Đà Nẵng: Nhà máy xử lý rác hiện đại chậm vì vướng thủ tục

29/11/2021 - 07:49

PNO - Bãi rác Khánh Sơn rộng 13,83ha là khu xử lý rác thải duy nhất của TP. Đà Nẵng, đã đi vào hoạt động từ năm 1992. Bãi rác có năm hộc để chôn lấp chất thải rắn nhưng cả năm hộc rác đã đầy, phải cải tạo, nâng cấp để tăng khả năng tiếp nhận.

Trung bình mỗi năm, lượng chất thải rắn của TP. Đà Nẵng tăng thêm từ 8 - 10%. Mỗi ngày, có khoảng 1.100 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến bãi rác Khánh Sơn. Trong giai đoạn 2020-2025, lượng rác tăng lên 1.800 tấn/ngày đêm và đến giai đoạn 2025-2030, tăng lên 2.400 tấn/ngày đêm.

Bãi rác này là điểm nóng về ô nhiễm và an ninh trật tự từ nhiều năm nay. Người dân liên tục bao vây, phản đối việc ô nhiễm. Chính quyền thành phố quyết định không di dời bãi rác mà sẽ biến Khánh Sơn thành một khu liên hợp xử lý rác thải.

Bãi rác Khánh Sơn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nhiều năm nay ở TP.Đà Nẵng - ẢNH: Đình Dũng
Bãi rác Khánh Sơn là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nhiều năm nay ở TP. Đà Nẵng - Ảnh: Đình Dũng

Trong lúc chờ khu liên hợp ra đời, UBND TP. Đà Nẵng triển khai đầu tư các hạng mục gồm cải tạo, nâng cấp các hộc rác từ số 1 đến số 5, xây dựng thêm hộc rác số 6 trên diện tích hơn 77.000m2 (diện tích hộc rác hơn 46.700m2). Theo kế hoạch, hộc rác số 6 có sức chứa hơn 736.000 tấn rác, sẽ được lấp đầy sau hơn 561 ngày.

Ngoài cải tạo, nâng cấp, xây mới các hộc rác để chôn lấp, UBND TP. Đà Nẵng còn đầu tư 287 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác từ các hộc rác chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn giai đoạn 2, công suất 1.050m3/ngày đêm. Dự án này hiện đã hoàn thành, đưa vào chạy thử với công nghệ tiên tiến. 

Tuy nhiên, về thực chất, các hạng mục cải tạo, nâng cấp bãi rác Khánh Sơn nêu trên cũng chỉ mang tính tạm thời. Cuối năm 2020, HĐND TP. Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm theo hình thức PPP (đối tác công tư) trên tổng diện tích hơn 29.000m2 với tổng vốn hơn 823 tỷ đồng. Nhà máy này dự kiến sẽ xử lý rác thải rắn bằng phương pháp đốt thu điện năng, tận dụng tro bay và rỉ lò để sản xuất gạch không nung, tái chế mùn hữu cơ thành phân bón hữu cơ, tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa.

Dự kiến, nhà máy sẽ được thi công xây dựng trong quý III/2022. Nhưng với tiến độ thủ tục, hồ sơ như hiện nay, nhà máy này khó đưa vào vận hành như kế hoạch đề ra.

Ở bãi rác Khánh Sơn, còn có dự án nhà máy đốt rác, phát điện công suất 650 tấn rác/ngày đêm của Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam. Dự án này được xây dựng trên diện tích hơn 93.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện.

Sau những lùm xùm về công nghệ, dự án này đã hoàn thành các thủ tục về thẩm định công nghệ, xác định đơn giá tạm tính, quy hoạch tỷ lệ 1/500, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Nhưng do vướng mắc về vấn đề đất đai nên công trình vẫn chưa thể khởi công. 

Lê Đình Dũng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI