Đại dịch, lạm phát khiến các cặp đôi từ bỏ đám cưới xa hoa

27/05/2022 - 06:55

PNO - Thói quen hạn chế đám đông trong đại dịch cộng với tình trạng lạm phát gia tăng khiến các đám cưới xa hoa dần trở thành dĩ vãng. Các cặp đôi giờ rất ưa chuộng tổ chức đám cưới nhỏ với chi phí hợp lý, dù điều đó khiến họ đau đầu khi lựa chọn khách mời.

Thời của những đám cưới nhỏ và ấm áp

Theo báo cáo The Wedding Report, hơn 2,5 triệu cặp đôi ở Mỹ sẽ kết hôn trong năm 2022, con số cao nhất kể từ năm 1984. Phần lớn đám cưới là sự kiện được lên lịch trước, phải hoãn lại suốt hai năm đại dịch. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, xu hướng đám cưới đơn giản trong tình hình mới hiện nay sẽ tiếp tục duy trì vì điều đó tốt cho cả sức khỏe tinh thần và tài chính của nhà trai, nhà gái.

Mùa cưới đã quay trở lại trong năm 2022, nhưng các cặp đôi có xu hướng tổ chức lễ cưới đơn giản, thân mật thay cho những đám cưới xa hoa - ẢNH: GINA AND RYAN PHOTOGRAPHY
Mùa cưới đã quay trở lại trong năm 2022, nhưng các cặp đôi có xu hướng tổ chức lễ cưới đơn giản, thân mật thay cho những đám cưới xa hoa - Ảnh: Gina and Ryan Photography

Một cuộc khảo sát năm 2021 trên 1.000 người có kế hoạch tổ chức đám cưới do trang Brides & Investopedia thực hiện cho thấy: 35% người được hỏi cho biết họ dự định mời ít người hơn so với kế hoạch từ trước đại dịch; chỉ 49% dự định tổ chức tiệc cưới hoặc tiệc chiêu đãi sau lễ thành hôn. Dữ liệu từ trang web tổ chức đám cưới Zola (New York) cũng cho thấy, số đám cưới với ít hơn 100 khách hiện nay tăng khoảng 11% so với năm 2019.

Nhà trị liệu tâm lý Landis Bejar - sáng lập kiêm Giám đốc của AisleTalk, một dịch vụ trị liệu ở New York chuyên về giải tỏa căng thẳng do đám cưới - nhận định: Đại dịch đã giúp điều chỉnh việc tổ chức đám cưới theo nhiều cách khác nhau, cho thấy có rất nhiều lựa chọn đơn giản để đánh dấu cột mốc tình yêu.

Một khía cạnh quan trọng khác dẫn đến xu hướng cưới xin đơn giản là nỗi lo về kinh tế. Mùa cưới với hàng triệu người kết hôn là một tin tốt đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ cưới, vốn gần như đóng băng trong thời kỳ đại dịch. Dù vậy, khó khăn của các cơ sở này là họ phải đối mặt với các vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động và lạm phát. Dễ nhận thấy là chi phí tổ chức đám cưới ngày càng cao hơn.

Điển hình như ngành công nghiệp hoa tươi bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng. Nhiều trang trại trồng hoa nhỏ không thể bám trụ trong thời gian đại dịch đã phải phá sản, các nhà cung cấp đồ cưới cũng thu hẹp quy mô hoạt động.

Trung bình, giá hoa hồng tại Mỹ vào khoảng 20 - 25 USD cho bó 25 cành. Bây giờ, một số nơi có giá lên đến 100 USD/bó. Katie Hall - nhà tổ chức đám cưới ở Los Angeles - cho biết: Trước dịch, chi phí tổ chức một đám cưới từ 65.000 - 95.000 USD, hiện tại, con số đó trung bình lên đến 100.000 USD.

Quan trọng là niềm vui

Nicole Brandfon và hôn phu Adam Alonso sẽ lên máy bay từ Florida đến Nam Mỹ vào đầu năm 2023 để tổ chức đám cưới. Cả hai dự kiến trao nhẫn tại thị trấn ven biển Cartagena của Colombia, với một khoản chi phí rẻ hơn nhiều so với tổ chức tại quê nhà. Giờ đây, họ có thể thuê người tổ chức đám cưới riêng, phục vụ nhiều loại thức ăn khác nhau trong bữa tối ấm cúng cùng gia đình. 

Chuyến đi quốc tế không phải là kế hoạch ban đầu, nhưng nó giúp cặp đôi tiết kiệm tiền. Họ đã đính hôn từ tháng 6/2021 và mơ ước tổ chức đám cưới ở Miami, nơi cả hai sinh sống và làm việc. Nhưng khi bắt đầu lên kế hoạch, cả hai đã nhanh chóng nhận ra rằng giá cả nằm ngoài tầm với và cũng không còn nhiều địa điểm tốt để lựa chọn. Brandfon - một giám đốc kinh doanh 29 tuổi - chia sẻ: “Chúng tôi đã dành ba hoặc bốn tháng để xem xét rất nhiều địa điểm khác nhau và nhận ra rằng chúng tôi không đủ khả năng chi trả cho đám cưới tổ chức tại Miami, hoặc bất cứ nơi nào ở Mỹ”.

Mary Youssef và Kyro Isaac đã gửi 300 tấm thiệp cưới vào tháng 3/2020, chỉ vài ngày trước khi lệnh phong tỏa vì COVID-19 được áp dụng. Youssef - nha sĩ ở Minnesota - cho biết: “Tôi và anh ấy đều là người Ai Cập và đám cưới lớn là một nét văn hóa rất phổ biến trong cộng đồng. Chúng tôi rất chú trọng đến việc ở bên nhau và ăn mừng”. Riêng Isaac - một kỹ sư ở Pennsylvania - kể: “Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải gửi thư xin lỗi vì cắt giảm 2/3 danh sách khách mời”. Dù vậy sau đám cưới, cặp đôi đã rất vui vẻ xem hình chụp và nhớ đến niềm vui khi được những người thân thiết nhất chúc phúc. Họ không hối tiếc vì đám cưới không lớn như những gì mà họ hình dung ban đầu. 

Linh La (theo CNBC, Star Tribune, KCRW, Well and Good)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI