí cả những thứ lành mạnh như thể thao, rèn luyện sức khỏe cũng bị vạ lây.

Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock

Một bé trai mê đọc sách mà không chơi thể thao cũng sẽ bị nói. Người ta không nói với đứa trẻ về thể chất mà về giới tính: đàn ông con trai phải biết chơi thể thao. Và ngược lại, một bé gái ưa vận động sẽ bị nói là “Con gái gì mà…!”.

Định nghĩa về đàn ông luôn đầy định kiến như thế, cả ở đàn ông tự nghĩ và phụ nữ nhìn vào. Và cả trong những mẩu quảng cáo kém duyên một cách ấu trĩ, nơi người ta ra rả nhét vào đầu nhau về việc đàn ông mạnh mẽ phải dùng sản phẩm này, muốn được phụ nữ nể trọng thì phải trở thành trụ cột. Mà cái trụ thì phải chắc, cái cột là phải gánh. Cứ như thể đàn ông là không được… đàn bà. Mà thước đo “đàn bà” ở đây, tiếc thay, lại bị coi là chuẩn tệ và đàn ông tệ mới thế!

Nữ quyền là… đạp đàn ông xuống?

Những năm gần đây, từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến, có một thứ nữ quyền độc hại cũng ra đời. Nữ quyền độc hại cũng tạo thành gánh nặng cho đàn ông.

Nữ quyền độc hại bắt đầu từ những câu kiểu như: phụ nữ lấy chồng lời nhất đứa con. Khác nào coi đàn ông chỉ như kẻ gây giống. Hay câu tưởng chừng vui mà vô duyên: “Chỉ phụ nữ mới mang đến hạnh phúc cho nhau”. Nữ quyền độc hại là những thứ tôn vinh quyền của phụ nữ bằng việc hạ thấp đàn ông, biến bình đẳng giới thành cuộc chiến sống còn kiểu phô diễn sức mạnh phụ nữ bằng việc đạp đàn ông xuống.

Những bình luận trên mạng xã hội coi đàn ông như lý do cản trở quyền phụ nữ, chỉ trích đàn ông để khẳng định quyền phụ nữ. Hạ thấp đàn ông xuống để tôn vinh phụ nữ là kiểu tôn vinh mà chẳng phụ nữ hiểu biết nào cần đến.

Nữ quyền độc hại tạo thành gánh nặng cho đàn ông ở chỗ người ta xúi phụ nữ ly hôn để… hạnh phúc. Những cuộc hôn nhân trở nên khó sửa chữa hơn khi trên mạng xã hội mọc lên nhan nhản những chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình với tinh thần nữ quyền độc hại, nhân danh giải phóng phụ nữ mà kêu gọi giải thoát phụ nữ ra khỏi hôn nhân.

Họ ca tụng rằng những phụ nữ rời khỏi hôn nhân đều trở nên rực rỡ với lý do “để an ủi những phụ nữ có hôn nhân thất bại biết đứng dậy”. Nữ quyền độc hại là không tha thứ, chẳng bao dung, kêu gọi phụ nữ đừng hy sinh nữa. Nhiều người đàn ông sợ lấy vợ vì “làm chồng bây giờ khó quá”.

Tôi không bênh vực đàn ông nhưng tôi cũng chẳng thể bảo đàn ông rằng cứ làm chồng tử tế, yêu vợ, quan tâm đến vợ là chẳng người vợ nào muốn bỏ. Tôi đã đọc hàng ngàn tâm thư của những người đàn ông gửi cho tôi với một yêu cầu chung: anh đừng đăng lên. Bởi bất cứ một lời than thở nào của đàn ông trên mạng cũng sẽ nhận được vô số gạch đá. Đàn ông là phái mạnh, đàn ông thì không than vãn như… đàn bà.

Mọi công cuộc sửa chữa hôn nhân là do đàn ông có lỗi, phải sửa. Nữ quyền độc hại là cho rằng phụ nữ không bao giờ có lỗi, nếu phụ nữ có lỗi thì lỗi đó là bởi họ cưới phải người đàn ông không ra gì.

Đàn ông phải là trụ cột nhưng phụ nữ lại là nóc nhà.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hãy cho chồng được… yếu đuối

Tôi nghĩ nhiều đàn ông rất mong vợ họ cho họ được quyền… yếu đuối, được quyền mệt đôi khi, được quyền khóc mà không cần phải vờ thái hành.

Đàn ông cũng là con người chứ đâu phải robot. Đàn ông cũng có cảm xúc, cũng biết tổn thương, cũng cần được dựa cậy vào vợ. Đàn ông cũng có nhu cầu tâm sự, than thở và… trẻ con trước vợ mình. Đừng lúc nào cũng bắt anh ta phải lừng lững như trụ cột, phải gánh vác mọi điều, phải như… chồng nhà người ta.

Hãy cho chồng được quyền yếu đuối, ít nhất là trước vợ anh ta. Vì anh ta đã phải gồng lên mãi ngoài xã hội rồi. Vì anh ta đã phải gồng lên suốt từ nhỏ với giới tính của mình rồi. Những bé trai thường phải nhường đồ cho bé gái “vì mình là con trai kia mà”. Những bé trai bị bé gái cấu véo, bắt nạt cũng không được quyền đáp trả “vì con là con trai” thay vì lý do hợp lý, đúng đắn: không thể dùng bạo lực để giải quyết bạo lực. Càng không thể dùng câu “đàn ông phải biết bảo vệ phụ nữ” để khuyến khích con trai dùng nắm đấm để bảo vệ các cô gái.

Hành trình làm một người đàn ông luôn bị đo đếm bằng sức mạnh cơ bắp nên gã trai nào cũng phải gồng mình lên khoe tay to, chân khỏe. Cái gọi là trí tuệ và cảm xúc của họ không được quan tâm vì “Đàn ông con trai gì mà thế!”.

Hãy cho chồng được yếu đuối trước vợ mình! Bắt đầu bằng việc đừng gán định kiến đàn ông vào chồng mình. Anh là chồng của em. Là chồng thôi. Vợ chồng với nhau sao cứ phải phụ nữ thì phải thế này mới là vợ, đàn ông phải thế kia mới là chồng? Em cũng có thể kiếm tiền thì anh cũng có thể trở thành hậu phương vững chắc. Vợ chồng mà, hôn nhân thì không nói chuyện giới tính. Hôn nhân chỉ có vợ có chồng mà không có đàn ông, đàn bà ở đây, được không?

Là trụ cột hay là nóc nhà thì cũng vậy, nóc nhà chịu dãi dầu mưa nắng nhưng trụ cột cũng phải chịu mối mọt trầy tróc. Cho nhau được quyền dựa vào nhau mà khóc. Cho nhau được cậy nhờ một cái ôm để sạc đầy lại nhau. Có khi câu “Hôm nay của anh ổn không?” giá trị hơn cả câu “Em yêu anh”. Có khi bằng một vòng tay ôm, một câu hiền từ: “Em thương chồng em” mà thành biết ơn suốt kiếp. Hay cũng có khi chỉ là “Chồng vất vả rồi, để đó em làm cho” mà bao gánh nặng trên vai bỗng nhẹ tênh.

Đàn ông cần được thấu hiểu và ghi nhận để nhận ra họ đang có vợ, vậy thôi mà!

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trụ cột mà, mệt thì có sao?

Không ai có quyền bắt anh không được mệt. Anh ngó lơ sản phẩm của hãng nước đóng lon kia thì họ sẽ không còn cơ hội chế giễu anh nữa. Bất cứ ai, kể cả những đàn ông tư duy thế kỷ XVIII hay những phụ nữ mang trong mình thứ nữ quyền độc hại cũng vậy. Không ai có quyền bắt anh: “Trụ cột mà, sao dám mệt” trừ vợ anh. Mà nếu người vợ còn nghĩ anh không biết mệt, không được mệt thì rõ ràng hôn nhân của anh… mệt rồi!

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI