Con nghỉ tết sớm, nhà cửa lộn xộn, công sở cũng rối tung

05/02/2021 - 10:00

PNO - Lẽ ra phải gần tuần nữa mới tới ngày “công sở biến thành nhà giữ trẻ”, thế mà từ mấy hôm nay, bọn trẻ mầm non, tiểu học đã xuất hiện khắp các phòng ban.

May mà văn phòng của chị Yên nằm trong khuôn viên rộng, kế bên một cái công viên rợp mát bóng cây, nên lũ nhóc còn có chỗ đi ra đi vào. Khu này mèo hoang nhiều, được cánh phụ nữ văn phòng cho ăn nên quen thân, dạn người, thường xuyên tới lui tắm nắng, đùa nghịch. Thế là đám con nít được dịp ngắm nghía, nô giỡn, trầm trồ, cũng có thể coi như “hòa mình với thiên nhiên, thú vật” ngay giữa lòng thành phố.

Phòng kế toán của chị Yên hơn mười người, thì cũng cỡ chừng ấy đứa trẻ còn ở độ tuổi phải trông nom được ba mẹ chở vào. Bảo vệ và lãnh đạo cũng đành cười trừ, thông cảm, chứ chẳng lẽ làm căng thì nhân viên cũng nghỉ phép hết.

Nhờ không gian rộng nên cũng đỡ ngột ngạt ồn ào. Vui nhất là tới giờ trưa, nhìn lố nhố đông đúc, vui tươi chẳng khác gì một buổi liên hoan được mang theo gia đình tham dự vậy! Một cô bé tí teo được “đặc cách” trải tấm chiếu bạc, nằm ngay ở góc phòng, nhìn thương thương là…

Không thể “tha” con đi làm cùng lại là một “thảm cảnh” khác mà kha khá ông bố bà mẹ đang phải đối diện. Trước, mỗi khi lễ tết, có thể gửi trẻ độ tuổi mầm non ở lại trường tư thêm vài ngày, thì nay không biết gửi ai. Nội ngoại chẳng ở gần, họ hàng bạn bè càng không tiện, cuối cùng vợ chồng đành thay nhau nghỉ làm. Mà việc cuối năm thì bao nỗi lo toan, ngoài giờ hành chánh còn phải khách khứa, tất niên, thăm nom biếu xén, mua sắm các kiểu.

Một giải pháp khá bá đạo trong những gia đình đông đúc chính là, một người nào đó “hy sinh” ngày phép, ở nhà trông tất cả các nhi đồng của nhà mình. Quả là một phương án không tệ, khi bọn trẻ không quá xa lạ với “cô bảo mẫu bất đắc dĩ”, vốn là cô là dì là mợ là thím trong nhà. Rồi thì ông bà nội ngoại từ quê được “rước” lên thành phố ăn tết ngoài dự kiến, bởi “mấy cháu nhớ ông bà”, thật là tình cảm biết bao!

Con nghỉ học, nhà biến thành... chiến trường
Con nghỉ học, nhà biến thành... chiến trường. Ảnh minh họa

"Con ở nhà, dọn cái ổ chuột, luộc thịt cắt nhỏ ra, trưa hai chị em ăn cơm đàng hoàng nhé!", ngày nào chị Cúc cũng dặn dò bọn nhóc cẩn thận trước khi rời nhà. Nhưng cuối ngày, đón chị là cảnh “không thể tan hoang hơn”, giống như… trộm cướp vừa càn qua đây vậy.

Mì gói ăn sống, hộp nước ngọt sữa tươi uống dở, đồ chơi của cặp hamster vung vãi khắp nơi. Trong phòng, móc áo, khẩu trang nằm cùng với khăn mặt và đồ nhắc bếp, chén đũa ở ngay dưới gầm ghế sô-pha, và tủ lạnh thì tung tóe đồ khô bị làm đổ.

Chị Cúc cười như mếu, than: Con chị đã học lớp 11, chứ nhỏ nhít gì đâu, mà chẳng biết đỡ đần, chăm nom nhà cửa, em út. Kêu “em”, chứ thằng nhóc đã cao mét sáu, đang học giữa bậc trung học cơ sở rồi…

Bạn tôi, là chủ của một hệ thống trường mầm non tư thục, chia sẻ như mếu: "Học sinh nghỉ sớm, thế là năm nay nhà mình mất tết". Tôi hỏi sao thế, bạn cũng chỉ  có hai con như thiên hạ, gì mà kêu dữ vậy!

Bạn “xổ” một tràng: mặt bằng, lương thưởng cho giáo viên, bảo mẫu, bảo vệ, điện nước… trăm thứ, đùng cái phải nghỉ học phòng dịch, mình đâu trở tay kịp. Kiểu này chắc tiêu quá, học phí tháng hai đã kịp thu đồng nào đâu, lấy gì trang trải cho cuối năm. Chưa kể, đã là một năm đằng đằng khó khăn, mình cố gồng rồi…

Ai sẽ hy sinh ở nhà giữ con ngày giáp Tết dây?
Ai sẽ "hy sinh" ở nhà giữ con ngày giáp Tết đây? - Ảnh minh họa

Nói thế, chứ nhìn mặt tích cực thì trẻ con độ tuổi từ tiểu học, nếu nghỉ tết sớm cũng là dịp để tận dụng sức lao động “nhà trồng được”. Dạy cho chúng tự lập và trách nhiệm. Ví như dọn tủ áo, sắp xếp lại mấy cái kệ sách, lau cửa kính trên lầu… chẳng hạn. Rồi tập cho con nấu nướng làm bánh, đưa con gái đi khám xem vì đâu mấy nốt sẹo muỗi cắn mãi chưa lành, cho thằng nhóc đo lại cặp mắt cứ hay nheo nheo, chắc lại tăng độ cận rồi...

Nhiều dự định bấy lâu cần thời gian rảnh rỗi, thì nay đúng dịp có thể sắp xếp tiến hành. Biết chấp nhận thực tế, tự chọn cho mình tâm thế nhẹ nhàng, cũng là cách để “con nghỉ tết sớm” không quá áp lực, nặng nề.

Những chiều cuối tháng Chạp, đường phố như buồn hẳn vì thiếu vắng màu áo học trò. Hàng quán, trung tâm thương mại cũng thưa thớt, phần vì kinh tế eo hẹp, một phần vì phụ huynh bảo nhau: “Con cái đã ở nhà cả ngày rồi, tranh thủ về với chúng, tội nghiệp”…

Hạ Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI