TP.Đà Nẵng: Ruộng bị lấp dần, dân phiêu bạt

16/11/2021 - 06:36

PNO - Đô thị hóa và công nghiệp hóa khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp, người nông dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng. Thế nhưng, một bộ phận lớn nông dân ở TP.Đà Nẵng dù vẫn đang canh tác trên mảnh đất của mình nhưng cuộc sống cũng khốn đốn, đảo lộn vì ruộng đất bị ô nhiễm, hư hại đến mức không thể khắc phục bởi những dự án bao quanh.

Ruộng đồng màu mỡ thành ruộng chết

Ngày nông nhàn, ông Nguyễn Vinh, ở thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng tranh thủ lội xuống con mương cạnh đám ruộng hoang cắt ít rau bạc hà về cho vợ muối chua mang ra chợ bán. Thôn Hòa Khương Đông được bao quanh bởi rặng núi Phước Tường. Con mương nhỏ chảy từ chân núi là nguồn nước tưới cho cả cánh đồng giờ đã là dĩ vãng bởi tình trạng núi lở, ruộng bỏ hoang, cuộc sống người nông dân ngày càng chật vật.

Ông Vinh nhớ lại: “Trước đây, ruộng nương trồng đậu, trồng bắp, lúa mùa bội thu. Nhưng từ chục năm nay, khi người ta cho khai thác đất đá phía trên núi, thì đất mỏ theo nước chảy tràn lan, mặt ruộng bị đất mỏ lấp đến cả tấc, khiến cả cánh đồng chạy dài từ đầu thôn vào chân núi không còn cày cấy được nữa, đành phải bỏ hoang. 

Đất từ các mỏ đất đá trên núi chảy xuống khiến ruộng đồng phì nhiêu trở thành ruộng “chết”, không còn canh tác được. Hằng ngày những người nông dân như ông Nguyễn Vinh tranh thủ đi hái rau, câu cá cải thiện cuộc sống
Đất từ các mỏ đất đá trên núi chảy xuống khiến ruộng đồng phì nhiêu trở thành ruộng “chết”, không còn canh tác được. Hằng ngày những người nông dân như ông Nguyễn Vinh tranh thủ đi hái rau, câu cá cải thiện cuộc sống

Ở thôn Phước Thuận kề bên, ông Huỳnh Tấn Trung, 46 tuổi, đang tranh thủ câu mớ cá đồng về cải thiện bữa ăn. Ông Trung cho biết, con mương ngày trước to rộng, tưới mát cánh đồng, ruộng mỗi năm làm ba vụ. Bây giờ, mương bị đất đá lấp, nước tưới ruộng phải lấy từ kênh mương nội đồng mới xây dựng. Nhưng ruộng đồng cũng không trồng cấy được vì bị đất lấp. Diện tích ít ỏi còn làm được cũng chỉ cấy vụ đông xuân. Chuột bọ sinh sôi rất nhiều. 

“Mỏ đất đá bao quanh, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng ngày càng nhiều. Cả một xứ ruộng mênh mông sát núi giờ bỏ hoang, không trồng cây gì được nên người ta đành trồng cây keo. Chỉ có cây keo mới sống được với loại đất đó. Còn những đám ruộng ở làng dưới, cách xa núi, không bị đất lấp, lúa lên cũng bị cháy đọt vì bị khói nhà máy ám” - ông Trung lắc đầu.

Ruộng chẳng thể cấy trồng nên nông dân chật vật tìm kế sinh nhai khác. Ông Trung bị tai nạn lao động nên phải ở nhà cùng mẹ già. Đổi lại, vợ ông phải xin đi làm công nhân kiếm mỗi tháng 4 - 5 triệu đồng sống dè sẻn qua ngày. “Cuộc sống của người nông dân chúng tôi ở đây bị ảnh hưởng nặng nề bởi các mỏ đất đá. Ruộng “chết”, mọi người tản mát kiếm sống. Đàn ông thì đi làm thợ xây, phụ hồ, đi rừng; đàn bà thì làm công nhân các nhà máy gần xa. Ở Đà Nẵng mà chưa thấy chỗ nào khổ như dân thôn Phước Thuận chúng tôi, cách trung tâm chừng hai chục cây số nhưng kêu mãi cũng chẳng được gì” - ông Trung tâm sự. Còn ông Vinh cho biết: “Tiếp xúc cử tri lần nào dân cũng báo, cũng than, nhưng rồi đâu lại  vào đấy”.

Hòa Vang là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất TP.Đà Nẵng với khoảng hơn 65.000ha và là huyện hiện đang có rất nhiều dự án được quy hoạch. Tổng diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng bởi các mỏ đất đá vào khoảng 126ha. Trong đó, Hòa Nhơn là xã khá thuần nông với diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 2.400ha đang bị ảnh hưởng rất nặng nề. Ngoài xã Hòa Nhơn thì rất nhiều xã khác trong huyện với hàng trăm hecta đất nông nghiệp cũng đang trở nên vô dụng, không thể khôi phục sản xuất vì dự án bao quanh nhưng không có phương án bảo vệ ruộng đồng.

Giải pháp nào?

Đất bỏ hoang thường kéo theo tình trạng xây dựng nhà trái phép. Dù là vấn đề nóng, người dân vô cùng bức xúc, nhưng nhiều năm qua TP.Đà Nẵng vẫn loay hoay, chưa thể xử lý dứt điểm. 

Theo thống kê, trong hơn 334ha đất nông nghiệp không sản xuất được trên toàn TP.Đà Nẵng có 276ha nằm trong các đồ án quy hoạch, trong đó H.Hòa Vang chiếm tới gần một nửa (126,13ha). Địa phương này đã đề nghị thành phố có giải pháp khắc phục đối với diện tích đất nông nghiệp không có khả năng chuyển đổi (101,69ha) như ghép vào các khu tái định cư hoặc kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nông nghiệp theo hướng công nghệ cao phục vụ nhu cầu phát triển, sản xuất của thành phố; thành phố quản lý khai thác quỹ đất hoặc giao cho huyện quản lý, cho phép doanh nghiệp thuê mặt bằng để tận dụng khai thác, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất.

 

 

Rất nhiều dự án và các công trình khai thác đất đá đã khiến hàng trăm hecta ruộng đồng màu mỡ trở thành ruộng “chết”
Rất nhiều dự án và các công trình khai thác đất đá đã khiến hàng trăm hecta ruộng đồng màu mỡ trở thành ruộng “chết”

Ông Lê Đình Ca - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Hòa Vang - cho hay: “Hầu như các xã trên địa bàn huyện đều có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các dự án, trong đó nhiều nhất là các xã Hòa Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Ninh. Để hỗ trợ người dân bị mất đất sản xuất, mỗi năm thành phố chi hơn 1 tỷ đồng cho các hộ với đơn giá 3.000 đồng/m2”.

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng - thừa nhận đất nông nghiệp không sản xuất được đang là vấn đề nóng, vừa gây hoang phí tài nguyên vừa gây tình trạng lấn chiếm trái phép kéo dài trong nhiều năm, song việc tiếp cận giải quyết lại không đồng bộ. Hiện nay sở này đang hoàn thiện đề án khắc phục đất nông nghiệp không có khả năng sản xuất. Trong đó, phần diện tích nằm ngoài các dự án thì ưu tiên khôi phục khả năng sản xuất bằng cách đầu tư khôi phục lại mương nội đồng, khả năng tưới tiêu và vận động người dân quay lại sản xuất. Phần diện tích không thể khắc phục được vì đã bị bồi lấp hoặc hoang hóa thì sẽ xử lý bằng cách lập các dự án triển khai phù hợp với quy hoạch chung. 

Với khoảng 276ha đất nông nghiệp không sản xuất được nhưng nằm trong quy hoạch các dự án, ông Hùng cho biết sẽ chia hai loại để xử lý. Nếu đất đã có dự án thì đề nghị ban quản lý các dự án tập trung triển khai việc đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Với những dự án chỉ mới phê duyệt ranh giới quy hoạch thì cần rà soát lại, dự án nào không còn phù hợp thì đưa ra khỏi danh mục, dự án nào phù hợp với quy hoạch chung thì tiếp cận phê duyệt quy hoạch chi tiết, triển khai thực hiện… Hiện, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Đà Nẵng đang được giao trách nhiệm hoàn thiện đề  án này.

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng - xử lý đất nông nghiệp không sản xuất được cần thống nhất phương án thì mới có cơ sở để các địa phương mạnh dạn xử lý và mạnh dạn gắn với xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan, không để mỗi nơi hiểu một cách khác nhau rồi không chịu triển khai. 

Bên cạnh diện tích ruộng đồng trở thành “đất chết” bởi các mỏ đất đá thì nhiều “bờ xôi ruộng mật” cũng bị quy hoạch làm các dự án đô thị. Tại xã Hòa Châu, 16ha đất lúa đã được chính quyền quy hoạch làm khu đô thị Phong Nam.

Ông Lê Đức Hùng - Chủ tịch UBND xã Hòa Châu - cho biết: “Năm 2018, dự án được quy hoạch chi tiết 1/500 và được tiến hành giải tỏa, đền bù. Theo đó, tổng dự án có 509 hồ sơ, trong đó đã chi trả bồi thường 347 hồ sơ. Còn 162 hồ sơ đã lập nhưng chưa chi trả, vì theo Luật Đất đai, khi thu hồi trên 10ha đất lúa làm dự án phải xin ý kiến Chính phủ. Vừa rồi (tháng 10/2021) Chính phủ mới đồng ý cho thành phố chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp để làm dự án”. Và theo tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 5/2019, Công ty cổ phần Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung (DMT) đã làm lễ động thổ khởi công dự án khu đô thị Phong Nam. 

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng - cho rằng: “Đến nay, sở chưa tham mưu cho UBND Thành phố quyết định giao đất, cho thuê đất của dự án Khu đô thị Phong Nam cho bất kỳ đơn vị nào (!?). Việc giao đất, cho thuê đất dự án chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất trong ranh giới dự án theo quy định tại điều 53 Luật Đất đai năm 2013 và đảm bảo các quy định của pháp luật đất đai hiện hành và pháp luật khác có liên quan”. 

Lê Đình Dũng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI