Con ớn sợ 'mùi trường học' mẹ ơi!

16/08/2018 - 14:30

PNO - Sáng cuối cùng của mùa nghỉ hè lớp Sáu, con tôi theo mẹ đi ăn sáng, về ngang cầu ông Tạ, con nói: "Mẹ, đi ngang đây là ngửi thấy mùi trường học. Con muốn ói".

Tôi bật cười: "Mùi trường học là thế nào, trường con đâu có gần đây?”.

Con on so 'mui truong hoc' me oi!
Lại một năm học nhọc nhằn với mẹ và con. Hình minh họa

Cô nàng teen bắt đầu giảng: “Dù xa vài km hay hơn nữa, thì con cũng biết phía kia có ngôi trường con, nó làm con nhợn, muốn ói hết đồ ăn sáng ra. Mẹ vẫn chở con đi học đường này mà. Chỉ khác là sẽ một năm dài dằng dặc nữa, sẽ không có chuyện buổi sáng con được đi ăn sáng rồi về nhà trên con đường bờ kè sáng sủa, mát mẻ vầy. Toàn là tối mịt tối mờ chờ mẹ mỏi chân ở cổng trường mới được đón..."

Tôi nhớ tới số liệu của Nhật Bản qua nhiều năm đã thống kê: cứ tới mùa tựu trường, lượng học sinh tử tử lại tăng cao. Ngày 1/9 hàng năm - ngày học sinh nhập học, con số tự tử ấy cao nhất. Học sinh Nhật được xem là học giỏi, học chăm nổi tiếng thế giới. Nhưng chúng cũng gánh những áp lực ghê gớm, gây nên nổi sợ hãi cái cổng trường, mức nhiều cháu muốn chấm dứt tất cả.

Áp lực học hành thời tôi, tức những năm 1990, cũng khủng khiếp lắm. Nhưng chưa tới mức tôi sợ ngày khai giảng như bây giờ. Tôi vẫn còn hào hứng vì được gặp bạn bè, sau ba tháng ru rú xó nhà, chẳng có thông tin gì của chúng.

Tôi hỏi con: "Con không mong gặp bạn cùng lớp hà". Con nói: "Cũng mong, nhưng giờ có facebook, thấy chúng nó mỗi ngày. mà lên facebook đứa nào qua nay cũng than nghĩ tới bài vở là sợ. Sẽ không bao giờ có buổi tối nào xem tivi hay ra đường  nữa".

Quả thật, con nói khiến tôi nhớ lại những buổi tối năm trước cháu làm bài tới 0 đêm chưa xong. Nhớ những buổi sáng mẹ con sấp ngửa chạy đua với kẹt xe hay mưa bão.

Tôi cũng như bao bà mẹ, ông bố, chỉ mong mau tới năm học mới để "tống" con vào bán trú, bớt đi mối lo buổi trưa con ăn gì; sáng nay, chiều nay sắp xếp con làm gì cho hết ngày, kẻo chúng lại cắm mặt vào điện thoại.

"Cái gì cũng có hai mặt mẹ ạ" - con tiếp tục lý sự phía sau lưng tôi - “Gặp bạn mà chẳng được chơi cũng như không. Rồi thì từ nay, ngày nào cũng phải mặc đồng phục nóng nực, ngủ trên cái bàn nóng nực, đi đôi giày thể thao hôi xì. Những bữa ăn tệ nhất thế giới đang chờ đón. Nhưng con ớn nhất là những trận “chửi sỉ” của các cô đầu năm học”.

Tôi lại bật cười nhớ, năm nào cũng vậy, đầu năm học, không chỉ các con, cha mẹ chúng tôi cũng bị “dằn mặt”. Vẫn biết qua hè, đầu óc học trò đứa nào cũng lơ tơ mơ chưa tập trung, cần sớm  cho chúng vào nền nếp, khuôn khổ để còn dạy kiến thức mới. Nhưng con tôi và đám bạn nó không sao quen được những cơn “tổng xỉ vả” của giáo viên đầu năm.

Con on so 'mui truong hoc' me oi!
Mùa hè thoải mái đã qua, bọn trẻ bị "hội chứng đầu năm học". Hình minh họa.

Mấy đưa hay tụ tập học nhóm và nhại lời giáo viên: “Mới có mấy tháng hè mà lú lẫn hết rồi”. “Nhồi bài tập nhiều cho bớt ngơ ngáo”. “Các anh các chị học cái giống gì lớp dưới, mà lên lớp này một chữ bẻ đôi không biết?”...

Nói gì các con, cuộc họp phụ huynh đầu năm nào, tôi cũng hứng một trận liệt kê khó khăn, kể khổ của giáo viên trong chương trình học mới, là càm ràm về chất lượng lớp, là phần “nói trước” của giáo viên chủ nhiệm về việc không khoan nhượng với phụ huynh khi lề mề tiền nong hay các khoản thu, những yêu cầu từ phía nhà trường…

Hôm trước đọc báo, tôi thấy nói học sinh có hội chứng đầu năm học, hội chứng sau tết, khiến cha mẹ rất vất vả đưa con trở lại trường. Thường chúng ta sẽ nghĩ hội chứng này chỉ có ở tuổi mầm non, mẫu giáo, vì liên quan tới việc các con sợ giáo viên đánh, bắt ăn nhanh, bắt nằm im trước giờ ngủ...

Nhưng từ khi hai đứa con vào tiểu học, rồi trung học, tôi mới nhận ra, hội chứng sợ đi học kéo dài suốt đời đi học của nhiều trẻ. Là nỗi ám ảnh của chúng ngày đêm.

Tôi không sao quên cảnh ngày con nhập lớp Hai, tôi cũng phải bước qua bãi ói của thằng bé nọ ngay hành lang lớp. Chú nhóc không chịu vào lớp, bà cháu giằng co một hồi, bà mệt quá đứng ôm ngực khóc, cháu thì khóc từ lâu, khi  giáo viên tới tiếp sức cho bà, thằng bé sợ hãi ho sặc, rồi ói. Ói xong mệt quá, nó nằm lỳ ngay cạnh bãi ói ăn vạ, chứ nhất quyết không ai lôi được vào lớp.

Nói đâu xa, như tôi đã hơn 40 tuổi, mà thi thoảng vẫn có những giấc mơ đầm đìa mồ hôi khi mơ thấy cảnh bị thầy gọi lên bảng, cảnh hớt hải đi học trễ, cảnh thi không làm được bài, cảnh buồn ngủ quá ngủ mất mà bài chưa thuộc…

Tôi nhớ có lần hỏi con, chẳng lẽ học gì con cũng lười, cũng ngán. Con suy nghĩ khá lâu rồi trả lời: “Cuối tuần học tiếng Anh ở trung tâm con đâu có ngán. Mà sao học tiếng Anh ở trường con ngán dữ vậy. Mẹ nhớ đi, hồi chúng con học tiếng Pháp nhà cô Kim, ngay cả bạn T. học dở nhất lớp cũng vẫn thích đi học, dù cô nổi tiếng khó tính, cũng cho nhiều bài tập về nhà...”

Con on so 'mui truong hoc' me oi!
Chẳng lẽ rồi con cũng như tôi. Cả đời gặp ác mộng làm bài tập chưa xong. Hình minh họa

Con tôi kết luận tạm thời: “Vì các thầy cô nước ngoài không la mắng, hạ nhục con. Họ vẫn phạt nhưng cũng có thưởng, có động viên con học và làm bài, chứ không sỉ vả, chê bai”.

Cuộc nói chuyện của hai mẹ con tôi làm đường đi ngắn lại. Sáng nay là sáng cuối cùng của mùa hè. Ngày mai tôi phải chở con tới trường tập trung, chuẩn bị cho một năm học dài.

T. Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI